Thứ bảy, 14/11/2020,15:49 (GMT+7)
An Giang: Đảm bảo an toàn học sinh vùng đầu nguồn
Mặc dù lũ năm nay thấp, không ngập sâu gây chia cắt nhiều tuyến đường nhưng với tinh thần chủ động, huyện An Phú (An Giang) đã có kế hoạch duy trì việc đảm bảo an toàn cho học sinh đi học hàng ngày. Nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, huyện tăng cường các biện pháp phòng, chống, đặc biệt đối với số học sinh Việt kiều Campuchia sang học tập.
Mô hình xe đưa rước học sinh của anh Nguyễn Văn Hội ở Trường Tiểu học “A” Phú Hội duy trì 13 năm nay
 
Đảm bảo giao thông
 
Thời điểm này hàng năm, mưa lũ ngập cục bộ nhiều tuyến đường ở huyện đầu nguồn An Phú, gây khó khăn cho việc đến trường của học sinh. Các địa phương phải huy động vỏ lãi, tắc ráng để đưa rước học sinh đến trường… Năm nay do lũ nhỏ và với việc đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, xây dựng cầu, đường hoàn thiện, đến thời điểm này không xảy ra ngập úng cục bộ ảnh hưởng việc đến trường hàng ngày của học sinh. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động, huyện An Phú đã có kế hoạch duy trì việc đảm bảo an toàn cho học sinh từ nhiều tháng trước và đảm bảo an toàn cho học sinh đi học bằng đò, phà.
 
Trường Tiểu học “A” Phú Hội còn có mô hình đưa, rước học sinh bằng xe cải tiến duy trì từ 13 năm nay. Xuất phát từ sự tự nguyện, nhìn thấy các cháu học sinh nghèo ở vùng lũ phải bì bõm lội nước đến trường, vừa nguy hiểm, vừa không đảm bảo, anh Nguyễn Văn Hội (người dân địa phương) quyết định mua xe (loại xe công nông cải tiến dùng chở hàng hóa) để đưa, rước học sinh đi học hàng ngày. Để đảm bảo hơn, anh còn lắp thêm mái che để che mưa nắng, lắp khung cửa sắt và trên xe còn chuẩn bị thêm nước uống cho các cháu.
 
Nhiều năm nay, hình ảnh chiếc xe đưa đón học sinh đến trường hàng ngày đã trở nên thân quen với người dân ở xã biên giới Phú Hội, giúp phụ huynh và nhà trường thêm yên tâm. “Mỗi ngày mình đưa rước học sinh nhiều đợt, mỗi đợt hơn 10 học sinh với cự ly xa nhất khoảng 6km. Chi phí mỗi ngày khoảng 200.000 đồng nhưng mình làm với tinh thần tự nguyện, nếu bà con có điều kiện đóng góp thì quý, chứ mình không tính tiền, còn người nghèo thì miễn phí hoàn toàn”.
 
Em Trịnh Minh Hải (học sinh lớp 5A) cho biết: “Con mới chuyển về học ở đây và đi xe này từ đầu năm học đến nay. Đi xe này rất êm, an toàn. Chú Hội còn chuẩn bị sẵn nước uống khi tụi con khát nước, bữa nào về đói bụng còn có bánh cho ăn”.
 
Năm học này, huyện An Phú có 53 trường của 4 cấp học với tổng số 33.998 học sinh, trong đó mầm non - mẫu giáo 4.328 cháu, tiểu học 16.920 học sinh, THCS 9.756 học sinh, THPT 2.994 học sinh. Do vấn đề giao thương kinh tế và cuộc sống mưu sinh của người dân biên giới, nên số lượng học sinh cư trú bên Campuchia về Việt Nam học tập khoảng 1.400 em (thống kê đầu năm học). Nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch, huyện An Phú đã chỉ đạo các trường tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đồng thời quản lý chặt chẽ số học sinh về từ Campuchia, phối hợp địa phương rà soát điều kiện cách ly, nơi cư trú… Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Phú phối hợp chính quyền các địa phương thực hiện rà soát học sinh và người giám hộ, bố trí giáo viên giảng dạy trong quá trình cách ly. Tổ chức cho phụ huynh (hoặc người đại diện) của các em hoàn thành cách ly ký cam kết ở Việt Nam tiếp tục học tập trong thời gian phòng, chống dịch bệnh...
Trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó của Trường Tiểu học “A” Phú Hội
 
Còn nhiều khó khăn
 
Là địa bàn có đông học sinh thuộc diện khó khăn, từ các nguồn hỗ trợ đã tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài, trao học bổng, tặng tiền và quà cho 17.260 lượt học sinh trên địa bàn huyện An Phú với tổng kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng.
 
Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Phú Lê Văn Nắng cho biết, hiện nay các trường tiểu học còn thiếu thiết bị dạy học cho khối lớp 1 để dạy chương trình giáo dục phổ thông mới (hiện chưa được trang bị). Nhu cầu cấp thiết hiện nay ở các trường tiểu học là trang bị ti-vi cho các lớp 1 để khai thác các kênh hình ảnh và video hỗ trợ cho hoạt động dạy và học chương trình giáo dục phổ thông mới.
 
Ngoài ra, một số phòng học, nhà vệ sinh ở các đơn vị trường học xuống cấp cần sớm cải tạo sửa chữa, như: Trường Tiểu học “B” An Phú, “A” Vĩnh Trường, Mẫu giáo Vĩnh Lộc… Thiếu phòng học đáp ứng cho chương trình giáo dục phổ thông mới cho năm học 2021-2022: Trường Tiểu học “B” Vĩnh Lộc, “B” Đa Phước, “A” Khánh An, “B” Nhơn Hội, “B” Phú Hội. Một số phòng chức năng đã được đầu tư xây dựng xong nhưng chưa được cấp thiết bị ở các trường: THCS Khánh Bình, THCS Vĩnh Hội Đông. Một số đơn vị thiếu đất để đầu tư xây dựng phòng học, phòng bộ môn: Trường Tiểu học “B” Đa Phước, “B” Nhơn Hội, “B” Phú Hội, “B” Long Bình, “A” Vĩnh Hội Đông… do đó cần được bổ sung, trang bị để đảm bảo công tác dạy và học.
 
Box: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Phú đã chỉ đạo các trường thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch phòng, chống lụt bão tại đơn vị; xây dựng kế hoạch đưa rước học sinh trong mùa lũ (nếu có). Hiện, trên địa bàn huyện An Phú nước lũ không cao, nên các xã, thị trấn chưa tổ chức đưa rước học sinh bằng phương tiện đường thủy như hàng năm. 
 
Bài, ảnh: HỮU HUYNH - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu