Đó là cách gọi ví von mà nhiều người dùng để chỉ Thiền viện Trúc Lâm An Giang, một công trình kiến trúc Phật giáo đồ sộ dưới chân núi Sập (thuộc ấp Đông Sơn 1, thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn). Đây là điểm du xuân mới lạ, hấp dẫn dịp Tết năm nay. “Nơi đây là chốn non nước hữu tình, núi xanh mây trắng, bát ngát thinh không, dễ làm cho lòng người mở rộng bao dung” - anh Nguyễn Minh Tâm (phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên) cảm nhận sau chuyến du xuân đến Thiền viện Trúc Lâm An Giang.
Ngôi thiền viện được xây dựng theo phái Trúc Lâm Yên Tử của Phật hoàng Trần Nhân Tông, tọa lạc trên diện tích rộng đến 11ha, tạo cảm giác như không gian vô tận. Trước khung cảnh núi non tươi đẹp, những hồ nước rộng lớn in bóng núi, đất trời hòa hợp, du khách có cảm giác như lạc giữa chốn bồng lai tiên cảnh.
“Khuôn viên của Thiền viện Trúc Lâm rất rộng rãi, không gian thoáng mát mà vẫn giữ được vẻ tôn nghiêm. Trong chánh điện, sàn lót gạch đỏ toàn bộ, cột gỗ đều được đặt trang trọng trên những tấm tán bằng đá xám vân mây, bên trên có chạm trổ hình hoa sen cách điệu. Tượng Phật uy nghi giữa chánh điện, mang lại cảm giác an yên, nhẹ nhàng” - anh Tâm chia sẻ.
Thiền viện Trúc Lâm An Giang
Phía sau chánh điện là ngọn đồi phủ cỏ xanh, nơi thu hút rất nhiều du khách, bạn trẻ đến “check-in”. Khi ngồi trên mỏm đá ở đỉnh ngọn đồi, quay lưng về phía lòng hồ, sẽ chụp được những tấm ảnh đẹp lung linh với hậu cảnh là hồ nước mênh mông soi bóng núi. Những con đường cong cặp chân núi, uốn lượn theo lòng hồ cũng tạo nên khung cảnh thơ mộng, ảo diệu cho những bức ảnh. Phía sau Thiền viện Trúc Lâm An Giang là cây cầu sắt dẫn lên đỉnh núi Sập. Từ vị trí giữa cầu và đỉnh núi, có thể chụp được những góc ảnh đẹp về hồ nước, chánh điện và toàn cảnh khuôn viên Thiền viện.
Cùng với khung cảnh đẹp, du khách còn đặc biệt ấn tượng với đàn cá trê hàng ngàn con trong lòng hồ, thuộc khuôn viên Thiền viện. Ngoài cá trê đen chiếm đa số, còn có cá trê vàng, đặc biệt là cá trê hồng, cá trê trắng. Chỉ cần cảm nhận được tiếng bước chân du khách là chúng vô sát bờ, trườn lên các tảng đá để “xin ăn”. “Đàn cá dạn dĩ lắm, khách dễ dàng tiếp cận, thậm chí chạm tay vào chúng như nựng “thú cưng”. Số cá này do phật tử phóng sanh từ năm 2017, tốc độ sinh sôi rất nhanh. Đây cũng là điểm thu hút rất đông phật tử, du khách đến cho cá ăn và chụp ảnh với chúng” - cô Diệu Hoa (người trực tiếp trông coi hồ cá) thông tin.
Đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh
Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, trong khi nhiều điểm DL giảm lượng khách thì Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (TP. Châu Đốc) vẫn có nườm nượp khách đến cúng viếng, đặc biệt là sau giao thừa. Nhằm đảm bảo phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Ban Quản trị Lăng miếu núi Sam cùng chính quyền địa phương đã bố trí sẵn dụng cụ rửa tay sát khuẩn ở các lối vào, yêu cầu khách phải rửa tay, mang khẩu trang. Đa số khách mang theo hoa tươi, trái cây đến dâng cúng bà, cầu quốc thái, dân an, gia đạo hòa hiếu, làm ăn phát tài...
