Những con số “biết nói”
Giai đoạn 2016 - 2020 là giai đoạn Đảng và Nhà nước có nhiều quan tâm, chỉ đạo đổi mới và ban hành các quy định mới về công tác thi đua, khen thưởng. Trong bối cảnh thực hiện các quy định mới của Luật BHXH, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, bổ sung; Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 về cải cách chính sách BHXH… Trong giai đoạn này, phong trào thi đua của ngành được đổi mới về nội dung và hình thức; triển khai bài bản, khoa học với tiêu chí và nội dung cụ thể, thiết thực, bám sát nhiệm vụ được giao; tạo động lực cho các tập thể, cá nhân trong toàn ngành phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị hằng năm và giai đoạn 2016-2020. Kết quả thể hiện qua các con số: số người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp hằng năm đều tăng vượt so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cụ thể: số đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp năm 2015 là 70,2 triệu người và tới năm 2019 là 86,5 triệu người. Tính đến 31-8-2020, số đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 86,4 triệu người (đạt 98,14% kế hoạch được giao); số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mạnh, đến tháng 8-2020 đạt 786.173 người, đặc biệt, chỉ tính riêng số người tăng mới năm 2019 bằng gấp hai lần kết quả về số người phát triển được giai đoạn 11 năm trước đó. Số người tham gia BHYT đạt tỷ lệ bao phủ gần 90% dân số, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao.
Số lượt người hưởng các chế độ BHXH tăng từ gần 8,1 triệu lượt năm 2015 lên 12,5 triệu lượt năm 2019 (tăng 54%). Năm 2015, toàn ngành đã thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho 130 triệu lượt người và đến năm 2019 đã thanh toán cho 184 triệu lượt người (tăng 41%). Hiện nay, BHXH Việt Nam thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng cho khoảng 3,2 triệu người hưởng (trong đó có 2,6 triệu người nhận bằng tiền mặt và khoảng 600 nghìn người nhận qua tài khoản cá nhân).
Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, ngành BHXH tập trung cải cách thủ tục hành chính (TTHC) giảm từ 115 thủ tục năm 2014 xuống còn 27 thủ tục năm 2019; số lần thực hiện giao dịch bình quân giảm từ 12 lần/năm xuống còn 1 lần/năm… Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu 2018, mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 14 bậc so với Báo cáo 2017), trong đó chỉ số nộp thuế, BHXH xếp thứ 86/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 81 bậc so với Báo cáo 2017). Hệ thống giao dịch BHXH điện tử cung cấp 18 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; xây dựng và triển khai Hệ thống thông tin giám định BHYT kết nối liên thông với 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trong phạm vi toàn quốc (tuyến xã 10.376 cơ sở y tế, tuyến huyện 1.933 cơ sở y tế, tuyến tỉnh 540 cơ sở y tế, tuyến trung ương 48 cơ sở y tế)...
Xây dựng ngành BHXH Việt Nam tinh gọn, hiện đại
Tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành BHXH lần thứ năm, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã phát động phong trào thi đua yêu nước ngành BHXH Việt Nam giai đoạn 2020-2025 với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm xây dựng ngành BHXH tinh gọn, hiện đại, chuyên nghiệp”, hướng tới sự hài lòng của người dân và các chủ thể tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Theo đó, giai đoạn 2021-2025 là giai đoạn cả nước thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) của đất nước. Phát huy truyền thống tốt đẹp và thành tích trong những năm qua, toàn ngành BHXH tập trung sức lực và trí tuệ phấn đấu hoàn thành các mục tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH; triển khai thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT… nên nhiệm vụ đặt ra với ngành là rất nặng nề, với nhiều thời cơ thuận lợi, nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức.
Để phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, BHXH Việt Nam sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp quan trọng. Theo đó, triển khai đồng bộ các giải pháp để tổ chức tốt các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phát động gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những chỉ tiêu định lượng phấn đấu cụ thể, nội dung thiết thực để tổ chức thực hiện và đánh giá hiệu quả. Trong đó, tiếp tục triển khai thực hiện tốt Luật BHXH, Luật BHYT, đặc biệt là các quy định được sửa đổi, bổ sung của Luật BHXH, Luật BHYT. Triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, cụ thể: Cải cách chính sách BHXH để chính sách này thật sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch.
Phấn đấu đến năm 2025 đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BH thất nghiệp; có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 85%. Phấn đấu hằng năm hoàn thành kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao và đạt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Đẩy mạnh công tác cải cách TTHC, ứng dụng CNTT, xây dựng Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm và cơ sở pháp lý phục vụ xây dựng, kết nối, chia sẻ CSDL quốc gia về bảo hiểm với các hệ thống thông tin của bộ, ngành, địa phương. Triển khai dịch vụ công trực tuyến trong liên thông thanh toán điện tử, giao dịch điện tử, giải quyết TTHC trên Cổng dịch vụ công của ngành tới Cổng dịch vụ công quốc gia... Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống BHXH Việt Nam tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị; có chế tài xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với trường hợp vi phạm, làm chậm, làm kém hiệu quả.