Mờ sáng, chiếc ghe tam bản tròng trành rẽ sóng đưa chúng tôi sang sông Hậu thăm lại xóm lặn “độc nhất” miền Tây. Cơn bấc thốc mạnh, khúc sông ngày càng dậy sóng, hạt nước văng trắng xóa, khiến chúng tôi lạnh “nổi da gà”. Chị Thúy lái chiếc máy đuôi tôm cười khúc khích: “Mấy hôm nay, gió bấc chuyển mình, ai cũng lạnh run “cằm cặp”! Thời điểm này, cá đồng đang theo dòng nước ra sông, bà con xóm lặn tranh thủ khai thác cá, tôm”. Chiếc ghe tam bản vừa cặp bến cũng là lúc những thợ lặn lỉnh kỉnh xách đồ nghề, cơm, nước xuống ghe, chuẩn bị cho hành trình lặn cá dưới đáy sông.
Chúng tôi nhanh chân nhảy lẹ sang chiếc ghe lườn của ông Lâm Văn Hoàng (Hai Hoàng, 53 tuổi) để trải nghiệm hành trình khai thác thủy sản trên dòng sông Hậu. Hai Hoàng được bà con xóm cồn Phó Ba “phong” cho cái tên “Hoàng rái cá”. Hai Hoàng có 2 người con trai cũng theo nghiệp lặn. Gia đình Hai Hoàng không ruộng rẫy nên thuở nhỏ được cha mình (ông Ba Lừng) truyền lại cái nghề lặn sông cho tới bây giờ.
Hai Hoàng nhớ lại, thuở trước, cha mình cũng là thợ lặn đầu tiên ở xứ cồn này. Trót mang nghiệp lặn đã lâu nên ông Ba Lừng rất am tường “tánh nết” của những khúc sông, chỗ sâu, cạn và chỗ có cá “khủng” trú ẩn. “Cái thời cá, tôm nhiều vô kể, mỗi khi mùa lũ rút, mỗi ngày cha tui đi chụp chài rê và lặn sông bắt dính hàng trăm ký cá ngon các loại. Ổng lặn vô địch ở xóm này” - Hai Hoàng tự hào. “Hồi đó, cha tui dùng chài rê bắt dính con cá hô nặng 200kg tại đoạn sông gần bến phà An Hòa, rồi dùng dây luộc xỏ vào mang con cá hô, kéo về” - Hai Hoàng kể. Hôm đó, con cá hô được khiêng lên để trước nhà, người dân xóm cồn xem đông như ngày hội. “Con cá hô được cha tui xẻ thịt đổi lúa để người dân trong xóm thưởng thức. Thịt cá dai ngon sần sật. Mỗi ký cá, cha tôi đổi 1 giạ lúa. Năm đó, nhờ bắt dính cá hô to mà gia đình tui có tiền xài rủng rỉnh trong dịp Tết” - Hai Hoàng nhớ lại.
Nghề lặn sông gắn chặt với anh em Hai Hoàng hơn 35 năm. Những khúc sông Mekong được xem là nơi nuôi sống gia đình nhiều thế hệ của Hai Hoàng. Sống bằng nghề lặn đã lâu, nên Hai Hoàng có kinh nghiệm bắt cá, tôm. Chỉ tay về đoạn sông Hậu (khu vực TP. Long Xuyên - Chợ Mới), ông Hoàng nói rằng, hiện nay, khúc sông gần phà An Hòa là nơi sâu nhất so với các khúc sông mà ông đã từng lặn. “Nếu như ngày trước sông Vàm Nao sâu khoảng 30m thì khu vực phà An Hòa sâu tới 42m. Những chỗ sâu như vậy may ra con cá hô, cá chạch lấu, cá leo trú ẩn” - Hai Hoàng cho hay.
Ước vọng đổi đời
Lâu nay, những thợ lặn sống dựa vào nguồn cá, tôm do thiên nhiên hào phóng ban tặng. Cuộc đời họ cứ “rài đây mai đó”, lênh đênh theo sóng nước. Hễ nơi nào có cá, tôm thì họ đến khai thác. Khi mùa nước rút, dòng sông Hậu cạn kiệt nguồn thủy sản thì họ giong ghe sang tận Long An, Đồng Tháp đánh bắt cá, tôm. Đến mùa nước lớn, ròng, họ lái ghe xuống tận miệt Vĩnh Long để “duy trì nghiệp lặn”. Họ làm quần quật quanh năm, khi lũ về họ tạm gác mái chèo nghỉ xả hơi vài tháng rồi chuẩn bị ngư cụ khai thác cá đồng ra sông. Cứ thế, cuộc sống của họ cứ quay vòng theo năm tháng.
Thuở trước, cơn “bấc non” chớm lạnh là thời điểm con cá đồng lội tung tăng theo kênh, rạch ra sông nhiều vô kể. Tuy nhiên, đến thời điểm này cá, tôm rất ít. Hôm theo xuồng Hai Hoàng để “mục sở thị” cái nghề hạ bạc, chúng tôi mới thấy hết nỗi nhọc nhằn của họ. “Mấy năm trước, tôi kéo mỗi chài dính vài ký cá là chuyện bình thường. Còn bây giờ, chài cả buổi sáng mà chỉ bắt được vài ba con cá dảnh và cá mè vinh cỏn con” - Hai Hoàng nói với giọng trầm buồn. Giờ đây, khu vực khai thác cá, tôm của thợ lặn chủ yếu là ở những nơi có nhiều bè cá. Bởi theo họ, hiện nay những khúc sông sâu đang bị ghe cào điện càn quét, nguồn cá, tôm chỉ trú ngụ và sinh sản được tại khu vực phía sau những chiếc bè nổi trên sông.
Ông Lâm Văn Thanh (51 tuổi, em trai của Hai Hoàng) cũng chuyên sống bằng nghề thợ lặn. Ông Thanh có cuộc sống khá hơn Hai Hoàng, đầu tư được chiếc ghe và máy lặn công suất lớn. Ngoài việc khai thác cá, tôm, ông Thanh còn là thợ lặn chuyên trục vớt các ghe, tàu lớn, nhỏ bị đắm chìm dưới dòng sông lạnh. Từ khi “nối nghiệp” cha, ông Thanh cùng bà con trong xóm đã trục vớt không biết bao nhiêu ghe, tàu bị chìm đắm ở dòng Mekong. “Năm nào lũ lớn, ghe, tàu chìm như cơm bữa. Có những trường hợp ghe, tàu bị tai nạn vào ban đêm, mình cố gắng giúp họ. Nhiều khi, những chiếc sà lan cát to tướng chìm nghỉm dưới sông sâu, chúng tôi phải huy động hàng chục anh em trong xóm và thuê dụng cụ để trục ghe, tàu” - ông Thanh tâm sự.
Mỗi khi “xuất hành” lặn sông, bà con ở đây chọn “ngày lành, tháng tốt”, rồi mần gà, vịt. Nếu khấm khá thì mua con heo quay để cúng, khấn vái. Trong tiềm thức tâm linh của nghề lặn, ngư dân ở xóm cồn Phó Ba lấy hình ảnh “Bà Cậu” làm nhân vật phù hộ mỗi khi trầm mình xuống đáy sông. Hôm tận mắt chứng kiến Hai Hoàng kéo chiếc chài rê bị mắc gốc. Sau khi nổ máy, Hai Hoàng dùng tay phác nước dưới sông lên, rửa sạch mui xuồng, miệng không ngừng râm rang khấn vái “Bà Cậu”, rồi ngậm ống hơi trầm mình lặn xuống sông sâu. “Ai vào nghề này cũng phải cúng “Bà Cậu”. Ngoài ra, chúng tôi còn kiêng cử ăn thịt chó, mèo vì sợ những điều xui xẻo, bất trắc ập đến với mình trong quá trình lặn sông” - ông Thanh nói.
Ngày nay, do nhu cầu ăn cá, tôm thiên nhiên của bà con thành thị rất mạnh nên giá cá, tôm đắt đỏ. Nhờ vậy, thanh niên xóm cồn Phó Ba có thu nhập từ nghề lặn sông. Sơn và Phương (30 tuổi) là 2 thợ lặn trẻ “khét tiếng” xứ cồn này. Ngoài lặn trục vớt ghe tàu, lặn sửa bè cá… Sơn và Phương có “biệt tài” lặn bắt tôm càng xanh và cá ngon các loại dưới đáy sông. Vào mùa nước rút, Sơn và Phương giong xuồng theo những chiếc bè, rồi lặn xuống sông sâu bắt tôm càng xanh. “Từ nay cho đến cận Tết, mỗi ngày chúng tôi lặn bắt từ 3-4kg tôm càng xanh loại lớn. Hiện tại, tiểu thương thu mua 500.000 đồng/kg, sau khi bỏ sở hụi, chúng tôi thu nhập hơn 1 triệu đồng” - Sơn và Phương khoe.
Hoàng hôn buông! Cồn Phó Ba lên đèn rực rỡ. Những người thợ lặn tạm gác lại nghiệp lặn cơ cực trên sông. Họ huyên thuyên bên mâm cơm chiều muộn với ước vọng đổi đời.
Bài, ảnh: THÀNH CHINH - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)