Nhiều người còn mang cả heo quay, hiện vật, hiện kim để cầu khẩn hoặc “trả lễ” bà vì lời cầu khấn trước đó linh ứng, công việc làm ăn thuận lợi, công danh thăng tiến... Trước khi ra về, khách không quên xin “Lộc Bà” để lấy hên. Đó là chiếc túi giấy nhỏ bên trong có vải được cắt ra từ y phục bà do bá tánh phụng cúng.
Không chỉ những ngày Tết mà trong suốt tháng Giêng, lượng người khắp nơi trong nước về cúng chùa Bà Chúa Xứ núi Sam rất đông. Sau đó, người ta tỏa ra các hướng để vãn cảnh, lễ bái ở các điểm chùa nổi tiếng vùng Bảy Núi.
“Tết này, do sợ dịch bệnh nên không dám đi đâu, chỉ quanh quẩn chúc Tết nội, ngoại, bà con. Dịp cuối tuần vừa qua, cả nhà quyết định thuê xe 7 chỗ đi lên cúng bà để cầu bình an, may mắn cho gia đình. Sau đó, chúng tôi đi núi Cấm để thưởng ngoạn, vui chơi. Tôi thấy yên tâm khi các nơi đều yêu cầu khách phải đeo khẩu trang, sát khuẩn trước và sau khi vào lễ cúng” - chị Trần Thị Nhã Trúc (du khách đến từ Hậu Giang) chia sẻ.
Theo ghi nhận của Ban Quản trị Lăng miếu núi Sam, từ Tết Nguyên đán đến nay, đã có trên 300.000 lượt khách đến tham quan, cúng viếng Bà Chúa Xứ. Công tác an ninh trật tự, phân luồng giao thông, đặc biệt là phòng dịch COVID-19 được triển khai chặt chẽ.
Cách miếu Bà Chúa Xứ núi Sam không xa, chùa Huỳnh Đạo cũng là địa điểm thu hút rất đông du khách, phật tử. Ngôi chùa xây dựng vào năm 1928 này có khuôn viên rộng mát, thoáng đãng, đặc biệt là hồ sen lớn gây ấn tượng cùng những công trình trang nghiêm, có tính nghệ thuật cao.
Cũng tại khu vực núi Sam, chùa Hang (Phước Điền tự), ngôi chùa cổ trên 200 năm vẫn là địa điểm hấp dẫn du khách với nét đẹp thanh tịnh, an yên. Chùa nằm ở triền núi Sam trong một khuôn viên khá rộng. Để vào trong chùa, du khách phải đi qua nhiều bậc thang, tầm hơn 300m. Đó cũng là thử thách cho những ai muốn khám phá trọn vẹn nét đẹp rất huyền bí, hoang sơ, cũng như hòa mình với thiên nhiên rộng mở.
Nếu không có thời gian trèo lên chùa Hang thì du khách có thể ghé qua Tây An Cổ Tự (chùa Tây An), ngôi chùa được xây dựng từ năm 1820 với diện tích rộng đến 15.000m2. Chùa tọa lạc dưới chân núi Sam, nằm trong quần thể di tích nổi tiếng tại Châu Đốc. Ngôi chùa gây ấn tượng với lối kiến trúc đậm nét Việt - Ấn…
Khi thực hiện tour DL tâm linh vòng quanh An Giang, du khách sẽ có dịp viếng thăm nhiều ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng như: miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, Thiền viện Đông Lai (chùa Bánh Xèo hay chùa Phật Nằm), chùa Lầu, chùa Kim Tiên, chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, Linh Sơn Cổ Tự (chùa Phật Bốn Tay), Thiền viện Trúc Lâm An Giang, chùa Phước Thành...
|
NGÔ CHUẨN - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)