Một bồi thẩm đoàn ở bang California - Mỹ ngày 13-5 (giờ địa phương) đã ra phán quyết yêu cầu Monsanto, công ty con của Tập đoàn Dược phẩm Bayer (Đức), bồi thường cho một cặp vợ chồng lớn tuổi tổng cộng 2,055 tỉ USD do họ bị ung thư hạch sau nhiều năm sử dụng thuốc diệt cỏ Roundup.
Cụ thể, bồi thẩm đoàn đã yêu cầu Monsanto trả cho ông Alva Pilliod và người vợ Alberta Pilliod mỗi người 1 tỉ USD tiền phạt và 55 triệu USD tiền bồi thường vì gây thiệt hại sau khi cho rằng công ty này đã không cảnh báo người tiêu dùng Roundup có thể gây ung thư. "2 tỉ USD tiền phạt vì gây thiệt hại rõ ràng là một lời tuyên bố Monsanto phải thay đổi điều họ đang làm" - luật sư Brent Wisner của bên nguyên nhấn mạnh. Trong khi đó, các tổ chức bảo vệ môi trường đã hoan nghênh phán quyết trên.
Đây được xem là quyết định mạnh tay nhất đối với Monsanto liên quan đến cáo buộc gây ung thư nhằm vào Roundup - với thành phần chính là hóa chất glyphosate. Dù vậy, theo hãng tin Reuters, số tiền phạt nhiều khả năng sẽ được giảm do Tòa án Tối cao Mỹ có phán quyết rằng tỉ lệ tiền phạt và tiền bồi thường giới hạn ở mức 9:1.
Ông bà Alva và Alberta Pilliod Ảnh: CBS SAN FRANCISCO
Hai ông bà Pilliod, ở bang California, quả quyết cả hai đã được chẩn đoán cùng mắc một loại bệnh ung thư hạch sau hơn 30 năm sử dụng Roundup để làm đẹp nhà cửa và vườn tược của họ. Ông Alva Pilliod, 76 tuổi, được chẩn đoán bệnh năm 2011, còn bà Alberta Pilliod, 74 tuổi, được chẩn đoán năm 2015.
Các luật sư cho biết ông bà Pilliod đã sử dụng thuốc diệt cỏ Roundup suốt từ năm 1982, mỗi tuần một lần trong khoảng 9 tháng/năm, cho đến khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Ngoài ra, bà Alberta Pilliod vẫn tiếp tục cần khoảng 20.000 USD tiền thuốc mỗi tháng, bao gồm cả hóa trị, để chữa trị khối u não đã 2 lần được phát hiện.
Chứng kiến giá cổ phiếu có lúc giảm đến 5% hôm 14-5 sau khi bị trúng đòn pháp lý mới nhất, hãng Bayer đã bày tỏ thất vọng và khẳng định sẽ kháng cáo. "Chúng tôi rất cảm thông với ông bà Pilliod nhưng rõ ràng là trong vụ này, cả hai ông bà đều có tiền sử lâu dài mắc các chứng bệnh vốn được biết là các yếu tố nguy cơ gây ra ung thư hạch" - công ty tuyên bố với trang BuzzFeed News, đồng thời gọi phán quyết trên là "quá mức và phi lý".
Ngoài ra, Bayer đã viện dẫn tuyên bố hôm 30-4 của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, theo đó chất diệt cỏ glyphosate "không gây ra nguy cơ nào đối với sức khỏe con người". Theo EPA, hóa chất này là thuốc diệt cỏ được sử dụng phổ biến nhất ở Mỹ và nó được sử dụng cho hơn 100 cây trồng lương thực.
Cơ quan Hóa chất châu Âu và một số cơ quan khác trên thế giới cũng cho rằng glyphosate không phải là chất gây ung thư đối với con người. Trái lại, Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế thuộc Tổ chức Y tế thế giới năm 2015 kết luận hóa chất nêu trên có thể gây ung thư cho con người.
Phán quyết hôm 13-5 là đòn mạnh mới nhất giáng vào Bayer, công ty đang đối mặt với hơn 13.400 đơn kiện tại Mỹ liên quan đến cáo buộc gây ung thư của chất diệt cỏ glyphosate. Trước đó, vào tháng 3-2019, một bồi thẩm đoàn liên bang ở Mỹ đã phán quyết Monsanto phải bồi thường 80 triệu USD cho ông Edwin Hardeman, 70 tuổi, vì cho rằng chất glyphosate đóng vai trò đáng kể gây ra bệnh ung thư cho ông. Tại phiên tòa, ông Hardeman cho biết đã sử dụng chất diệt cỏ trên trong gần 30 năm.
Còn vào tháng 8-2018, Monsanto cũng bị buộc bồi thường cho ông Dewayne Johnson 290 triệu USD sau khi người này đâm đơn kiện hóa chất glyphosate có trong thuốc diệt cỏ Roundup đã khiến ông ta bị bệnh ung thư hạch.