Thứ bảy, 10/07/2021,07:51 (GMT+7)
Xuất khẩu thủy sản phục hồi và tăng trưởng nhẹ
Ngành thủy sản Việt Nam đang nỗ lực hồi phục dần, đồng thời đặt ra mục tiêu tăng trưởng vừa sức với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 8,6 tỷ USD, bằng 102,6% so với năm 2020...
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty cổ phần Chế biến và Dịch vụ thủy sản Cà Mau.
 
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi tăng 22% đạt 749 triệu USD trong tháng 4/2021, xuất khẩu thủy sản của cả nước tiếp đà hồi phục với mức tăng lạc quan hơn trong tháng 5, tăng 24% đạt gần 790 triệu USD, tháng 6 tiếp tục tăng 20% so cùng kỳ năm ngoái, đạt 865 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản sáu tháng đầu năm vượt mốc 4,1 tỷ USD.
 
Xuất khẩu các mặt hàng chính tiếp tục tăng, trong đó, tôm tăng 25% trong tháng 5/2021 và tăng 15% trong tháng 6/2021 đạt 402 triệu USD, đưa tổng kim ngạch sáu tháng đầu năm 2021 lên 1,7 tỷ USD, tăng 13% so cùng kỳ năm 2020. Các mặt hàng hải sản xuất khẩu đạt 1,3 tỷ USD, tăng 14,5% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu cá ngừ chiếm 22% với 292 triệu USD, tăng 21% so cùng kỳ năm 2020...
 
Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản sang một số thị trường trọng điểm lại giảm. Điển hình như xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc giảm 11% trong tháng 4/2021, giảm 22% trong tháng 5, gồm tất cả các nhóm sản phẩm chính như: tôm giảm 35%, cá biển khác (trừ cá ngừ) giảm 23%, cá tra giảm 5%.
 
Một thị trường quan trọng với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam là EU cũng khá ảm đạm. Tính đến tháng 5/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đạt 39,4 triệu USD, giảm 26,2% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Hà Lan giảm 21,7%; Tây Ban Nha giảm 33%; Đức giảm 50,8% và Bỉ giảm 38,2%. Như vậy, ba năm trở lại đây, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU vẫn chưa thể thoát khỏi mức tăng trưởng âm.
 
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định (Bidifisco) cho biết, EU là thị trường xuất khẩu chính, chiếm 60 - 70% kim ngạch xuất khẩu hải sản, trong đó chủ yếu là cá ngừ của Bidifisco, nhưng từ khi hải sản Việt Nam bị cảnh báo thẻ vàng IUU, việc xuất khẩu vào EU gặp nhiều khó khăn nay chỉ đạt khoảng 30 - 40%.
 
Ngoài thị trường tiêu thụ, ngành sản xuất, xuất khẩu thủy sản còn gặp nhiều trở ngại khác ở hệ thống kênh phân phối tiêu thụ xuất khẩu. Giá vận chuyển tăng, giá bán sản phẩm khai thác chất lượng cao giảm. Tình trạng thiếu lao động khai thác thủy sản cả về số lượng và chất lượng dẫn đến nhiều tàu cá phải nằm bờ; cơ sở hậu cần nghề cá như cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế phục vụ sản xuất. Việc ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật vào lĩnh vực khai thác thủy sản, nhất là ứng dụng vào công tác bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch cải thiện còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu
phát triển.
 
Tại hội nghị trực tuyến ngành thủy sản vào giữa tháng 6/2021 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phân tích: "Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, nhiều chuỗi cung ứng sản xuất đứt gãy, các nước cạnh tranh thủy sản với Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn. Việc Việt Nam phòng, chống Covid-19 tốt chính là cơ hội để chúng ta chuẩn bị tổ chức sản xuất, sẵn sàng xuất khẩu thủy sản tới những thị trường lớn như chúng ta đã làm được trong nhiều năm qua. Như vậy, trong khó khăn đã manh nha những cơ hội để ngành thủy sản hồi phục xuất khẩu".
 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Tổng cục Thủy sản và các đơn vị liên quan đang triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Rà soát quy hoạch lại hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão; quy hoạch bảo vệ và khai thác thủy sản; tổ chức lại sản xuất khai thác thủy sản trên các vùng biển, nghề khai thác; phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tăng khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế...
 
Bài và ảnh: TÂM THỜI - (nhandan.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu