Thứ hai, 29/06/2020,08:20 (GMT+7)
Xe máy điện bị "bỏ rơi"
Vốn đã khó cạnh tranh với xe máy, lại gặp thời điểm đầy khó khăn do tác động từ dịch Covid-19, thị trường xe máy điện không dễ khởi sắc
Khi xe máy điện Klara của Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (thuộc Tập đoàn Vingroup) trình làng hồi cuối năm 2018, thị trường loại xe này chứng kiến một giai đoạn sôi động sau nhiều năm im ắng dù không hiếm dòng xe được ra mắt. Thời điểm đó, nhiều hãng chớp thời cơ tung sản phẩm mới, tiếp thị, chào hàng, tìm kiếm đối tác phân phối, mở hệ thống đại lý. Chưa được bao lâu, thị trường này đã trầm lắng trở lại.
 
Giá cao, không tiện lợi
 
Có ưu điểm vượt trội là thân thiện với môi trường và được xem là xu hướng tiêu dùng tất yếu trong tương lai nhưng xe đạp điện, xe máy điện vẫn khó lấy lòng khách hàng. Một trong những nguyên nhân chính là giá sản phẩm khá cao, thiếu sức cạnh tranh. Chưa kể, nhiều người tiêu dùng chưa thực sự yên tâm với chất lượng của dòng xe này.
 
Khảo sát tại các cửa hàng xe đạp điện, xe máy điện ở TP HCM, phóng viên ghi nhận lượng khách tới tìm hiểu, mua sắm rất thưa thớt. Chủ một cửa hàng xe máy tại quận 3 cho biết từ sau Tết âm lịch đến nay, chưa có khách nào tới mua xe điện, trong khi các sản phẩm khác vẫn "túc tắc" bán được. Tương tự, nhiều đại lý xe điện ở quận 5 thừa nhận sức mua của khách hàng trong năm nay đã "xuống dốc không phanh" so với trước. Nguyên nhân bởi dòng sản phẩm này vốn đã kén khách, tiêu thụ èo uột, lại gặp dịch Covid-19 kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức mua. Hậu quả là không ít đại lý đã phải trả mặt bằng do thua lỗ.
 
Nhìn nhận kinh doanh các dòng xe điện là lĩnh vực khá tiềm năng trong tương lai nhưng ông Bùi Văn Công - chủ hệ thống cửa hàng xe đạp điện, xe máy điện tại TP HCM - vẫn không kỳ vọng nhiều bởi phân khúc này nhỏ hẹp, chủ yếu phục vụ đối tượng học sinh nhờ không yêu cầu về bằng lái. Chưa kể, xe máy điện còn bị cạnh tranh quyết liệt bởi nhiều hãng xe máy liên tục tung ra các mẫu xe 50 phân khối với giá bán khá thấp - chỉ khoảng 15 triệu đồng/chiếc - và cũng không yêu cầu bằng lái khi sử dụng. "Nhiều mẫu xe máy có ngoại hình hợp thời trang nên thu hút giới trẻ. Không hiếm khách hàng ban đầu có ý định mua xe điện nhưng đã chuyển sang mua xe máy phân khối nhỏ" - ông Công nói thêm.
 
Về phía người tiêu dùng, sử dụng xe điện gây ra không ít phiền toái. Ông Quách Minh Hào (ngụ quận 6, TP HCM) phản ánh bình điện rất nhanh xuống cấp, có thể hư hỏng bất cứ lúc nào. Trong khi đó, giá thay một bình điện ít nhất là hơn 2 triệu đồng, thậm chí có thể lên tới 6-8 triệu đồng với những loại được giới thiệu là chất lượng cao; thay pin lithium-ion có giá 15-18 triệu đồng. Do chi phí thay thế cao nên chỉ sử dụng xe điện một thời gian, ông trở lại dùng xe máy.
Xe máy điện bị bỏ rơi - Ảnh 1.
Thị trường chưa dành nhiều ưu ái cho các dòng xe điện
Cần thêm thời gian
 
Giới kinh doanh xe điện đánh giá thị trường thường chỉ sôi động một thời gian ngắn nhờ hiệu ứng của một dòng xe mới ra mắt hoặc một chương trình quảng bá thương hiệu nào đó. Không lâu sau, thị trường lại "đâu vào đấy".
 
Một doanh nghiệp (DN) nhập khẩu và phân phối xe máy điện tại TP HCM cho hay sau khi đưa ra thị trường dòng xe cao cấp có giá 60 triệu đồng/chiếc vào đầu năm ngoái, đến nay công ty không phát triển thêm được dòng sản phẩm nào khác. Ông P.L, giám đốc DN này, thừa nhận giai đoạn đầu, dù đã chấp nhận lỗ để làm thương hiệu nhưng rất tiếc là vẫn "giẫm chân tại chỗ" và chưa nhận thấy tín hiệu tích cực trong tương lai gần.
 
Ông Nguyễn Hữu Cường, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại D&T miền Nam, nhận định xe máy điện là xu hướng tất yếu nhưng cần thêm vài năm nữa mới có thể có sự chuyển biến đáng kể. Nhận thấy giai đoạn hiện tại rất khó để phát triển nên công ty chấp nhận dừng kinh doanh sản phẩm này dù đã đầu tư hệ thống phân phối tốn kém đến hàng chục tỉ đồng. "Bên cạnh mức giá đắt đỏ và chi phí thay phụ tùng cao, người tiêu dùng vẫn chưa quen sử dụng các dòng sản phẩm xe điện nên cần nhiều thời gian hơn nữa" - ông Cường đánh giá.
 
Ngoài ra, việc phát triển mạng lưới tiêu thụ xe đạp điện, xe máy điện đòi hỏi tiềm lực tài chính lớn, không phải DN nào cũng đủ sức xây dựng mạng lưới phân phối rộng khắp. Cùng đó, việc liên kết phân phối giữa DN với đại lý cũng không hề đơn giản, do đây không phải là mặt hàng hút khách. "Tiêu thụ xe điện rất chậm nên phần lớn cửa hàng, đại lý đều từ chối nhận hàng trưng bày hoặc mua để bán lại. DN phải bán hàng theo kiểu ký gửi, tức tiêu thụ được chiếc nào mới thu tiền chiếc đó từ cửa hàng. Thậm chí, DN còn phải trả tiền cho cửa hàng để được trưng bày sản phẩm" - ông Tôn Minh Chúc, chủ cửa hàng xe đạp điện, xe máy điện ở quận Tân Bình (TP HCM), nói.
 
Nhiều cửa hàng, đại lý trưng bày xe điện để đa dạng sản phẩm, tạo dần nhận diện về dòng sản phẩm đối với khách hàng với mục đích phát triển về sau. Còn hiện tại, giới kinh doanh vẫn không mặn mà với sản phẩm này.
 
Bài và ảnh: Gia Hưng - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu