Quá trình gọi vốn sẽ diễn ra trong giai đoạn 2020-2024, trang Bloomberg hôm 16-5 dẫn lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Phát triển quốc gia Indonesia (NDP) Bambang Brodjonegoro cho biết. Cũng theo ông Brodjonegoro, 40% vốn đầu tư các dự án sẽ do chính phủ tài trợ; 25% do doanh nghiệp nhà nước và phần còn lại do tư nhân.
Theo bản thảo kế hoạch, khoảng 60% vốn sẽ được rót vào các dự án hạ tầng giao thông vận tải. Con số này đối với các dự án hạ tầng năng lượng và thủy lợi lần lượt là 17% và 10%.
Ảnh chụp thủ đô Jakarta - Indonesia hôm 2-5 Ảnh: EPA
Kế hoạch táo bạo trên dựa trên chiến lược của Tổng thống Joko Widodo trong việc sử dụng cơ sở hạ tầng làm nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia, đặc biệt là ở những khu vực hẻo lánh. "Kết nối các khu vực là cách duy nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Indonesia" - ông Brodjonegoro khẳng định, đồng thời cho biết họ đang lên kế hoạch thiết lập điều mà ông mô tả là "một mạng lưới cao tốc trên không" bằng việc xây dựng thêm sân bay để kết nối khu vực trung tâm với những khu vực hẻo lánh, như Papua.
Ngoài nâng cấp 165 sân bay hiện có, kế hoạch trên còn kêu gọi xây thêm 25 sân bay cũng như phát triển các cơ sở hạ tầng trên nước để thủy phi cơ tiếp cận các đảo xa.
Tăng trưởng kinh tế của Indonesia trong những năm qua đạt mức khoảng 5%/năm và chính phủ nước này đang nhắm tới mức 5,3%-5,6% cho năm tới. Con số này vẫn còn khiêm tốn so với mục tiêu 7% mà ông Widodo đề ra trước khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ nhất. Tổng thống Widodo nhiều khả năng đắc cử nhiệm kỳ 2 khi kết quả chính thức của cuộc bầu cử hôm 17-4 được công bố vào tuần tới.