Trường hợp của bà Bentley là vô cùng hiếm trong lịch sử y học thế giới
Vào một ngày đầu năm 2018, mùi phoóc-môn phảng phất trong không khí của phòng mổ thí nghiệm, thuộc trường đại học Khoa học và Y tế Oregon, Portland, Mỹ. Warren Nielsen, sinh viên y khoa 26 tuổi và 4 bạn cùng lớp đã chuẩn bị sẵn một tử thi tại đây.
Các nhóm tương tự (gồm 5 người) cũng tập trung quanh các thi thể ở 15 bàn khác nhau. Tất cả đều mong muốn khám phá trực tiếp những bí ẩn cơ thể con người mà họ chỉ thấy trong sách giáo khoa.
Thi thể được chỉ định cho nhóm của Nielsen là bà Rose Marie Bentley, 99 tuổi, người qua đời do tuổi cao, sức yếu. Ngoài thông tin trên, các sinh viên không được biết thêm điều gì khác vì lí do tôn trọng quyền riêng tư của những người hiến xác cho khoa học.
Nhưng không khó để các giáo sư và sinh viên y khoa nhận ra bà Bentley là một người đặc biệt. Đặc biệt đến nỗi, bà xứng đáng có vị trí độc nhất trong các tài liệu y học và sách lịch sử.
Vì sao ư? Đơn giản là do người phụ nữ ấy có thể sống gần trọn đời người dù các cơ quan nội tạng nằm không đúng vị trí. Theo CNN, bà Bentley mắc hội chứng có tên gọi là "phủ tạng đảo ngược" (situs inversus): tim, phổi, các tạng trong ổ bụng được sắp xếp theo hình ảnh ngược so với vị trí thông thường. Những người có mỏm tim nằm bên phải kèm với “đảo ngược phủ tạng” và không kèm theo dị tật nào khác, thông thường sức khỏe sẽ ổn định.
Nhưng với trường hợp bà Bentley, mỏm tim nằm bên trái mà bà vẫn sống khỏe suốt 99 năm. Điều đó quả thật ngoài sức tưởng tượng.
"Tôi nghĩ việc tìm một người giống bà Bentley quả thật rất khó vì trong 50 triệu người mới có một trường hợp như vậy", Cameron Walker, trợ lý giáo sư giảng dạy tại đại học Khoa học và Y tế Oregon, cho biết.
Bà Rose Marie Bentley khi còn sống
Khi giải phẫu thi thể, các sinh viên y khoa còn đi hết từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. Đầu tiên là việc không tìm thấy tĩnh mạch chủ của thi thể ở vị trí quen thuộc. Sau khi thắc mắc với các giáo sư và được hướng dẫn, cả nhóm phát hiện tĩnh mạch của bà Bentley nằm phía bên trái. Đặc biệt hơn, nó không nằm dưới gan như thông thường mà đi qua cơ hoành, dọc theo đốt sống ngực rồi vòng lên trên vòm động mạch.
Đó không phải là điều khác thường duy nhất mà ông Walker và các sinh viên phát hiện trong cơ thể của bà Bentley.
Nhiều tĩnh mạch chạy qua gan và các bộ phận khác của khoang ngực hoặc bị thiếu hoặc mọc ra từ một vị trí bất thường. Phổi phải của bà chỉ có hai thùy thay vì ba như mọi người. Ngoài ra, tâm nhĩ phải ở tim của bà Bentley cũng lớn gấp đôi bình thường.
Các bộ phận khác như dạ dày, gan hay lá lách cũng có sự đảo ngược vị trí.
Hội chứng đột biến "đảo ngược phủ tạng" thường xảy ra rất sớm với thai nhi, thường xảy ra vào khoảng giữa 30-45 ngày tuổi. Các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải tại sao.
Hội chứng này chỉ xảy đến với 1 trong số 22.000 trẻ sơ sinh và kéo theo các bệnh về tim bẩm sinh. Chỉ 5 đến 13% là có thể sống sót tới lúc 5 tuổi.
Bà Bentley là trường hợp đặc biệt khi mắc hội chứng mà không kèm theo các bệnh về tim. "Điều này lý giải vì sao bà ấy có thể sống lâu đến vậy", ông Walker chia sẻ.