Thứ ba, 07/07/2020,22:46 (GMT+7)
An Giang chủ động ứng phó thiên tai
An Giang là tỉnh đầu nguồn ĐBSCL, diện tích 3.536km2, với khoảng 1,9 triệu dân. Tỉnh có trên dưới 100km đường biên giới với nước bạn Campuchia. Địa hình An Giang có nhiều sông ngòi: Sông Tiền, Sông Hậu, sông Vàm Nao, sông Bình Di, sông Châu Đốc cùng với nhiều kênh rạch lớn: Vàm Sáng, Ông Chưởng, Long Xuyên, Vĩnh Tế... An Giang còn là 1 trong 2 tỉnh ở ĐBSCL (cùng với Kiên Giang) có địa hình đặc thù vừa có đồng bằng và đồi núi. Do đó, địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai: lũ, giông lốc, sét, hạn kiệt, mưa trái mùa và sạt lở đất bờ sông, kênh rạch…
 
Tình hình thiên tai những tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh An Giang diễn ra hết sức phức tạp. Trong ảnh: Sạt lỡ ở xã Tân An, thị xã Tân Châu, An Giang.
 
►Thiên tai phức tạp
 
Do đặc thù về địa hình nên việc xây dựng các phương án phòng chống thiên tai (PCTT), tỉnh An Giang tập trung vào 2 nhóm nguy cơ là lũ lụt và sạt lở; nhóm thiên tai giông, lốc, bão và siêu bão… tầng suất xuất hiện không nhiều, không có tính lặp lại nên được xếp theo nhóm bất thường.
 
Theo lãnh đạo tỉnh An Giang, những năm qua với sự đầu tư của Trung ương, tỉnh và huyện, các địa phương đã xây dựng được hệ thống hạ tầng kiểm soát lũ tương đối ổn định. Tỉnh đã có những dự án kiểm soát lũ quy mô: dự án kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao do Úc tài trợ, diện tích 25.000ha; dự án Nam Vàm Nao kiểm soát lũ trên diện tích 36.000ha.
 
“Nhìn chung, công tác đầu tư, kiểm soát lũ ở ÐBSCL đã phát huy được hiệu quả. Công tác ứng phó cấp tỉnh không chỉ riêng An Giang mà còn các tỉnh ÐBSCL được đảm bảo. Tri thức bản địa của người dân về lũ từng bước được nâng cao” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư thông tin.
 
Loại hình thiên tai sạt lở bờ sông xuất hiện từ những năm 1995 trở lại đây với tầng suất mỗi năm mỗi tăng. Nguyên nhân chủ yếu là việc sử dụng nước ở vùng thượng lưu, giảm lượng cát... Ðây là loại hình thiên tai được đánh giá gây tốn kém cho Nhà nước, nếu quản lý kém dễ gây thiệt hại đến tính mạng người dân. Từ năm 1996, tỉnh đã kết hợp với Viện Khoa học thủy lợi miền Nam thiết kế chương trình quan trắc, cảnh báo sạt lở. Nhờ vậy đã góp phần tích cực trong việc dự báo sạt lở, hạn chế thiệt hại về người.
 
Mặc dù đã triển khai nhiều phương án nhưng tình hình thiên tai, đặc biệt là sạt lở vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư cho biết, những tháng đầu năm 2020, tình hình thiên tai diễn biến bất thường. Trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 17 điểm sạt lở, sụt lún, răn nứt đất bờ sông, kênh, rạch. Trong đó, thị xã Tân Châu 2 điểm; An Phú 3 điểm; Chợ Mới 3 điểm; Châu Phú 6 điểm; TP Long Xuyên 3 điểm.
 
Tổng chiều dài sạt lở khoảng 520m, ảnh hưởng đến 71 căn nhà của người dân, thiệt hại về đất khoảng 2,4 tỉ đồng (riêng sạt lở tại xã Bình Mỹ, Châu Phú ngày 27-5-2020, địa phương đang rà soát, ước tính thiệt hại).
 
Trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra 34 vụ giông lốc, làm bị thương 1 người và thiệt hại 135 căn nhà (sập hoàn toàn 9 căn; tốc mái, xiêu vẹo 126 căn). Mưa giông còn làm tốc mái trạm y tế xã, ngã trụ điện, hư hỏng một số công trình công cộng; gây thiệt hại 250,38ha lúa, hoa màu vụ hè thu, thiệt hại về tài sản khoảng 3,3 tỉ đồng.
 
►Triển khai đồng bộ các giải pháp
 
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, An Giang đã chủ động xây dựng các phương án PCTT. Trong đó, tập trung công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT. Các biện pháp tuyên truyền được đăng tải trên trang facebook “Thông tin PCTT An Giang”, trên nhóm Zalo, trên các phương tiện truyền thông.
 
Nội dung thông tin về tình hình thời tiết, thiên tai, biện pháp hướng dẫn phòng, chống ứng phó thiên tai... giúp người dân kịp thời nắm bắt thông tin, từ đó có những biện pháp phòng, chống hiệu quả. Ngoài ra, Ðài Khí tượng Thủy văn An Giang đã kịp thời cung cấp những thông tin dự báo, cảnh báo tình hình khí tượng, thủy văn.
 
Những bản tin này cũng được Văn phòng Thường trực truyền tải đến thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, huyện. UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương thực hiện. Lãnh đạo tỉnh còn tổ chức nhiều đoàn đi thực địa để kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở địa phương trong công tác PCTT.
 
Ngoài ra, tỉnh cũng đã quán triệt và thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” nên đã chủ động công tác ứng phó thiên tai, khắc phục thiệt hại, góp phần ổn định đời sống nhân dân…
 
Nhằm đáp ứng nhu cầu về cụm tuyến dân cư PCTT, đặc biệt là sạt lở, từ năm 2001 tỉnh đã xây dựng 247 cụm, tuyến dân cư vượt lũ và 1 cụm, tuyến dân cư sạt lở. Qua đó, sắp xếp và bố trí chỗ ở ổn định cho 40.274 hộ dân, giúp người dân ổn định đời sống và sản xuất.
 
Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng, hiệp đồng lực lượng giữa công an và quân sự địa phương. Phân rõ vai trò, trách nhiệm từng lực lượng đối với từng loại hình, cấp độ thiên tai. Ðồng thời, xây dựng các phương án ứng phó khi có thông tin cảnh báo, dự báo Văn phòng Trung ương cũng như Trung tâm khí thượng thủy văn quốc gia. Nhờ tập trung cho công tác cảnh báo sớm đã hạn chế được rủi ro, thiệt hại. Các dự báo thiên tai chính xác đã tạo được lòng tin của người dân.
 
Hiện nay, An Giang vẫn còn trên 26.500 hộ dân sống trên các tuyến sông, kênh rạch. Trong đó, có trên 8.100 hộ sống trong khu vực có nguy cơ ảnh hưởng bởi sạt lở đất bờ sông, kênh rạch và chưa có cụm, tuyến dân cư để chủ động di dời.
 
Tỉnh An Giang đã có những kiến nghị đến Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT xem xét đề xuất, trình Chính phủ hỗ trợ An Giang thực hiện đầu tư 16 cụm tuyến dân cư để bố trí, sắp xếp cho 5.283 hộ giai đoạn 2021-2025. Ðồng thời UBND tỉnh cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương phối hợp với các viện, trường nghiên cứu tổng thể vùng ÐBSCL. Từ đó, có kế hoạch thực hiện các dự án tăng cường tích nước, trữ nước ở 3 phân vùng thích ứng với hạn, mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu và tác động của nguồn nước ở thượng nguồn trong thời gian tới. 
 
PHI ĐIỆP - (baocantho.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu