Tại sao dơi rất giỏi chứa chấp và phát tán virus?
Dơi là một nhóm động vật đa dạng, với hơn 1.300 loài. Chúng rất đa dạng về địa lý, sống ở mọi châu lục trừ Nam Cực. So với động vật trên cạn, chúng có tuổi thọ cao hơn và sống với mật độ hàng triệu con trong hang, nghĩa là chúng có khả năng tiếp xúc với nhiều virus hơn và virus dễ dàng lưu hành trong loài.
Mặc dù dơi chứa một số loại virus nguy hiểm, nhưng dường như chúng lại không phải chịu hậu quả nặng nề của các loài virus này - ngoại trừ bệnh dại.
Một giả thuyết cho rằng việc dơi có thể bay, không có loài động vật có vú nào khác có thể bay như dơi, đã cho phép dơi tiến hóa các cơ chế bảo vệ chúng khỏi virus. Bay làm tăng sự trao đổi chất và nhiệt độ cơ thể của dơi tương tự như sốt ở người và các động vật có vú khác. Theo các nhà khoa học, điều này, trên quy mô tiến hóa, có thể tăng cường hệ thống miễn dịch của dơi và làm cho nó thích ứng dễ dàng hơn với virus.
Ảnh minh họa
"Giả thuyết hiện tại của các nhà khoa học là hệ thống miễn dịch ở dơi đã được điều chỉnh qua nhiều thế kỷ tiến hóa do khả năng bay của chúng", các nhà khoa học cho biết.
Các nhà khoa học đã tìm thấy một số manh mối đầy hứa hẹn trong cấu trúc di truyền của loài động vật này, để giải thích tại sao chúng có phản ứng miễn dịch điển hình với virus.
Dơi không phải là động vật duy nhất mang mầm bệnh
Dơi không phải là động vật duy nhất mang mầm bệnh tràn vào người nhưng virus trong chúng nguy hiểm hơn các loài khác. Khi nghiên cứu 188 loại virus gây bệnh, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng tỷ lệ chứa những virus này trong dơi "cao hơn đáng kể" so với các loài động vật có vú khác.
Dơi rất nhiều, sống gần với con người và có khả năng bay nên khả năng phát tán, lan truyền virus sang người của dơi cũng cao hơn.
Thông thường, có một con vật trung gian làm lây nhiễm virus từ dơi sang con người – như trường hợp SARS năm 2003 là mèo cầy - và MERS xuất hiện vào những năm 2000 là lạc đà. Các nhà khoa học gọi những virus này là zoonotic vì chúng được truyền từ động vật sang người.
Trong trường hợp virus Nipah, gây một loạt các triệu chứng bao gồm viêm não gây tử vong (viêm não), quá trình lây nhiễm bắt đầu từ nước ép làm từ nhựa cây chà là đã bị nước tiểu hoặc nước bọt dơi bắn vào. Những con dơi đậu trên cành cây và làm rơi nước tiểu, nước bọt của chúng vào thùng nhựa mà người dân chuẩn bị để thu thập nhựa cây ngon.
Việc loại virus Corona mới này có liên quan đến dơi "không có gì ngạc nhiên đối với các nhà virus học đã nghiên cứu về các virus xuất phát từ dơi", tiến sĩ Stathis Giotis, nhà virus học thuộc Khoa truyền nhiễm tại Đại học Hoàng gia Luân Đôn cho biết. "Dơi là nguồn gốc lây nhiễm nhiều loại virus mới nổi và tái phát cho các loài động vật khác".Giotis nói rằng rất có thể dơi móng ngựa Trung Quốc, một loài dơi phổ biến ở Trung Quốc, là loài đã gây ra dịch virus Corona mới ở Vũ Hán hiện nay.
Cách dơi lây nhiễm virus cho người
Dơi "nuôi dưỡng" càng ngày càng nhiều các loại virus truyền bệnh khác nhau. Vì thế, chúng trở thành vật chủ tự nhiên tuyệt vời. Virus nhiều bệnh sống ký sinh trong dơi, phát triển và biến đổi, chỉ chờ ngày được lây sang con người và các sinh vật khác để gây bệnh mà thôi.
Trên thực tế, dơi vốn là loài hoang dã, chỉ ưa sống ở nơi không có con người. Tuy nhiên, sự biến đổi khí hậu và tốc độ đô thị hóa quá nhanh khiến loài này buộc phải tới các thành phố nơi có nhiều thức ăn hơn.
Ở một số địa điểm, các nhà khoa học thống kê rằng: số lượng dơi ăn quả đã tăng khoảng 4 lần trong vài năm trở lại đây.
Các nhà nghiên cứu cũng chứng minh rằng, một lượng lớn cá thể dơi dần dần không còn tìm ăn những đồ ăn trong môi trường hoang dã nữa. Thay vào đó, chúng chuyển sang tìm kiếm đồ ăn sẵn trong các bãi rác thải.
Điều này đồng nghĩa với việc chất lượng thức ăn của chúng giảm đi, dơi dễ tiếp xúc với nhiều loại virus cũng như con người hơn.Phần lớn các loại virus đều có mặt trong nước bọt của dơi. Vì vậy, khi cả đàn dơi cùng chia sẻ thức ăn, nguy cơ lây nhiễm virus từ cá thể dơi này sang con khác là rất cao.
Hậu quả là rất nhiều cá thể dơi cùng một lúc chứa virus gây bệnh. Nếu những virus này lây tới con người, chúng có thể gây nên một đại dịch lớn, bởi số lượng dơi trên thế giới không ngừng tăng lên.
Sau khi ăn, dơi thải ra ngoài môi trường phân và nước tiểu. Đối với các loài dơi ăn quả, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy chất thải của chúng dưới các gốc cây khác nhau. Và chắc chắn, virus gây bệnh có mặt trong đó, chờ đợi cơ hội lây nhiễm sang người.
Cỏ thường rất phát triển tại những nơi có nhiều phân dơi. Đó cũng chính là nơi con người thường chăn thả gia súc. Chuyên gia Raina Plowright và các đồng nghiệp chỉ ra rằng, chỉ cần bò, ngựa hay bất cứ loại gia súc nào uống nước hay ăn cỏ nhiễm phân dơi đều sẽ trở thành vật trung gian truyền virus.
Tại Malaysia, virus Nipah đã lây sang lợn sau khi loài này ăn phải bột trái cây nghiền nhiễm phân dơi. Ở Trung Phi, một số cá thể vượn được cho là vật trung gian truyền virus Ebola sang người sau khi ăn phải hoa quả mà dơi đã từng ăn.
Sau khi virus xâm nhập vào một cá thể gia súc, chúng có cơ hội tấn công cả đàn. Điển hình như ngựa, đây là loài có tập tính "giao tiếp" thường xuyên giữa các con trong đàn với nhau. Đặc điểm này khiến virus lây lan nhanh hơn với tốc độ chóng mặt.
Ở ngựa, một số cá thể có khả năng loại bỏ những nhiễm trùng ở màng nhầy của đường hô hấp. Nhưng phần còn lại thì không và trở thành vật chủ trung gian chứa virus gây bệnh. Khi tiếp xúc với chúng, chủ nhân của những con ngựa này nói riêng và các loài gia súc khác nói chung có nguy cơ mắc bệnh rất cao.
Cuối cùng, virus từ một vài người sẽ lây truyền sang những người khác xung quanh qua tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể như nước bọt, máu, nước tiểu, phân... Quá trình này thường diễn ra rất nhanh.
T/h: M.Phúc (dongbang.vn)