Thứ bảy, 24/10/2020,16:47 (GMT+7)
ĂN ĐÚNG CÁCH ĐỂ KHỎE MẠNH: Ăn đa dạng, bớt lo bệnh tật
Sáng 23-10, Báo Người Lao Động đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức tọa đàm trực tuyến "Phòng chống Covid-19: Dinh dưỡng để sống khỏe"
Trả lời những câu hỏi liên quan đến việc ăn gì cho bổ, bác sĩ (BS) chuyên khoa II Mã Phước Nguyên, Phó trưởng Khoa Nội tiêu hóa - Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, cho biết phải ăn cân bằng các nhóm chất glucid (tinh bột), protid (protein), lipid (chất béo), các vitamin và khoáng chất.
 
Ăn đủ và giảm muối, kiêng rượu
 
Theo ThS-BS Bùi Ngọc An Pha, Giám đốc Y khoa hệ thống Trung tâm Dinh dưỡng - y học vận động cho trẻ em và người lớn Nutrihome, bữa ăn quá sơ sài sẽ không đủ dưỡng chất, ví dụ chỉ ăn cơm với cá kho thì chưa đủ. Phải bảo đảm bữa ăn có ít nhất 12-15 thành phần. Con số này thực ra không quá nhiều, vì hành, tỏi... cũng được tính là 1 thành phần. Quan điểm kiêng ăn một số món khi có vết thương, sau sinh là hoàn toàn sai lầm, vì cần ăn đa dạng để phục hồi, việc kiêng cữ ảnh hưởng xấu đến quá trình lành vết thương. Chẳng hạn, sẹo lồi là do cơ địa, không liên quan đến thức ăn.
 
Cho trẻ em ăn cân bằng từ nhỏ cũng là bài toán nan giải với nhiều phụ huynh. BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), gợi ý hãy tìm mua hay tự làm một bức tranh lớn với rất nhiều thực phẩm để bé tìm hiểu và chọn lựa, như vậy bé sẽ hứng thú tìm hiểu và ăn món mới. Cần nắm rõ tâm lý trẻ: bé thích ăn toàn trứng không chịu ăn món khác thì không được nói là "ăn trứng nhiều không tốt, có hại", mà nên giới thiệu "ăn thêm thứ này cũng ngon, thứ kia giúp con học giỏi...". Các bé từ chối đĩa rau thì hãy chọn các loại có thể nấu chung với thịt cá: cà chua, cà rốt, hành tây, súp lơ, bắp cải... hoặc đổi rau, vì đa số các bé không thích nguyên đĩa rau hay một số loại rau, cho ăn rau nấu chung thịt cá hay rau khác thì lại ăn rất ngon miệng.
ĂN ĐÚNG CÁCH ĐỂ KHỎE MẠNH (*): Ăn đa dạng, bớt lo bệnh tật - Ảnh 1.
Dinh dưỡng lành mạnh, đủ các thành phần, là công thức đơn giản nhất để khỏe mạnh (Ảnh: QUANG LIÊM)
 
Trong những lúc không có thời gian, ví dụ không kịp ăn sáng, các BS khuyên nên cố gắng uống 1 ly sữa. "Sữa là một thực phẩm cân bằng các thành phần và có thể tráng niêm mạc đường tiêu hóa rất tốt, cần cho cả người lớn" - BS Phúc Nguyên nói. Theo BS An Pha, ngoài canxi, sữa còn chứa tới 40 chất dinh dưỡng quan trọng khác. Các trẻ ở tuổi dậy thì có khi lười ăn, có thể bù đắp bằng việc uống sữa mỗi ngày.
 
Để điều chỉnh thói quen ăn mặn mà nhiều người Việt hay mắc, BS Bùi Ngọc An Pha gợi ý hãy thử không nêm nếm trong món nấu mà chỉ dùng nước chấm với lượng vừa đủ. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi người chỉ nên ăn tối đa 5 g muối mỗi ngày, ít hơn càng tốt (5 g muối sẽ tương đương 36 ml nước tương).
 
Rượu là một trong những loại thực phẩm gây hại đến khả năng miễn dịch và dẫn đến nhiều bệnh tật mà các chuyên gia đều khuyên nên tránh. Theo BS Mã Phước Nguyên, 2 bệnh phổ biến nhất liên quan đến ăn uống mà đơn vị của ông tiếp nhận là viêm tụy cấp và xơ gan, đều là 2 tình trạng liên quan đến rượu.
Phòng Covid-19: Tăng cường rau củ, trái cây
 
Theo BS Nguyễn Minh Tiến, ăn đa dạng, ưu tiên bổ sung vi chất qua thực phẩm vẫn là lời khuyên hàng đầu để tự bảo vệ mình trước dịch Covid-19. Dinh dưỡng lành mạnh, đủ các thành phần, đừng quên sữa, rau củ, trái cây, là công thức đơn giản nhất để khỏe mạnh trong mùa Covid-19.
 
Vitamin A và C là 2 vitamin cần lưu ý bổ sung để giúp niêm mạc đường hô hấp khỏe mạnh và tăng cường hệ miễn dịch. Vitamin A không chỉ giúp sáng mắt mà còn giúp niêm mạc đường hô hấp được khỏe mạnh. Thực phẩm giàu vitamin A là các loại rau màu xanh lá đậm (súp lơ xanh, rau cải...) và trái cây, củ, quả màu đỏ, cam, vàng (gấc, bí đỏ, cà chua, cà rốt...). Thực phẩm giàu vitamin C dễ kiếm nhất là các loại trái cây có múi (cam, bưởi, chanh...). Trái táo là lựa chọn hoàn hảo nhất, giàu vitamin A lẫn C và lại có flavonoid là chất chống oxy hóa giúp bảo vệ đường hô hấp, giảm nguy cơ ung thư.
 
"Gừng, tỏi là những gia vị giúp kháng khuẩn, kháng viêm, bảo vệ đường hô hấp tốt. Dùng thêm sữa chua để bổ sung lợi khuẩn, hỗ trợ hệ vi khuẩn tự nhiên trong ruột" - BS Tiến nhấn mạnh.
 
Ông Nguyễn Đại Ngọc, Phó Phòng Thông tin, giáo dục và truyền thông - Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM, khuyên người dân nên bảo quản lạnh các loại trái cây. Đây là cách bảo quản an toàn và giúp tăng thời gian sử dụng của trái cây. Trái cây trong nước hay nhập ngoại trước khi ăn đều phải rửa sạch dưới vòi nước chảy, có thể dùng thêm nước muối hay các loại nước rửa rau, trái cây đã được ngành y tế công nhận.
 
Nên đựng thức ăn trong đồ sành, sứ, thủy tinh
 
Ông Nguyễn Đại Ngọc xác nhận các nguy cơ sức khỏe nếu lạm dụng các loại hộp xốp, hộp nhựa để đựng thức ăn, điều này đã được các nghiên cứu trên thế giới cảnh báo từ lâu. Vật dụng để đựng thức ăn tốt cho sức khỏe là bằng sành, sứ, thủy tinh. Có thể đem theo hộp thủy tinh có nắp đậy nếu muốn mua thức ăn bên ngoài về nhà hay văn phòng để ăn.
 
ANH THƯ - (nld.com.vn) 
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu