Thứ ba, 15/12/2020,05:07 (GMT+7)
Xây dựng nông thôn mới ở Tiền Giang: Quan tâm phát triển hệ thống chợ nông thôn
Tỉnh Tiền Giang đặt mục tiêu phấn đâu xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2025. Hiện nay Tiền Giang có 2 huyện đạt chuẩn NTM là Chợ Gạo và Gò Công Đông và 3 thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là Mỹ Tho, Gò Công và Cai Lậy. Đặc biệt, nhằm thúc đẩy giao thương hàng hóa, thời gian qua tỉnh Tiền Giang rất quan tâm phát triển hệ thống chợ…
 
Hai địa phương của tỉnh Tiền Giang vừa được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận đạt chuẩn NTM là huyện Chợ Gạo và thị xã Cai Lậy. Theo đó, huyện Chợ Gạo có 18/18 xã đạt chuẩn NTM và đạt 9/9 tiêu chí của huyện NTM. Cụ thể, toàn huyện có 24 tuyến đường huyện, dài 135km đã được nhựa hóa 100%, hệ thống cầu, cống trên các tuyến đường huyện được xây dựng kiên cố; 100% số hộ dân sử dụng điện thường xuyên an toàn; 100% cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, hoàn thành giấy phép xả nước thải vào nguồn nước theo quy định….
 
Thị xã Cai Lậy có 10/10 xã đạt chuẩn với những kết quả nổi bật như: 100% đường xã được nhựa hóa, bê tông hóa; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của thị xã đến tháng 6/2020 là 52,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của các xã giảm còn 1,41%; 100% người dân có nước sinh hoạt hợp vệ sinh… Phong trào xây dựng nông thôn ở Tiền Giang trở thành phong trào thiết thực, phát triển mạnh mẽ. Giai đoạn 2016-2020, Tiền Giang đã xây dựng 107/143 xã NTM, đạt trên 146% kế hoạch so với Nghị quyết là 72 xã.
 
 
4333-cho-my-tho
Tiền Giang quan tâm phát triển chợ nông thôn trong xây dựng nông thôn mới
 
 
Đặc biệt, trong xây dựng NTM, song song với sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tỉnh Tiền Giang rất quan tâm xây dựng hạ tầng, hệ thông thương mại, các chợ nông thôn đạt chuẩn NTM.
 
Trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM, tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (chợ nông thôn) được đánh giá có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Hiện nay, mạng lưới chợ nông thôn Tiền Giang đã và đang phục vụ tốt việc lưu thông hàng hóa, góp phần mở rộng thị trường nông thôn… Với một địa phương như Tiền Giang, phần lớn dân số sống ở nông thôn và có thu nhập từ sản xuất nông nghiệp.
 
Vì vậy, chợ nông thôn vẫn là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa của đại bộ phận dân cư. Chợ nông thôn vừa là nơi tiêu thụ các loại sản phẩm của người dân làm ra, cũng là nơi thu gom các loại hàng hoá, tạo ra khối lượng lớn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại đô thị, đồng thời đảm bảo vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất và đặc biệt hệ thống mạng lưới chợ nông thôn góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, cũng là nơi giao lưu văn hóa vùng miền….
 
Bên cạnh các tiêu chí NTM khác, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang luôn chú trọng xây dựng tiêu chí chợ truyền thống nông thôn. Yếu tố quan trọng trong quy hoạch chợ là phải gắn với quy hoạch chung của địa phương, tránh tình trạng chợ xây xong bỏ hoang, không sử dụng được. Một số nơi, nhân dân đã nhiệt tình trong việc đóng góp cùng xây mới chợ, nâng cấp chợ cũ đạt chuẩn.
 
Theo hướng dẫn của Sở Công Thương, các địa phương nằm trong quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ mới phải xây dựng chợ. Các địa phương còn lại cải tạo, sắp xếp lại hệ thống chợ sẵn có trên địa bàn để phục vụ người dân giao thương. Nhằm xây dựng hệ thống chợ đáp ứng nhu cầu của người dân, hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ đầu tư xây mới và cải tạo, nhất là các xã khó khăn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có nhiều chợ được đầu tư xây mới và nâng cấp sửa chữa. Một số chợ sau khi được đầu tư xây dựng, cải tạo đã phát huy hiệu quả, góp phần giúp nhân dân trên địa bàn mở rộng giao thương hàng hóa, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại địa phương…
 
Tính đến cuối năm 2019, Tiền Giang có 176 chợ, trong đó, khu vực nông thôn có 155 chợ, khu vực thành thị có 21 chợ. Hàng hóa, dịch vụ lưu thông qua chợ có tỷ trọng trên 50% so với tổng lượng hàng hóa, dịch vụ qua các hình thức phân phối.
 
Xác định việc đầu tư hạ tầng chợ, nhất là chợ nông thôn để luân chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở sản xuất tại địa phương là hết sức quan trọng, thời gian tới tỉnh Tiền Giang tiếp tục vận động, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp nhận quản lý, đầu tư xây dựng các chợ huyện, chợ xã theo quy hoạch; đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn…
 
Nguồn: Minh Thư (congthuong.vn)
T/h: M.Phúc.(dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu