Ngày 16-9, TAND TP HCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử đối với 5 bị cáo, gồm: ông Nguyễn Thành Tài (nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM), bà Lê Thị Thanh Thúy (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Lavenue); ông Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM); ông Nguyễn Hoài Nam (nguyên Bí thư Quận ủy quận 2) và ông Trương Văn Út (nguyên Phó Phòng Quản lý đất Sở TN-MT TP HCM) cùng về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Ký dựa trên tham mưu của sở - ngành
Theo cáo trạng, khu nhà, đất số 8-12 Lê Duẩn (phường Bến Nghé, quận 1) có tổng diện tích 4.896 m2 thuộc sở hữu nhà nước. Năm 2007, UBND TP HCM có chủ trương phê duyệt cho đầu tư xây dựng khách sạn và một phần trung tâm thương mại theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương sắp xếp, xử lý khu đất số 8-12 Lê Duẩn, bị cáo Nguyễn Thành Tài và đồng phạm đã ký nhiều văn bản vi phạm pháp luật để chuyển quyền sở hữu khu đất từ sở hữu nhà nước sang sở hữu doanh nghiệp (DN) tư nhân của bị cáo Lê Thị Thanh Thúy, gây thất thoát hơn 1.900 tỉ đồng.
Tại tòa, trả lời chất vấn của đại diện VKSND về những quyết định trái pháp luật đã ký ban hành, bị cáo Nguyễn Thành Tài giải thích nội dung trong những văn bản liên quan đến nhà, đất số 8-12 Lê Duẩn không thuộc chuyên môn bị cáo đảm nhận. "Thời điểm đó, tôi chỉ kiêm nhiệm nên mọi quyết định tôi đều dựa trên tham mưu, đề xuất từ sở - ngành, đơn vị chuyên môn. Trong nội dung tham mưu, tôi không thấy cơ quan nào phản đối giải pháp Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP (Công ty QLKDN) liên doanh với 4 DN (thuộc Bộ Công Thương) thuê khu đất tại số 8-12 Lê Duẩn. Khi ký văn bản, tôi không nhận thức rõ đây là hành vi sai phạm nghiêm trọng" - ông Nguyễn Thành Tài nói.
Bị cáo Nguyễn Thành Tài tại tòa Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ông Nguyễn Thành Tài thừa nhận có ký văn bản đề xuất Ban Chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước tại TP HCM (viết tắt Ban Chỉ đạo 09) thông qua chủ trương thực hiện dự án khách sạn 5 sao tại số 8-12 Lê Duẩn. Sau khi xem xét, ông Lê Hoàng Quân (khi đó là Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban Chỉ đạo 09) ra thông báo về việc thu hồi đất, sau đó đấu thầu xây dựng khách sạn 5 sao. Công ty QLKDN có trách nhiệm phối hợp sở - ngành liên quan triển khai thực hiện. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP, đang thụ án 7 năm tù trong một vụ án có tính chất tương tự vụ án này) mới là người chỉ đạo, đôn đốc ở giai đoạn ban đầu. Sau này, công việc liên quan đến dự án mới chuyển qua ông Nguyễn Thành Tài phụ trách. Năm 2010, ông Nguyễn Thành Tài có công văn chấp nhận đề xuất cho phép Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm (do bị cáo Lê Thị Thanh Thúy điều hành) cùng tham gia dự án. Bị cáo cũng cho rằng biết DN trên qua Công ty QLKDN giới thiệu.
Trong khi đó, bị cáo Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở TN-MT TP HCM) khẳng định cùng cấp dưới làm đúng phận sự, thẩm quyền. Thời điểm sai phạm xảy ra, bị cáo "cảm giác mình không có lỗi".
Không hiểu biết nhiều về quy định pháp luật (?)
