Thứ sáu, 19/03/2021,11:02 (GMT+7)
Ăn canh rau lủi, bùi ngùi nhớ mẹ
Ở ven vùng đất phù sa sông Đế Võng (Hội An- Quảng Nam) quê tôi, vườn nào cũng trồng một vạt rau lủi bên ảng nước để ăn. Rau lủi có “danh dược” là “Kim thất” thuộc loại bò trườn có chiều dài trên 1m với thân nhẵn với nhiều cành. Lá mọc so le, cuống ngắn, đầu lá nhọn, mép khía răng cưa không đều, lá dày, nhẵn mọng nước và có mùi thơm đặc trưng “thuốc Bắc”.
Ai như bóng dáng mẹ tôi đang hái rau lủi trong vườn.
Ai như bóng dáng mẹ tôi đang hái rau lủi trong vườn.
 
Lúc sinh thời, mẹ tôi cho hay, rau lủi dễ trồng, dễ nấu, ăn ngon và phòng chống nhiều bệnh. Theo Đông y, rau lủi có vị cay ngọt thơm, tính bình, tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, táo bón, viêm đại tràng, điều hòa máu huyết, an thần, giảm đau, trị nhức đầu, chóng mặt, cầm máu tốt, điều hòa huyết áp, điều hòa kinh nguyệt, giải độc…
 
Lúc sinh thời, mẹ tôi thường ra vườn cắt rau lủi nấu canh với tép tươi. Mẹ nấu như sau: Tép tươi rửa sạch để ráo rồi ướp với gia vị gồm mì chính, hành tím (giã giập), tiêu bột, nước mắm cho thấm. Tiếp đến, phi dầu phộng với tỏi (giã giập) cho thơm và cho tép đã ướp vào xào cho thơm. Sau đó, cho nước sôi (vừa đủ) vào đun nhỏ lửa. Khi nồi canh sôi vài dạo cho tiếp rau lủi vào xoong cùng với một ít rau gia vị rồi nêm nếm lại vừa ăn trước khi nhắc xuống. Bát canh rau lủi mẹ nấu với tép tươi rất ngon, nhất là vị của nước canh ngọt thanh và thoang thoảng tỏa hương “thuốc Bắc”, ăn thường xuyên sẽ làm cho máu huyết được lưu thông, tăng cường sức khỏe, phòng và chống nhiều bệnh, điều hòa huyết áp, điều hòa và tăng cường các chức năng nội tiết.
 
Tôi làm sao quên được mùi thơm của bát canh rau lủi lan tỏa trong không gian nhà bếp buổi chiều đông về khiến cho những cái bụng đói của anh em chúng tôi cồn cào, thúc giục. Ngày nay, mỗi lần đi ngang qua khu vườn nhà ai, thấy bóng ai đang hái rau, tôi cứ tưởng đó là bóng dáng thân thương của mẹ và nhớ lại hình ảnh cả nhà tôi quây quần ăn bữa cơm nóng sốt dẻo với món canh rau lủi dân dã thơm ngon.
 
Tuổi thơ tôi đã qua bao mùa nắng dãi mưa dầm, đất cày lên sỏi đá nơi miền Trung nghèo khó. Lớn lên bằng hạt lúa, củ khoai trên nương trên rẫy; con tép bạc, con cá trên mương cạn hay dưới đồng sâu do mẹ tôi “lặn lội thân cò” vất vả làm lụng nuôi con. Để nhớ về mẹ, nhiều lúc tôi mua tôm tươi và rau lủi về nấu bát canh khá thơm. Song, khi ăn hình như “thiếu vắng” một điều gì khó tả, chắc là những món canh mẹ nấu còn gói ghém tất cả tình yêu thương vô bờ bến đối với đàn con. Cho nên lúc này, tôi ăn bát canh rau lủi mà bâng khuâng, bồi hồi nhớ mẹ da diết.
 
Ngày nay, dù có đi nhiều nơi, được thưởng thức các món ăn đặc sản của mỗi vùng miền, khá lạ và ngon. Song, hình bóng thân thương của mẹ và dư âm hương vị của bát canh rau lủi của ngày thơ tấm bé đã đeo đẳng trong tôi suốt cả cuộc đời.
 
Bài, ảnh: TIÊN SA - (baovinhlong.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu