Thứ bảy, 23/05/2020,07:21 (GMT+7)
“Ác giả ác báo” trong “Nhà ông Hoàng có vàng”
Một câu chuyện bí ẩn liên quan đến kho báu của gia tộc và bí mật hương liệu của hoàng tộc xưa. Nhiều người đã bị kéo vào vòng xoáy tranh đoạt. Bí ẩn liệu có được phơi bày? Phim dài 50 tập, phát sóng lúc 9 giờ, từ thứ ba đến Chủ nhật hàng tuần trên kênh THVL2.
Bà Hai (Việt Hương, trái) và Ngọt (Thảo Trang) - hai người phụ nữ nhiều âm mưu gây ra nhiều sóng gió cho họ Bùi.
 
Câu chuyện bắt đầu khi Mỹ Hòa (Khánh Trinh), con ông giáo Hương, mới 17 tuổi và là cô gái duy nhất biết chữ trong làng, về làm dâu họ Bùi nổi tiếng giàu có, quyền thế ở miền Nam những năm 1950. Mỹ Hòa được cưới để xung hỉ cho ông Bùi Hoàng (Tiểu Bảo Quốc) đang bệnh thập tử nhất sinh. Trở thành bà Tư nhà họ Bùi, cuộc đời của Mỹ Hòa cũng thay đổi, nhất là khi bị cuốn vào bí ẩn về lời nguyền chết chóc liên quan đến kho báu của gia tộc.
 
Kho báu đó lần đầu được nhắc đến trong câu chuyện của bà Hai (Việt Hương) - vốn xuất thân hoàng tộc nhưng chấp nhận làm vợ lẽ ông Bùi Hoàng chỉ vì tìm kiếm cuốn sách ghi chép bí quyết chế tạo hương liệu xưa của cung đình bị thất lạc về cho gia tộc của bà. Bà Hai có cậu con trai là Ba Triết (Hà Trí Quang) hiếu thảo và hiểu lý lẽ, là mắt xích quan trọng liên quan đến kho báu và cuốn sách bí ẩn, cũng khởi nguồn cho mọi bi kịch trong gia đình họ Bùi.  
 
Bà Cả (Phương Dung) có cậu con trai Hai Nhơn (Thiên Bảo) học ở Sài Gòn và có vợ là con gái của quan lớn. Ngọt (Thảo Trang) - vợ Hai Nhơn bề ngoài xinh đẹp, đức hạnh nhưng thực chất là người trắc nết, hiểm độc. Những bí ẩn của gia tộc họ Bùi dần được vén từ khi Mỹ Hòa được cưới về làm bà Tư. Đó là sự điên khùng của bà Ba Thu Sương (Nguyệt Ánh), hay sự hoang tưởng của Út Quý (Đông Dương) - em trai ông Bùi Hoàng, đến cái chết của những người ở trong gia đình. Tất cả đều liên quan đến lời nguyền “Vàng đến tay ai người đó… chết”.
 
“Nhà ông Hoàng có vàng” nhuốm màu sắc huyền bí bởi những câu chuyện bí ẩn gia tộc, nhưng thực tế đằng sau là những âm mưu, bí mật bị che giấu. Đó là lòng tham, sự ích kỷ và độc ác đã dần tha hóa con người, trở nên toan tính, ác độc và không từ thủ đoạn nào để đạt mục đích. Những cô gái ngây thơ như Mỹ Hòa, hay Thu Sương, cũng dần trở thành con người khác vì hận thù đan xen. Trong “Nhà ông Hoàng có vàng” không có nhân vật chính diện hay phản diện hoàn toàn. Tất cả đều có mặt tốt, mặt xấu. Ví như sự thay đổi của Mỹ Hòa, Thu Sương là vì hoàn cảnh buộc họ phải phản kháng, bảo vệ bản thân trước những âm mưu hãm hại cứ bủa vây. Tất nhiên, mỗi người đều chịu trách nhiệm cho hành động của bản thân. Có rất nhiều bi kịch xảy ra trong phim, các nhân vật đều phải trả giá cho hành vi của mình trước mọi vấn đề.
 
Các vai diễn đã được “đo ni đóng giày” phù hợp với các diễn viên. Trong đó, Việt Hương, Nguyệt Ánh và Hà Trí Quang tròn vai. Riêng Thiên Bảo và Thảo Trang để lại nhiều dấu ấn với hình ảnh cặp vợ chồng giả nhân giả nghĩa, thủ đoạn không ai bằng.
 
BẢO LAM - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu