Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
"Bây giờ, chúng ta đã đẩy Trung Quốc đến nơi chúng ta muốn", tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố như thế sau khi công bố những biện pháp chính sách mới của phía Mỹ đối với Trung Quốc, trong đó có việc nâng mức thuế quan bảo hộ thương mại từ 10 lên 25% đối với 200 tỷ USD giá trị hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ và doạ sẽ áp đúng mức thuế quan này cho thêm 325 tỷ USD giá trị hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Hàm ý của ông Trump là Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt vì đã gây thiệt hại cho Mỹ. Thông điệp của ông Trump là Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng cho xung khắc thương mại đến cùng và bằng mọi giá, kể cả chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Ông Trump tỏ ra rất tự tin và lạc quan là Mỹ sẽ giành về phần thắng và Trung Quốc sẽ thua cũng như để tránh bị thua nên rồi sẽ phải đi vào thoả thuận với Mỹ, đương nhiên theo hướng đáp ứng mọi yêu cầu, đòi hỏi và điều kiện của Mỹ.
Sự đáp trả và những biểu lộ thái độ công khai của phía Trung Quốc cho thấy Trung Quốc cũng quyết không nhượng bộ, cũng sẵn sàng chơi mọi kiểu chơi với Mỹ, cũng không thiếu con chủ bài và thủ thuật, cũng trù liệu so găng lâu dài với Mỹ.
Hai bên giống nhau ở chỗ đều dùng leo thang căng thẳng và gay cấn để không bị tổn hại thể diện và không bị coi là yếu thế, đều vì lý do nội bộ mà không thể nhượng bộ trước, đều ý thức được rằng dẫu xung khắc đến mấy thì rồi cuối cùng vẫn sẽ phải thoả hiệp với nhau nhưng vẫn gò ép nhau đến cùng. Họ không để cuộc xung khắc diễn biến vượt ra ngoài tầm kiểm soát của họ. Vì thế, rồi đây hai bên sẽ lại tiếp tục đàm phán với nhau thôi và khi đạt được thoả thuận với nhau rồi thì tất cả sẽ đều hể hả như thể chưa từng có chuyện gì khác xảy ra trước đó.
Hai bên đã đàm phán với nhau tận 11 vòng mà rồi lại găng với nhau đến như vậy. Đàm phán như thế không hẳn là đã bị đổ vỡ, nhưng rõ ràng chẳng khác gì bị trở về điểm xuất phát ban đầu khiến cho cả thiện chí lẫn sự tin tưởng lẫn nhau đã bị tổn hại nặng nề. Nguyên nhân rất có thể là phía Mỹ đã quá tự tin và ảo tưởng nên đã bị vỡ mộng và thất vọng trong khi phía Trung Quốc có thể nhìn nhận thiếu chính xác về ông Trump nên căng dây quá căng khiến cho dây bị đứt.
Nếu chỉ dùng thương mại đáp trả xung khắc thương mại thì Trung Quốc không thể tránh khỏi bị thua to trong lần này bị Mỹ xung khắc thương mại. Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ giá trị hàng hoá chỉ bằng hơn một phần năm xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Nhưng nếu Trung Quốc áp dụng cả những biện pháp phi thuế quan và không liên quan gì đến thương mại nữa thì Mỹ mới gay go về lâu dài. Việc Trung Quốc sẵn sàng nhập khẩu thêm từ Mỹ sẽ được ông Trump tung hô làm thành quả cầm quyền lớn, nhưng hoàn toàn không thể đủ để giúp Mỹ khắc phục những bất cập tai hại trong quan hệ với Trung Quốc.
Trung Quốc có nhiều con chủ bài để chơi với Trung Quốc với tác dụng và hiệu ứng khác nhau, không phải khi nào cũng chơi được và đều có mặt trái của chúng, nhưng một khi đã được chơi ra thì tâm trạng của ông Trump chắc chắn sẽ là lo ngại thật sự chứ không còn hân hoan bề ngoài. Phá giá đồng bản tệ, công cụ hoá trái phiếu nhà nước của Mỹ mà Trung Quốc đang nắm giữ, gây khó cho các doanh nghiệp của Mỹ trên thị trường Trung Quốc, gây rối chuỗi cung ứng phụ kiện và bán thành phẩm...... , đối sách của Trung Quốc rất đa dạng.
Xung khắc thương mại như hiện tại thôi chứ chưa nói đến quyết liệt hơn hoặc xảy ra chiến tranh thương mại đã tác động tiêu cực tới cả hai bên. Người tiêu dùng ở Mỹ đã phải trả giá cao hơn cho sản phẩm của Trung Quốc - trở nên đắt hơn bởi thuế quan bảo hộ thương mại của ông Trump. Trong thực chất, thuế quan bảo hộ áp cho hàng hoá của Trung Quốc nhưng lại là thuế gián tiếp đối với người tiêu đung ở Mỹ.
Ngắn hạn thì họ còn chịu chứ cứ dài dài như thế thì họ sẽ chuyển từ tung hô sang hậm hực với ông Trump và chính phủ Mỹ, rồi họ sẽ thể hiện thái độ không hài lòng của họ đối với ông Trump trong lần bầu cử tới. Ông Trump tăng thuế, Trung Quốc không xuất khẩu được vào Mỹ nữa thì sẽ tìm thị trường xuất khẩu mới khác. Nhà nhập khẩu Mỹ nhập ít đi hoặc bán ra với giá cao hơn vì phải đóng thuế cao hơn. Người tiêu dùng ở Mỹ chịu thiệt hại nhiều nhất và trực tiếp nhất. Cho nên ông Trump không thể và không dám cắt cầu đàm phán với Mỹ.
Cả Trung Quốc cũng vậy. Vì Mỹ vẫn là đối tác và đối thủ quan trọng nhất của Trung Quốc. Vì Trung Quốc còn cần yên bình thêm thời gian nữa để vươn lên đủ mạnh trở thành kỳ phùng địch thủ của Mỹ trên mọi phương diện. Khi ấy, Trung Quốc sẽ xử lý quan hệ với Mỹ khác hẳn bây giờ.
Hai đối tác này giờ chơi cuộc chơi cùng thua trước khi có một bên thắng hoặc cả hai cùng thắng. Sẽ chẳng có chuyện chỉ có một bên thắng mà chỉ có cùng thua nếu cứ xung khắc hoặc có thể cùng thắng nếu thoả hiệp được với nhau.
Đại sứ Trần Đức Mậu - (danviet.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)