Thứ năm, 07/07/2022,08:54 (GMT+7)
Bạc Liêu: Một số cơ quan, đơn vị tiếp thu và giải quyết các ý kiến, kiến nghị còn chậm
Qua 5 năm thực hiện quy chế phối hợp, một số cơ quan, đơn vị tiếp thu và giải quyết các ý kiến, kiến nghị còn chậm.
 
Chiều ngày 6/7, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị Tổng kết 5 năm (2016-2021) thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa HĐND - UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
 
Hội nghị dưới sự điều hành, chủ trì của ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Hoà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
 
Lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu chủ trì, điều hành hội nghị.
Lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu chủ trì, điều hành hội nghị.
 
Qua 5 năm triển khai, hoạt động phối hợp thực hiện nhiệm vụ chính trị chung giữa HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ngày càng chặt chẽ, hiệu quả thiết thực, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của từng bên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh; mở rộng phát huy dân chủ của Nhân dân, tạo mọi điều kiện để Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh; hoạt động giám sát, phản biện xã hội được tăng cường.
 
Vai trò và uy tín của MTTQ, công tác quản lý điều hành của chính quyền ngày càng hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước trong tình hình mới; tạo được niềm tin, thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân ở địa phương. Các nội dung phối hợp theo Quy chế được các bên triển khai thống nhất, đồng bộ và đạt kết quả tốt.
 
Nổi bật trong nhiệm kỳ 2016-2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức 7 hội nghị phản biện xã hội đối với các dự thảo nghị quyết liên quan đến các nội dung như: về việc hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ chi phí cho lao động đi xuất khẩu lao động; về quy hoạch vùng nuôi chim yến,…
 
Từ các ý kiến phản biện xã hội, các cơ quan chuyên môn, cơ quan thẩm tra có thêm nhiều thông tin về thực trạng vấn đề cần ban hành, qua đó, đảm bảo chất lượng các quyết sách khi HĐND tỉnh thông qua.
 
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và các Ban của HĐND tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát, khảo sát chuyên đề được 69 cuộc trên hầu hết các lĩnh vực; Ban Thường Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức giám sát 19 chuyên đề liên quan đến các nội dung như: Giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo, giám sát việc triển khai thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 75- KH/TU ngày 06/7/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 năm 2020, năm 2021...
 
Hầu hết các chuyên đề giám sát đều có sự tham gia phối hợp giữa Thường trực HĐND với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
 
Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh còn tham gia với Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh giám sát tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị về thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua công tác giám sát, từng bước khẳng định vai trò, vị trí của MTTQ Việt nam là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.
 
Cùng với đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tổ chức được trên 100 dự thảo văn bản (trong đó có 11 dự thảo văn bản được hội nghị phản biện xã hội). Qua đó thể hiện được vai trò của Mặt trận Tổ quốc là cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân.
 
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
 
Tại hội nghị, đại diện 3 cơ quan đã thẳng thắn nêu lên một số mặt còn hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc như: Việc phối hợp giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, của MTTQ và các đoàn thể tuy có nhiều chuyển biến nhưng nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu của nhân dân.
 
Một số cơ quan, đơn vị tiếp thu và giải quyết các ý kiến, kiến nghị còn chậm; tình trạng kiến nghị nhiều lần đối với một nội dụng còn diễn phổ biến. Vẫn còn một số vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm, nhất là những đơn, thư khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai liên quan đến tôn giáo.
 
Công tác phối hợp giữa Mặt trận với chính quyền, các cơ quan đơn vị, trong công tác giám sát, phản biện xã hội có lúc chưa chặt chẽ, nhất là trong việc theo dõi, tiếp thu, giải quyết các kiến nghị của MTTQ sau giám sát phản biện xã hội của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đôi lúc chưa kịp thời; báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri của một số địa phương chất lượng chưa cao, có tình trạng tổng hợp không đầy đủ hoặc chưa chính xác nội dung cư tri quan tâm...
 
Tại hội nghị, Thường trực HĐND, UBND và Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã thống nhất ký kết Quy chế phối hợp công tác 5 năm (2022 - 2026) với nội dung trọng tâm nhằm tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh của toàn dân và nội lực của địa phương để xây dựng và phát triển Bạc Liêu mạnh về kinh tế, đảm bảo quốc phòng - an ninh, góp phần xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân ngày càng trong sạch, vững mạnh.
 
NGUYÊN DU (daidoanket.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu