Chọn theo môn học
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) để lựa chọn SGK lớp 1 đưa vào giảng dạy từ năm học 2020-2021, mỗi trường sẽ thành lập một hội đồng lựa chọn sách bao gồm: Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh. Trong quá trình lựa chọn, các tổ chuyên môn tổ chức nghiên cứu, thảo luận, đánh giá SGK, bỏ phiếu kín lựa chọn một đầu SGK cho mỗi môn học để báo cáo hội đồng. Sau đó, hội đồng họp, thảo luận, đánh giá SGK bỏ phiếu kín để lựa chọn... Trên cơ sở đề xuất của hội đồng, người đứng đầu cơ sở GDPT quyết định danh mục SGK để sử dụng. Ðồng thời, công bố công khai danh mục SGK sử dụng trong cơ sở GDPT trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất bốn tháng. Năm bộ SGK để các trường lựa chọn gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cùng học để phát triển năng lực; Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục; Cánh diều.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhân Dân, việc lựa chọn SGK lớp 1 ở các tỉnh, thành phố rất đa dạng, nhiều trường chọn theo môn học chứ không theo bộ. Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD và ÐT Ðà Nẵng Lê Thị Kim Ánh cho biết: Sau khi đọc kỹ cả năm bộ SGK do Bộ GD và ÐT phê duyệt, các tổ chuyên môn, các trường đã chọn theo từng bộ môn, có thể sách Tiếng Việt thuộc bộ SGK này nhưng sách Toán lại thuộc bộ khác. Trong khi đó, cô giáo Bạch Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: Ngoài các tổ trưởng chuyên môn, nhà trường lựa chọn toàn bộ giáo viên khối lớp 1 vào trong hội đồng, bởi hơn ai hết đây là những đội ngũ có nhiều kinh nghiệm, hiểu rõ về chương trình. Ngoài các tiêu chí theo quy định, giáo viên còn căn cứ vào điều kiện thực tế của nhà trường. Thí dụ, những bộ sách yêu cầu phải có bể bơi để học thì nhà trường lại không có điều kiện để đáp ứng. Tại Ðiện Biên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng, cô giáo Vũ Thị Thoan cho rằng: Sau khi tiếp cận năm bộ SGK cũng có những bộ sách không phù hợp với nhà trường. Thí dụ, về thông tin ngôn ngữ, trong sách sử dụng từ "cái chén" là từ của người dân miền nam để chỉ cái bát ăn cơm, trong khi ở địa phương gọi cái chén là để uống nước. Hay bộ sách đòi hỏi phải có nhiều thiết bị phụ trợ trong giảng dạy cũng không phù hợp vì ở vùng cao nghèo khó đâu phải cái gì cũng có…
Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ GD và ÐT) Thái Văn Tài cho biết, qua phân tích tổng hợp của các địa phương báo cáo về Bộ GD và ÐT cho thấy tất cả các đầu SGK đều được lựa chọn; trong đó có nhiều tỉnh chọn các môn học trải đều trong cả năm bộ SGK lớp 1. Bộ GD và ÐT yêu cầu các Sở GD và ÐT khẩn trương làm việc với các nhà xuất bản có SGK được lựa chọn, để lên kế hoạch chi tiết việc tập huấn giáo viên sử dụng SGK. Bên cạnh đó, các địa phương khẩn trương triển khai bồi dưỡng trực tuyến kết hợp với trực tiếp cho toàn bộ giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020 - 2021.
