Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 18-5 từ chối thực hiện yêu cầu của Mỹ về việc hoãn thỏa thuận mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. "Sẽ không có chuyện Thổ Nhĩ Kỳ lùi bước trong vấn đề S-400. Đó là một thỏa thuận đã hoàn tất" - ông Erdogan tuyên bố, đồng thời khẳng định Ankara có thể nhận được S-400 trong tháng 7 theo thỏa thuận.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ còn cho biết quốc gia của ông sẽ cùng Nga sản xuất S-500 - phiên bản kế nhiệm của S-400. "Sau khi được bàn giao S-400, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cân nhắc mua S-500 và sẽ hợp tác sản xuất S-500" - ông Erdogan nói.
Tuyên bố cứng rắn của ông Erdogan nhiều khả năng khiến quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ leo thang căng thẳng. Tuần trước, theo hãng tin Bloomberg, Mỹ đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ hoãn thỏa thuận mua S-400 đến năm 2020. Mỹ và NATO lo ngại hệ thống radar của S-400 có thể học cách phát hiện và truy lùng F-35, đặc biệt khi Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác trong chương trình phát triển chiến đấu cơ tàng hình này. Viện lý do trên, Washington từng nhiều lần cảnh báo Ankara rằng họ có thể bị khai trừ khỏi chương trình F-35 và bị trừng phạt.
Hệ thống phòng không S-400 trong lễ diễu binh tại thủ đô Moscow - Nga hôm 9-5. Ảnh: Sputnik
Đến ngày 16-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump chấm dứt ưu đãi thương mại dành cho Thổ Nhĩ Kỳ trong khuôn khổ chương trình Hệ thống Ưu tiên tổng quát (GSP) - vốn giúp hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ được miễn thuế một phần tại thị trường Mỹ. Động thái này, theo giới quan sát, nhằm trả đũa việc Ankara theo đuổi thỏa thuận S-400 đến cùng.
Đáp trả lời đe dọa trừng phạt của Mỹ, Tổng thống Erdogan khẳng định "bây giờ là năm 2019, không phải 1974" - thời điểm Mỹ áp đặt lệnh cấm vận vũ khí nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ sau khi quân đội nước này tấn công Cyprus. Ông Erdogan còn khẳng định Ankara đã kiểm tra và không phát hiện bất cứ vấn đề nào như giới chức Mỹ lo ngại. "Sớm hay muộn, chúng ta sẽ nhận được chiến đấu cơ F-35. Không bàn giao F-35 không phải là một lựa chọn" - ông Erdogan tuyên bố.
Ngoài nguy cơ đối mặt trừng phạt của Mỹ, theo các chuyên gia, Thổ Nhĩ Kỳ có thể còn bị khai trừ khỏi các cuộc họp và sự kiện quân sự quan trọng của NATO. Hồi đầu tháng này, tại lễ nhậm chức Tư lệnh Tối cao lực lượng đồng minh tại châu Âu của tướng Tod Wolters tại Bỉ, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ về trước khi buổi lễ bắt đầu để phản đối việc phái đoàn Cyprus, vốn không phải là một thành viên NATO, được mời tham dự sự kiện.
Giới chuyên gia khẳng định vụ việc trên là dấu hiệu cho thấy quan hệ ngày càng xấu đi của NATO và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến việc Ankara quyết mua S-400. Với tuyên bố mới nhất của Tổng thống Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng triển khai khoảng 100 binh sĩ đến Nga để học cách vận hành S-400.
Từ đó, hợp tác quân sự giữa Moscow và Ankara sẽ gia tăng, khiến quan hệ đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ và NATO tiếp tục xuống dốc. NATO thậm chí có thể buộc phải loại Ankara khỏi một số cuộc họp quân sự quan trọng vì lý do bảo đảm "an toàn thông tin" - chuyên gia phân tích quân sự người Thổ Nhĩ Kỳ Metin Gurcan nhận định với trang tin Ahval.