Cáo trạng cáo buộc bị cáo Lê Thị Thanh Thúy lợi dụng mối quan hệ với bị cáo Nguyễn Thành Tài để gửi văn bản (không số) đến Công ty QLKDN, tự nhận DN do bị cáo điều hành có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, nhà hàng - khách sạn, có năng lực tài chính. Từ đó, bị cáo Thúy xin tham gia dự án số 8-12 Lê Duẩn với động cơ trục lợi cá nhân; không phải cạnh tranh, đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu dự án. VKSND Tối cao cũng đề nghị TAND TP HCM hủy các quyết định giao đất, cho thuê đất trái pháp luật, giao UBND TP HCM thực hiện việc thu hồi đất số 8-12 Lê Duẩn.
Tại tòa, bị cáo Thúy cho biết: "Bị cáo biết ông Nguyễn Thành Tài từ trước. Ông Tài là lãnh đạo TP mà, ai cũng biết. Hơn nữa, ông Tài có mối quan hệ khá thân thiết với thành viên trong gia đình bị cáo". Trước khi làm hồ sơ xin đầu tư, bị cáo Thúy có gặp ông Lê Hoàng Quân (khi đó là Chủ tịch UBND TP HCM) bày tỏ nguyện vọng xây dựng khách sạn 5 sao và được hướng dẫn gặp bà Nguyễn Thị Thu Thủy (Giám đốc Công ty QLKDN, trước khi bị Bộ Công an ra lệnh bắt giam đã bỏ trốn, hiện đang bị truy nã). Ngay khi gặp mặt, bà Thủy giới thiệu với bị cáo Thúy dự án trên. Bị cáo Thúy trần tình không hiểu biết nhiều về quy định pháp luật liên quan đến hợp tác, xây dựng dự án nên mọi vấn đề pháp lý, bị cáo phụ thuộc vào bà Thủy.
Bị cáo Nguyễn Thành Tài cũng khẳng định mối quan hệ quen biết thành viên gia đình bị cáo Thúy từ năm 2007 và đó chỉ là mối quan hệ bình thường như lãnh đạo TP với DN.
Hôm nay, phiên tòa tiếp tục.
Đề nghị truy tố bà Dương Thị Bạch Diệp
Ngày 16-9, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố bà Dương Thị Bạch Diệp (SN 1948, nguyên Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", ông Nguyễn Thành Tài (SN 1952, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM) cùng 8 bị can khác về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Công ty Diệp Bạch Dương có trụ sở đăng ký tại số 179 Bis Hai Bà Trưng (phường 6, quận 3, TP HCM) và bà Diệp là người đại diện theo pháp luật. Trung tâm Ca nhạc nhẹ (viết tắt là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP HCM thành lập vào năm 1998 và được giao quản lý, sử dụng nhà đất số 185 Hai Bà Trưng, phường 6, quận 3, TP HCM để làm trụ sở và nơi tổ chức biểu diễn nghệ thuật.
Do cơ sở vật chất tại địa chỉ trên bị xuống cấp nên từ năm 2007, Trung tâm đã có quan hệ với một số đơn vị để hợp tác đầu tư nâng cấp, cải tạo nhà số 185 Hai Bà Trưng, trong đó có Công ty Diệp Bạch Dương. Bà Diệp đã đề xuất với ông Vy Nhật Tảo (Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ) phương án sử dụng một bất động sản khác có giá trị tương đương để hoán đổi lấy mặt bằng số 185 Hai Bà Trưng.
Sau đó, bà Diệp có "Đơn xin hoán đổi tài sản" nhưng bà Nguyễn Thị Hồng (Phó Chủ tịch UBND TP HCM) trả lời không chấp thuận. Bà Diệp tiếp tục gửi "Đơn xin hoán đổi tài sản" đến ông Nguyễn Thành Tài đề nghị hoán đổi 2 tài sản trên. Ông Nguyễn Thành Tài đã báo cáo chủ tịch UBND TP HCM và kết quả cuối cùng là Công ty Diệp Bạch Dương được hoán đổi.
Tuy nhiên, bà Dương Thị Bạch Diệp đã mang giấy tờ của 2 lô đất đi vay Agribank TP HCM 21.860 lượng vàng SJC và vay Ngân hàng Phương Nam 160 tỉ đồng, gây thiệt hại cho nhà nước 352,8 tỉ đồng.
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)