Giá quá cao, khó mua đủ bộ
Ðáng chú ý, quá trình tổ chức lựa chọn SGK các trường không được cung cấp đầy đủ các bộ sách cùng lúc để nghiên cứu và so sánh cũng phần nào ảnh hưởng chất lượng việc chọn sách. Trưởng phòng GD và ÐT huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) Hoàng Thị Tiến cho biết: Toàn huyện có 32 trường tiểu học, do lượng SGK được chuyển xuống ít cho nên huyện đã phải chia thành từng cụm trường để giáo viên luân phiên nghiên cứu. Mỗi cụm từ bốn đến năm trường tiểu học mà chỉ có từ một đến hai bộ sách để nghiên cứu; thời gian dành cho mỗi trường cũng chỉ được khoảng hai ngày rồi phải chuyển cho cụm khác. Bên cạnh đó, giá SGK cũng quá cao so với thu nhập của người dân ở một huyện nghèo như Yên Sơn cũng sẽ gây ra những khó khăn cho cha mẹ học sinh nhất là những hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Theo Trưởng phòng GD và ÐT huyện Mường Ảng (Ðiện Biên) Lê Văn Thống, giá các bộ sách cao so với mặt bằng đời sống người dân trên địa bàn. Trong số hơn 1.300 học sinh vào lớp 1 thì toàn huyện có gần 900 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo được trang bị sách, số còn lại các em phải tự trang bị. Trong khi nhiều gia đình rất khó khăn, đông con cho nên việc mua đủ một bộ sách cho con vào lớp 1 rất khó. Phòng GD và ÐT đang tính đến phương án nếu cha mẹ học sinh khó khăn quá không thể mua đủ bộ cho con thì sẽ hướng dẫn mua những cuốn môn học cơ bản chứ không nhất thiết mua đủ bộ.
Tại TP Ðiện Biên Phủ, tỉnh Ðiện Biên, địa bàn có đông học sinh vào lớp 1 nhưng không thuộc diện được trang bị sách, thì nhiều phụ huynh khá băn khoăn trước tình trạng giá sách tăng vọt như thông báo của các nhà sách. Trao đổi với phóng viên, chị Hoàng Thị Hà, phường Thanh Bình, cho biết: "Giá sách tăng vọt đến mấy trăm phần trăm so với trước thì rất khó cho chúng tôi. Hai vợ chồng công chức, lương không bao nhiêu mà lo mua cho hai cháu hai bộ sách cộng với các khoản khác đầu năm học là cả một vấn đề". Bà Lò Kim Anh, bản Ta Pô, phường Thanh Trường (TP Ðiện Biên Phủ) cũng băn khoăn: "Vợ chồng tôi đang nuôi ba cháu cả nội và ngoại, nếu mỗi đứa phải mua một bộ sách mấy trăm nghìn thì rất khó. Có lẽ tôi chọn mua quyển quan trọng chứ không mua cả bộ". Cùng chung nỗi băn khoăn về giá sách mới khá cao so với bộ sách cũ, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Ðà Nẵng) phân tích: Giá SGK tăng cao sẽ ảnh hưởng nhiều đến phụ huynh học sinh khi đầu năm có nhiều khoản tiền phải nộp. Nhà trường đã thống nhất chọn bộ SGK Kết nối tri thức với cuộc sống do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản với giá 179 nghìn đồng/bộ, đây là bộ sách có mức giá thấp nhất trong năm bộ SGK. Riêng sách Tiếng Anh hiện nay, trên cơ sở hướng dẫn của Sở GD và ÐT, nhà trường sẽ quyết định sau khi tham khảo ý kiến của phụ huynh học sinh.
Có thể thấy rằng, lần đầu tiên thực hiện một chương trình, nhiều SGK cho nên việc lựa chọn, sử dụng SGK ở các địa phương rất đa dạng. Mặc dù, thời điểm này các địa phương đã chuẩn bị các khâu cuối cùng trong quá trình lựa chọn SGK nhưng đây là năm đầu tiên giáo viên được trao quyền lựa chọn SGK sẽ không tránh khỏi những khó khăn, bỡ ngỡ. Bên cạnh đó, với khoảng thời gian eo hẹp để đọc và chọn sách, giáo viên khó có thể đánh giá chính xác từng bộ sách, chưa kể sách đến tay giáo viên không đủ, nhà trường phải bố trí sách luân phiên khiến dư luận lo ngại dễ dẫn đến hiện tượng "cưỡi ngựa xem hoa", chọn cho kịp tiến độ. Mặt khác, giá mỗi bộ sách cũng chưa phù hợp thu nhập của người dân, nhất là các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn. Vì vậy, Bộ Tài chính cần phối hợp Bộ GD và ÐT cùng các cơ quan liên quan làm rõ việc kê khai giá của các nhà xuất bản để thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK nhưng vẫn phải bảo đảm yêu cầu phục vụ xã hội, không để xảy ra tình trạng học sinh vì không có SGK mà phải nghỉ học.