Daily Mail dẫn lời thợ săn kho báu Brock Lovett từng hợp tác trong phim "Titanic" của đạo diễn James Cameron cho biết ở độ sâu gần 4.000 m dưới biển, áp suất nước vào khoảng 3,5 tấn/inch vuông (1 inch vuông = 0,000645 mét vuông). Những cửa sổ dày 22,86 cm sẽ biến mất trong 2/1.000.000 giây nếu xảy ra một vụ nổ.
Tuyên bố trên được Lovett đưa ra khi ông thuật lại một chuyến tàu lặn khám phá hai bên xác tàu đắm Titanic (con tàu đắm vào năm 1912), vô tình trùng với kết cục bi thảm của tàu lặn Titan.
Sau khi một robot phát hiện "nhiều mảnh vỡ từ tàu lặn Titan", cách mũi tàu Titanic khoảng 487 m ở độ sâu hơn 3.800 m, lực lượng tuần duyên Mỹ kết luận tàu lặn này đã "nổ tung một cách thảm khốc", chấm dứt mọi hy vọng cứu hộ.
Các quan chức cho biết còn quá sớm để xác định vụ nổ xảy ra khi nào và như thế nào.
Ở ngang mực nước biển, áp suất nước là 1 kg đè lên 1 cm vuông. Càng xuống sâu, áp suất nước càng tăng. Ở độ sâu của xác tàu đắm Titanic, tàu lặn Titan sẽ phải chịu áp suất từ 375-400 atm, tương đương 2,5 tấn/inch vuông. Nói cách khác, mỗi 1 mét vuông sẽ chịu lực đè 4.000 tấn, theo Phó giáo sư Eric Fusil, Trường ĐH Adelaide (Úc).
Xác tàu Titanic ở độ sâu thấp hơn nhiều so với ngưỡng áp suất mà con người có thể sống sót. Ảnh: Daily Mail
Nhà khảo cổ học hàng hải người Úc Emily Jateff từng cho một túi cốc xốp ra bên ngoài chiếc tàu lặn trong chuyến thám hiểm xác tàu đắm Titanic vào năm 2005. Chúng đã bị nghiền nát chỉ còn 1/8 kích thước ban đầu.
Phó giáo sư Fusil nói rằng đối với trường hợp của tàu lặn Titan, vụ nổ tức thời giết chết toàn bộ người trong khoang trong 20/1.000 giây, giống như bạn đang nghiền nát một bình chịu áp lực từ bên ngoài.
"Điều đó xảy ra ngay lập tức. Bộ não con người không thể xử lý thông tin với tốc độ đó. Họ sẽ không kịp biết chuyện gì đã xảy ra" - Phó giáo sư Fusil cho biết.
Ngoài ra, một vết nứt nhỏ hoặc khiếm khuyết nhỏ cũng có thể khiến tàu lặn Titan nổ tung. Đây là lý do người ta cần sử dụng các hình dạng như hình cầu, hình trụ, có xu hướng cân bằng các ứng suất bên trong vật liệu một cách hoàn hảo và các vật liệu phải có khả năng chịu được các ứng suất cao đó.
Ở độ sâu của xác tàu đắm Titanic, tàu lặn Titan sẽ phải chịu áp suất từ 375-400 atm, tương đương 2,5 tấn/inch vuông. Ảnh: AP
Các tàu lặn có thể xuống tới độ sâu cực sâu được chế tạo bằng một vật liệu kim loại duy nhất như titan.
Theo Phó giáo sư Fusil, người ta dùng titan vì đó là vật liệu có độ bền cao, có thể hấp thụ biến dạng dễ dàng dưới một loạt áp suất lớn. Bình chịu áp suất bằng titan sẽ chỉ co lại và sẽ trở lại hình dạng ban đầu mà không bị biến dạng vĩnh viễn. Đó gọi là nhựa hóa.
Tuy nhiên, tàu lặn Titan được làm từ hai loại vật liệu titan và sợi carbon tổng hợp. Sợi carbon rất cứng, trái ngược với vật liệu titan. Phó giáo sư Fusil suy đoán có thể đã có khiếm khuyết trong liên kết của hai vật liệu chế tạo tàu lặn Titan.
Người ta cho rằng một vết thủng trên thân tàu lặn Titan đã khiến nó tự nổ tung. Giờ đây, mọi người chuyển sự chú ý sang khả năng trục vớt những gì còn sót lại của con tàu lặn xấu số nhưng mọi thứ dường như không đơn giản, nguyên nhân là do độ sâu cực sâu và nhiều khả năng các mảnh vỡ hoặc bộ phận cơ thể đã bị dòng nước cuốn trôi.