Chủ nhật, 22/11/2020,16:22 (GMT+7)
20 năm phải chống gậy vì căn bệnh viêm cột sống dính khớp nặng nề
Căn bệnh viêm cột sống dính khớp biến dạng nặng nề khiến Q. (20 tuổi) chưa một lần được đi hai chân thẳng đứng bình thường. Cuộc sống của em may mắn đã bước sang một trang mới nhờ vào cuộc phẫu thuật vô cùng khó khăn trả lại dáng đi cho em bởi các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Bệnh nhân đã được phẫu thuật thay khớp háng thành công.
 
Bệnh viện Trung ương Quân đội QĐ 108 vừa tiếp nhận một trường hợp 20 tuổi, em Q., quê Lạng Sơn, viêm cột sống dính khớp biến dạng nặng nề. 
 
Ngay từ khi bốn tuổi, em đã không giống những đứa trẻ bình thường khác. Khớp gối của em cứng, không gập vào được, những bước đi lê trên mặt đất. Gia đình đưa em đến một cơ sở y tế để điều trị. Trải qua cuộc phẫu thuật lần thứ nhất vào năm bốn tuổi nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm, những bước đi ngày càng khó khăn, em không đạp xe đến trường như các bạn.
20 năm phải chống gậy vì căn bệnh viêm cột sống dính khớp nặng nề -0
 Tư thế đi lại của Q. khổ sở gần 20 năm qua.
 
Đến năm 15 tuổi, em tiếp tục trải qua một cuộc phẫu thuật khớp gối bên phải. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cảm thấy đau chân, không vận động nhiều nên các cơ bị teo và nằm liệt giường.
 
Mọi sinh hoạt cá nhân của em đều nhờ sự trợ giúp của bố mẹ. Việc học của em cũng dừng và dang dở vào lúc đó. Nằm một chỗ hơn một năm, gia đình quyết tâm đưa em đi tập phục hồi chức năng. Sau đấy một thời gian, em đã tự đi được bằng chiếc gậy.
 
Tháng 11-2020, gia đình đã đưa em đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để khám và điều trị. Em được chẩn đoán: viêm cột sống dính khớp. Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị nhiều ca viêm cột sống dính khớp nhưng đây là ca đầu tiên viêm cột sống dính khớp biến dạng nặng nề, khác thường.
 
Hai chân biến dạng, xoay cả hai chân ra ngoài, chân phải dạng 90 độ, chân trái dạng khoảng 80 độ. Bệnh nhân viêm cột sống dính khớp thông thường vẫn có thể đi được hoặc dùng nạng, nhưng trường hợp này phải dùng gậy chống để đu người ra phía trước.
 
TS Nguyễn Quốc Dũng – Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật khớp, phẫu thuật viên của ca mổ cho biết: “Chúng tôi mổ và thay khớp háng hai chân đồng thời cho bệnh nhân và lựa chọn đường mổ trước – ngoài. Đây không phải là đường mổ thông thường nhưng với trường hợp của bệnh nhân Q., chúng tôi lựa chọn đường mổ trước – ngoài để có thể quan sát được hết bờ ổ cối, cổ xương đùi dính chặt, giúp bảo đảm cắt xương, lắp khớp chính xác nhất cũng như kiểm soát tốt phần mềm mặt trước và mặt ngoài khớp háng.
 
Bên cạnh khó khăn về xương thì phần mềm xơ cứng cũng là yếu tố cần tính đến khi lên kế hoạch phẫu thuật. Khớp háng của bệnh nhân dính từ lâu, phần mềm co rút nên khi thay khớp phải làm sao cân bằng phần mềm tốt bảo đảm khớp nhân tạo thật vững, để sau mổ, bệnh nhân vẫn vận động bình thường”.
 
TS Dũng cũng cho biết thêm, tiên lượng ca bệnh sẽ khó khăn nên các bác sĩ phải chuẩn bị, tính toán kỹ lưỡng. Trước hết, chân của bệnh nhân khuỳnh rất rộng, không vào được lồng CT nên bệnh nhân không chụp được CT để đánh giá hết cấu trúc và biến dạng xương. Vì vậy, các bác sĩ phải hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm trên những phim X-quang thông thường.
20 năm phải chống gậy vì căn bệnh viêm cột sống dính khớp nặng nề -0
 Bệnh nhân đang tập vận động sau phẫu thuật.
 
Ngoài ra, bệnh nhân không thể nằm nghiêng được do khớp háng cứng ở tư thế dạng nên các bác sĩ phải tính toán, kê kích bàn mổ để làm sao có thể cố định vững bệnh nhân ở tư thế nghiêng. Thậm chí trước mổ các bác sĩ đã nằm thử trên bàn mổ xem kê như thế nào, đặt ra làm sao để bệnh nhân có thể mổ được.
 
"Sau mổ, hai chân và khớp háng của bệnh nhân duỗi thẳng, cổ chân, khớp gối và khớp háng không có dấu hiệu tổn thương thần kinh. Sau hai ngày phẫu thuật, em đứng lên được và gần hai tuần sau phẫu thuật, em bắt đầu chập chững những bước đi đầu tiên. Em tiếp tục được chăm sóc, tập luyện tích cực", BS Dũng cho hay. 
 
Chia sẻ về ca phẫu thuật mang lại cuộc sống mới cho mình, Q. xúc động nói: ​“Từ trước đến giờ, em chưa được tự đi lần nào, toàn phải đi bằng gậy. Bây giờ tự bước đi trên đôi chân của mình nên em rất vui. Em hy vọng đi như người bình thường để phụ giúp ba mẹ”.
 
PHẠM TUẤN - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu