Liên quan đến thông tin Campuchia cấm nhập khẩu 6 loại nông sản của Việt Nam gồm: bắp cải, súp lơ, đậu bắp, chanh, bí ngô và hẹ do phát hiện có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, sáng 30/6, ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, đến thời điểm này, tỉnh An Giang chưa nhận được thông tin chính thức nào từ phía tỉnh Kandal (Vương quốc Campuchia) cũng như từ phía các cơ quan chức năng của Campuchia.
Nông dân thu hoạch bắp cải. Ảnh minh họa: TV
Hiện, UBND tỉnh An Giang đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương xác minh, làm rõ, để tham mưu UBND tỉnh đưa ra cách xử lý phù hợp cũng như quản lý chặt về chất lượng nông sản trên địa bàn tỉnh trước khi cung cấp ra thị trường và xuất khẩu trong thời gian tới.
Theo ông Lâm, hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang chỉ mới tiếp nhận thông tin này qua báo cáo của Cục Hải quan An Giang và một số cơ quan báo chí. Sở chưa biết tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên các sản phẩm là chất gì và là hàng hóa nông sản của địa phương nào vì An Giang là “cửa ngõ” để nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước xuất khẩu hàng nông sản sang Campuchia.
“Lâu nay, các mặt hàng rau, củ, quả ở An Giang xuất khẩu sang Campuchia chủ yếu qua đường tiểu ngạch hoặc các giao thương giữa cư dân biên giới hai nước. Hơn nữa, phía Campuchia không có hệ thống kiểm dịch thực vật đóng ở biên giới mà chỉ có hệ thống kiểm dịch trong nội địa, nên việc khai báo kiểm dịch thực vật các lô hàng chỉ được các doanh nghiệp đăng ký với cơ quan kiểm dịch khi phía nước nhập khẩu yêu cầu", Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm thông tin thêm.
Trước đó, ngày 19/6, Cục Hải quan An Giang đã có văn bản hỏa tốc gửi UBND tỉnh An Giang và Tổng cục Hải quan về việc cơ quan chức năng tỉnh Kandal (Vương quốc Campuchia) cấm nhập khẩu 6 loại rau, củ, quả từ Việt Nam. Theo văn bản này, cơ quan chức năng tỉnh Kandal (Vương quốc Campuchia) đã tiến hành kiểm tra chất lượng đối với hơn 20 loại rau, củ, quả nhập khẩu từ Việt Nam.
Kết quả phát hiện dấu hiệu thuốc bảo vệ thực vật có thể gây hại sức khỏe cho người tiêu dùng ở trong 6 loại rau, củ, quả gồm: bắp cải, súp lơ, đậu bắp, chanh, bí ngô và hẹ. Sau khi phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong các loại rau, củ, quả nêu trên, cơ quan chức năng tỉnh Kandal (Vương quốc Campuchia) đã tịch thu và tiêu hủy; đồng thời, đã quyết định cấm nhập khẩu 6 loại rau, củ, quả nói trên của Việt Nam từ ngày 16/6.
Trao đổi với phóng viên TTXVN về vấn đề này, ông Trần Quốc Hoàn, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh An Giang cho biết, qua công tác chuyên môn, Hải quan An Giang nắm được thông tin quan cơ quan chức năng tỉnh Kandal (Vương quốc Campuchia) đã cấm nhập khẩu 6 loại nông sản của Việt Nam gồm: bắp cải, súp lơ, đậu bắp, chanh, bí ngô và hẹ do phát hiện có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, thông tin này đã được báo chí nước ngoài và báo chí ở Campuchia đăng tải rộng rải.
“Xét thấy sự việc ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Campuchia, nên Cục Hải quan An Giang đã có văn bản gửi UBND tỉnh An Giang và Tổng cục Hải quan để báo cáo; qua đó, để Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang và Tổng cục Hải quan xác minh lại thông tin một cách chính thống từ các cơ quan chuyên môn.
Đồng thời, khuyến cáo bà con nông dân, các đơn vị, doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam cần tuân thủ các quy định về thời gian cách ly sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như đảm bảo chất lượng hàng hóa nông sản trước khi đưa tới tay người tiêu dùng”, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh An Giang Trần Quốc Hoàn chia sẻ.
Theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), đến nay Chính phủ và các cơ quan quản lý của Campuchia chưa đưa ra bất cứ văn bản chính thức nào về việc cấm nhập khẩu các loại rau, củ, quả của Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương khuyến cáo các cơ quan chức năng và địa phương của Việt Nam cần tăng cường hướng dẫn nông dân trồng rau sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định.
Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo các sản phẩm rau củ đưa ra tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu an toàn cho người tiêu dùng để hạn chế các sự việc tương tự xảy ra trong thời gian tới.