Thứ hai, 27/07/2020,10:21 (GMT+7)
1 năm thê thảm của cá tra
Ngành hàng cá tra phụ thuộc xuất khẩu nên cơ hội hồi phục phải chờ vào tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của các nước
 
Trong nhóm các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, cá tra là mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin tính đến ngày 15-6, giá trị xuất khẩu cá tra đạt 612,3 triệu USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2019.
 
Càng nuôi càng lỗ
 
Theo ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc HTX Nuôi thủy sản Đại Thắng (Hậu Giang), nông dân nuôi cá tra đang chịu thiệt hại nặng vì từ sau Tết nguyên đán tới nay, giá mặt hàng này sụt giảm mạnh. "Hiện giá cá tra nguyên liệu chỉ còn 17.000 đồng/kg nhưng không thấy thương lái hay doanh nghiệp (DN) tới mua. HTX còn mấy chục tấn cá trong ao, nhiều xã viên đã vớt cá lớn trên 1 kg đem ra chợ bán với giá 19.000 đồng/kg".
 
Hội Nông dân TP Cần Thơ cho biết hiện giá cá tra tại địa phương khoảng 18.500 đồng/kg trong khi giá thành sản xuất là 21.500 đồng/kg; mỗi kg cá bán đi người nuôi lỗ 3.000 đồng/kg. Do thua lỗ và đầu ra cầm chừng nên rất nhiều hộ không dám thả nuôi lứa mới, chỉ những hộ dân hoặc HTX có hợp đồng với nhà máy mới dám thả nuôi nhưng diện tích rất ít. Ông Huỳnh Tấn Phát (ngụ phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) buồn rầu: "Hồi đầu năm 2019, tôi có thuê 2 ha ao để nuôi cá tra. Vụ đầu bán có lời, giá khoảng 25.000 đồng/kg nhưng từ đầu năm đến nay, giá cá tra sụt giảm thảm hại, vừa qua phải bấm bụng bán 20 tấn cá với giá 18.000 đồng/kg, lỗ gần 100 triệu đồng".
 
Bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, cho biết hội có tuyên truyền cho người dân và DN xuất khẩu chú trọng bán cá tra ở thị trường nội địa nhưng hiện nay phần lớn nông dân hợp đồng nuôi cho DN nên vấn đề này do phía những DN xuất khẩu quyết định. "Xuất khẩu không được thì DN sẽ phải quay về thị trường nội địa. Bằng chứng hiện nay, tại các chợ truyền thống, sản phẩm cá tra được bày bán rất nhiều" - bà Thư nói, đồng thời khuyến cáo DN sản xuất và chế biến cá tra phải bảo đảm tiêu chuẩn để đáp ứng được nhiều thị trường; ngoài việc hướng đến những thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc thì phải tìm kiếm thêm thị trường mới. Đối với nông dân khi sản xuất phải có hợp đồng mới thả nuôi, nếu không thì chỉ nên sản xuất quy mô nhỏ để bán nội địa.
 
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tình hình xuất khẩu cá tra đang ảm đạm với lượng đặt hàng mới yếu, tồn kho cao cùng với giá xuất khẩu thấp. Tại Mỹ, giá trung bình của cá tra phi-lê đông lạnh nhập khẩu trong tháng 4-2020 là 2,86 USD/kg, thấp hơn 35,1% so với cùng kỳ năm 2019. Ðơn vị này dự báo nếu tình hình dịch bệnh tại các nước được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh mở cửa trở lại thì xuất khẩu cá tra mới có cơ hội phục hồi trở lại trong quý III.
 
1 năm thê thảm của cá tra - Ảnh 1.
Tiêu thụ cá tra khó có thể phục hồi trong một sớm một chiều. Ảnh: NGỌC TRINH
 
Khó khăn đủ đường
 
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn, cho biết các DN tự nuôi cá tra nguyên liệu chiếm khoảng 70% nguồn cung nên khi các nước đóng cửa nền kinh tế, hầu hết các DN cá tra chịu khó khăn kép. Đại diện một DN chuyên về cá tra thông tin đã dự trù cho việc thua lỗ trong năm nay và đang cố gắng để không lỗ quá mức đã định. Hiện cá tra không chỉ tồn trong ao nuôi mà còn tồn ở nhà máy và kho của nhiều nhà nhập khẩu.
 
Về nguyên nhân xuất khẩu cá tra giảm mạnh, ngoài lý do khách quan là dịch bệnh, còn do vấn đề nội tại khiến mặt hàng này dễ bị quật ngã khi thị trường biến động. Theo phân tích của bà Lệ Khanh, ở thị trường Mỹ, cá tra đã xâm nhập 20 năm nhưng kênh tiêu thụ chính vẫn là Food Service (kênh dịch vụ thực phẩm) và truyền thông về cá tra hầu như vắng bóng. 
 
"Qua điều tra của nhóm các nhà đầu tư quan tâm đến ngành cá tra Việt Nam thì sự nhận biết của người tiêu dùng đối với cá tra Việt Nam rất ít so với cá rô phi, đặc biệt các đầu bếp của chuỗi nhà hàng thì gần như không nhận biết rõ ràng về hai loại cá thịt trắng này. Mùa Covid-19, trong khi thị phần cá rô phi Brazil nhập khẩu và Mỹ tăng gần 100%, cá rô phi Trung Quốc mặc dù chịu thuế 25% vẫn tăng đáng kể nhưng cá tra Việt Nam vào thị trường Mỹ sụt giảm gần 25% trong 6 tháng đầu năm nay" - bà Lệ Khanh dẫn chứng.
 
Tương tự, ông Ong Hàng Văn, Phó Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang (tỉnh Đồng Tháp), cho hay tại Trung Quốc, cá tra chủ yếu tiêu thụ ở kênh nhà hàng, khách sạn nên bị tê liệt theo khi kênh này đóng cửa để chống dịch. "Ở nhà thì người dân vẫn cần đến thực phẩm. Người Trung Quốc mua hàng qua mạng rất nhiều nhưng cá tra Việt Nam chưa có trong tiềm thức người tiêu dùng, cũng chưa phát triển kênh bán lẻ qua mạng nên bí đầu ra" - ông Văn nhìn nhận.
 
Còn theo ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Cafatex (Hậu Giang), cá tra đang rơi vào chu kỳ khủng hoảng thừa nên rất khó tìm ra giải pháp trong ngắn hạn. "Chúng ta sản xuất nhiều lên trong khi tiêu thụ bị ách lại vì dịch Covid-19. Bây giờ chỉ biết chờ dịch bệnh được kiểm soát và lượng hàng tồn kho giảm thì mới hy vọng giá lên" - ông Kịch nhận định. 
 
Cần cân bằng kênh phân phối
 
Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, bài học Covid-19 cho ngành cá tra là nên cân bằng hơn giữa kênh dịch vụ thực phẩm và kênh bán lẻ cho người tiêu dùng. Cần có các hoạt động truyền thông kịp thời để ổn định tâm lý thị trường song song với các hoạt động ứng phó để người tiêu dùng an tâm tin tưởng. Vừa qua, cũng có những DN "lội ngược dòng" tận dụng cơ hội tăng trưởng cho các mặt hàng chế biến sẵn, tiện lợi cho bán lẻ.
 
NGỌC ÁNH - CA LINH - (nld.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu