Thứ bảy, 31/10/2020,16:32 (GMT+7)
Ẩn họa từ thói quen xông nhà
Những thói quen bình thường như xông nhà tưởng vô hại nhưng lại ẩn chứa nguy cơ dẫn đến bị nhiễm độc
Ca bệnh nhiễm độc mới nhất được Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP HCM) tiếp nhận cứu chữa là một người đàn ông 39 tuổi. Ông nhập viện trong tình trạng sốt từng đợt, rụng tóc, chán ăn, sang thương da thân và chi...
 
Suýt chết vì xông "lấy hên"
 
Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Ngát, Khoa Bệnh nhiệt đới - BV Chợ Rẫy, qua các xét nghiệm, người đàn ông 39 tuổi được xác định bị ngộ độc thạch tín (asen) do xông nhà bằng hùng hoàng (một loại thảo dược trong đông y) thời gian dài mà không biết.
 
Bệnh nhân cho hay khoảng 10 năm nay, ông thường xuyên sử dụng bột đốt xông nhà chứa hùng hoàng. Sau đó, trên người ông xuất hiện tình trạng tăng sắc tố da, nổi sẩn dạng giọt mưa rơi ở lòng bàn tay, lòng bàn chân. Gần đây, các biểu hiện này ngày càng nặng dần, ông bị tê, yếu tay chân. Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ asen trong máu, nước tiểu và tóc của bệnh nhân cao bất thường. Bệnh nhân được chỉ định điều trị nội khoa tích cực để giải độc, cắt nguồn phơi nhiễm.
 
Trước đó, BV Chợ Rẫy từng ghi nhận rất nhiều bệnh nhân bị nguy kịch do nhiễm độc từ thuốc đông y không rõ nguồn gốc. Một trong những trường hợp trầm trọng nhất là bà H.T.T (ở quận 12, TP HCM), đến khám vì ho nhiều, yếu liệt 2 chân. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bà T. dương tính với thạch tín.
 
Cách đây không lâu, BV Đại học Y Dược TP HCM đã phối hợp với một BV ở Đài Loan - Trung Quốc điều trị thành công cho anh N.V.T (ngụ tại Tây Nguyên). Anh T. cũng bị nhiễm độc thạch tín do thói quen xông thuốc với suy nghĩ giúp may mắn, vượng khí cho ngôi nhà. Anh thường ra tiệm thuốc bắc mua gói thuốc - khi là dạng bột, lúc thì cây cỏ - để đốt xông nhà. Nhà có vượng khí hay không chưa rõ nhưng sau một thời gian xông, anh T. thường xuyên bị sốt, không ăn uống được, nôn ói, chân tay ngày càng yếu, không thể di chuyển... và phải đến BV điều trị.
 
Tại Khoa Nội cơ xương khớp - BV Đại học Y Dược TP HCM, các bác sĩ xác định anh T. bị ngộ độc thạch tín nặng. Nồng độ asen trong tóc, móng của anh cao hơn 300-500 lần so với mức an toàn.
Ẩn họa từ thói quen xông nhà - Ảnh 1.
Một bệnh nhân bị ngộ độc thạch tín đang điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM
 
"Vua" của các loại độc chất
Theo các chuyên gia, hùng hoàng là một loại dược liệu được dùng trong đông y nhưng rất hạn chế. Hùng hoàng có chứa asen nên việc sử dụng phải tuân thủ chỉ định của thầy thuốc với liều lượng rất khắt khe.
 
BS Nguyễn Thị Ngát cho biết ngộ độc thạch tín với bột đốt xông nhà có chứa hợp chất asen đến nay chưa được báo cáo trong y văn. Việc sử dụng hùng hoàng dạng bột để xông đốt nhằm "trừ tà, trị bệnh" theo lời truyền miệng hoặc quảng cáo của người bán có nguy cơ gây tình trạng ngộ độc mạn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người trong nhà. Tự ý sử dụng hùng hoàng quá liều sẽ khiến cơ thể bị ngộ độc, phơi nhiễm, nguy hiểm đến tính mạng.
 
Theo BS Cao Thanh Ngọc, Trưởng Khoa Nội cơ xương khớp - BV Đại học Y Dược TP HCM, thạch tín là một kim loại nặng, có 2 dạng. Một là, thạch tín hữu cơ (trong thực vật và mô thịt động vật), thường vô hại đối với con người; hai là, thạch tín vô cơ, tích tụ trong đất đá hoặc hòa tan vào nước. Độc tính của thạch tín vô cơ cao gấp 4 lần thủy ngân, được xem là chất gây ung thư nhóm 1.
 
Thạch tín và các hợp chất của nó được sử dụng làm thuốc trừ sâu, diệt cỏ và trong sản xuất các hợp kim. Thạch tín vô cơ là loại hóa chất cực độc, được gọi là "vua" của các loại độc chất. Nếu một lượng lớn thạch tín xâm nhập cơ thể, chúng sẽ tác động xấu đến hệ tuần hoàn, hệ thần kinh và có thể gây tử vong ngay lập tức.
 
Nếu bị nhiễm độc thạch tín dần dần, mỗi ngày tích tụ một ít, tùy theo mức độ nhiễm và thể trạng của mỗi người, có thể xuất hiện nhiều chứng nguy hiểm từ nhẹ đến nặng như: rụng tóc, buồn nôn, sút cân, giảm trí nhớ, rối loạn sắc tố da, sừng hóa gan bàn tay, gan bàn chân, gây hoại tử các vết loét ở tay, chân, dẫn đến ung thư, thậm chí tử vong.
 
BS Cao Thanh Ngọc cho biết thạch tín không chỉ tồn tại trong nước mà còn có mặt trong không khí, đất, thực phẩm và rất dễ xâm nhập cơ thể con người. Thạch tín đi vào cơ thể con người qua 3 đường chính là hô hấp, tiêu hóa và da. Tuy nhiên, ở cấp độ bình thường, lượng thạch tín trong tự nhiên có liều lượng cực kỳ thấp và không gây ra bất kỳ tác động ngộ độc cấp tính nào đối với cơ thể.
 
"Người dân chỉ nên xông nhà bằng những loại cây lá thông dụng như vỏ bưởi, sả, chanh... Không nên tự ý sử dụng những nguyên liệu dùng để xông nhà theo kiểu nghe nói, truyền miệng, nhất là với các nguyên liệu có nguồn gốc từ các loại thảo dược hay cây cỏ, vì nguy cơ nhiễm độc, ngộ độc rất cao" - BS Ngọc khuyến cáo.
 
Nhang càng thơm càng độc
 
Thắp nhang (còn gọi là hương) là nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Ngày xưa, nhang thường được làm từ loại bột gỗ có mùi thơm tự nhiên như trầm, quế... Khi đốt, nhang này sẽ tỏa hương thơm mà không gây hại, thậm chí hương thơm của trầm, quế còn kích thích sự hưng phấn của con người. Tuy nhiên, ngày nay, người ta sản xuất nhang sử dụng nhiều tạp chất, thậm chí bỏ vào các loại hóa chất tạo mùi thơm, nên sẽ gây tổn hại cho sức khỏe nếu thường xuyên hít phải.
 
Theo các cơ quan chức năng, đa phần những loại nhang trên thị trường hiện nay có thành phần là lớp mùn cưa tẩm tinh dầu hoặc hóa chất để tạo mùi thơm. Khi cháy, nhang giải phóng các hạt hóa chất vào không khí. Nếu hít phải, những hạt này sẽ mắc lại ở phổi và gây nên các viêm nhiễm đường hô hấp, thậm chí là ung thư.
 
Vì vậy, có thể nói nhang càng có mùi thơm thì càng chứa nhiều chất độc hại, nếu thường xuyên sử dụng và hít phải chắc chắn sẽ gây nguy hiểm cho cơ thể. Do vậy, người nhà khi thắp nhang tuyệt đối không được đóng cửa, phải luôn mở cửa thoáng để khói nhang không bị tụ lại một chỗ. Cần tránh để người già và trẻ em tiếp xúc với khói nhang.
 
Văn Thi Hoàng
 
Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu