Thứ năm, 13/08/2020,10:23 (GMT+7)
Xu hướng lựa chọn học nghề
Thành quả từ nỗ lực phân luồng, hướng nghiệp, hiện nay đã có nhiều học sinh chọn học nghề sau khi rời trường phổ thông để sớm có việc làm, thu nhập ổn định. Dù còn nhiều khó khăn, các trường nghề, trung tâm giáo dục cũng đã khẳng định được vị trí của mình với chất lượng đào tạo và đầu ra thuyết phục. Học nghề đang là xu hướng để phụ huynh và học sinh cân nhắc lựa chọn: việc làm hay bằng cấp?
Sớm cho học sinh tìm hiểu, trải nghiệm về học nghề để có định hướng rõ hơn về tương lai
 
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), trên 80% học sinh, sinh viên các trường nghề sau khi tốt nghiệp có cơ hội việc làm ổn định. Nhiều doanh nghiệp (DN) chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo để đặt hàng khi học sinh, sinh viên còn trên ghế nhà trường.
 
Còn trong tỉnh, hiện có đầy đủ trường cao đẳng, trường trung cấp, Trung tâm Giáo dục thường xuyên An Giang (Sở Giáo dục và Đào tạo), 5 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện và 5 trường trung cấp có dạy hệ giáo dục thường xuyên trực thuộc Sở LĐ-TB&XH.
 
Các cơ sở thực hiện linh hoạt đổi mới công tác giáo dục hướng nghiệp, phù hợp với thực tiễn của địa phương và đơn vị, tổ chức nhiều đợt giới thiệu phân tích ngành nghề học phù hợp với nhu cầu thực tiễn, từ đó thu hút học viên theo học ngày càng nhiều.
 
Những đơn vị này thực hiện việc liên kết với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp mở các lớp đại học, trung cấp chuyên nghiệp hệ vừa làm vừa học… Chỉ tính riêng hệ giáo dục thường xuyên, số lượng các học viên tham gia chương trình cấp THPT đầu năm học 2019-2020 là 2.661 học viên (so năm học trước 2.060 học viên) số học sinh học giáo dục thường xuyên kết hợp học trung cấp nghề 1.008 học viên.
 
Để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong tinh hình mới, cùng với các giải pháp đổi mới trong nhà trường, từ năm 2019, Sở LĐ-TB&XH phối hợp Trường Cao đẳng Nghề An Giang tổ chức Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
 
Qua 2 năm tổ chức, giáo viên các trường hưởng ứng tham gia, đầu tư bài giảng ở các hình thức: lý thuyết, thực hành và tích hợp để dự thi. Hội giảng được các học viên theo dõi, quan tâm để tìm sức hút trong đào tạo nghề.
 
Thầy Trần Bảo Xuyên (giáo viên đạt giải A và giải nhất chung cuộc tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp lần thứ II-2020) chia sẻ, những năm gần đây, xu hướng chọn nghề của các em học sinh có những tín hiệu tích cực. Con đường đại học đối với các em không còn là lựa chọn duy nhất, đặc biệt là những học sinh gia đình không có điều kiện kinh tế hoặc sức học tập hạn chế. Đa phần các em sẽ lựa chọn con đường học nghề để rút ngắn thời gian và có thể tham gia ngay vào thị trường lao động. Ngoài ra, nhờ thị trường tuyển dụng chú trọng đến năng lực và hiệu quả công việc nên việc học nghề và nâng cao tay nghề để đi làm là con đường lựa chọn khá phù hợp với các em.
 
Dẫn chứng tại Trường Trung cấp Nghề Châu Đốc, nhờ vị trí địa lý và chính sách phát triển kinh tế vùng đã tạo nên một số ưu thế trong việc đào tạo nghề của trường. Hiện có rất nhiều ngành đào tạo và thế mạnh phù hợp cho học viên lựa chọn như: kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính; kỹ thuật máy lạnh, điều hòa không khí; nghiệp vụ nhà hàng… Trang thiết bị của nhà trường được đầu tư đồng bộ, đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm, có tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào thị trường lao động đúng chuyên môn.
 
Vì thế, học sinh của trường sau khi tốt nghiệp đa phần đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Nhà trường luôn duy trì và phát triển mối quan hệ với các DN tại địa phương, nhất là các nhà hàng, khách sạn lớn, các cửa hàng dịch vụ tin học, DN cung cấp sản phẩm và dịch vụ ngành điện lạnh với mục tiêu cập nhật chương trình trình đào tạo theo kịp xu thế của thị trường.
 
Thầy Xuyên cho biết, hiện nay, tại TP. Châu Đốc, hầu hết các cửa hàng tin học, nhà hàng, khách sạn, các DN cung cấp dịch vụ ngành điện lạnh đều có học sinh của trường đang làm việc với mức thu nhập đảm bảo và ổn định. Việc lựa chọn học nghề hiện nay được xem là lựa chọn sáng suốt trong thời điểm “thừa thầy, thiếu thợ”. Những người được đào tạo nghề bài bản, đúng chuyên môn chính là đối tượng các nhà tuyển dụng tìm kiếm.
 
MỸ HẠNH - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu