Thứ năm, 14/06/2018,10:28 (GMT+7)
Bánh quy, sữa bột cũng… kiểm dịch động vật!
Theo quy định, bánh quy, sữa bột có thành phần từ sữa nên phải kiểm dịch động vật dù đã qua xử lý nhiệt, không còn nguy cơ về vi trùng trong sản phẩm

Ngày 11-6, tại TP HCM, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phối hợp cùng dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (USAID GIG) tổ chức hội thảo thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý, kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm tổng hợp những vướng mắc từ cộng đồng doanh nghiệp (DN) để làm việc với các bộ, ngành, tìm ra giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Quy định mở rộng quá mức

Theo ông Vũ Quốc Tuấn, đại diện Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng thuộc Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), các quy định về kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật đã bị mở rộng quá mức cần thiết. Ông Tuấn cho biết các sản phẩm sữa chế biến và sản phẩm có thành phần từ sữa đều phải kiểm dịch động vật. Ngay cả sản phẩm đã qua xử lý nhiệt (vi trùng đã chết) như sữa bột, bánh quy vẫn bị kiểm dịch động vật. Trong khi đó, Tổ chức Thú y thế giới và Ủy ban Thực phẩm quốc tế (Codex) cùng cho rằng theo thông lệ, chỉ kiểm tra sữa dưới dạng sữa tươi hoặc sữa sơ chế. 

"Do đó, chúng tôi đề nghị chỉ nên kiểm dịch động vật đối với sữa tươi và sữa sơ chế, không áp dụng đối với các mặt hàng sữa đã qua xử lý nhiệt. Thực tế kiểm tra mặt hàng này trong thời gian qua đạt 100% về kiểm dịch, gây tốn nhiều thời gian và chi phí cho DN. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên sớm tháo gỡ vướng mắc cho DN" - ông Tuấn kiến nghị.

Bánh quy, sữa bột cũng… kiểm dịch động vật! - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng sữa bột phải kiểm dịch động vật là không hợp lý Ảnh: TẤN THẠNH

Ngoài ra, ông Tuấn cũng đề nghị các cơ quan, ban, ngành khi kiểm tra DN nên thận trọng trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn như dừng lưu thông, tạm giữ hàng khi chưa có kết quả xét nghiệm hoặc kết quả xét nghiệm còn gây tranh cãi vì điều này có thể khiến DN phá sản. 

"Khi ra tòa, bị cáo còn được nói lời cuối cùng, còn DN có thể bị giết chết mà không có cơ hội kêu oan vì cơ quan kiểm tra dựa vào một lần xét nghiệm. Bộ Khoa học và Công nghệ nên mở ra cơ chế cho DN được xét nghiệm lần 2, lần 3 để kiểm chứng kết quả. Tôi dẫn chứng cụ thể trường hợp một DN có kết quả kiểm tra cho thấy hàm lượng axít (độ chua) trong sản phẩm gấp 6 lần mức công bố nhưng may thay đoàn kiểm tra đã kịp thời lắng nghe DN. 

Khi đó, DN trình bày nếu quả thực sản phẩm có hàm lượng axít gấp 6 lần thì ăn vào sẽ rất chua nhưng thực tế qua cảm quan, sản phẩm này rất bình thường nên có thể kết quả xét nghiệm sai. Kết quả kiểm nghiệm lại sau đó cho thấy sản phẩm đạt và vụ việc được giải quyết êm đẹp" - ông Tuấn nói.

Về đề nghị của ông Tuấn, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng trước đây cho phép DN được kiểm nghiệm lại và quy định này đã bị một số DN lợi dụng. "Các phòng xét nghiệm phải chịu trách nhiệm về kết quả xét nghiệm. Các DN nên làm theo nước ngoài là kiện các phòng xét nghiệm làm sai để đòi bồi thường" - ông Linh gợi ý.

Chưa theo thông lệ quốc tế

Theo ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia dự án USAID GIG, liên tiếp từ năm 2014-2017, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Năm 2017, theo đánh giá xếp hạng của các tổ chức quốc tế, năng lực cạnh tranh Việt Nam tăng 5 bậc, môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc so với năm 2016, đứng ở những vị trí cao nhất mà Việt Nam đã đạt được.

Đánh giá về việc thực hiện các Nghị quyết 19, theo ông Bình, nhiều nội dung vẫn còn chưa đạt. "Nội dung áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành chỉ mới áp dụng đối với lĩnh vực thực phẩm, các lĩnh vực khác cơ bản chưa thực hiện. Nội dung áp dụng theo thông lệ quốc tế (công nhận lẫn nhau trong kiểm tra chuyên ngành, chủ động công nhận chất lượng những khu vực có tiêu chuẩn chất lượng cao, tiên tiến như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản) chưa có bộ nào công bố áp dụng" - ông Bình dẫn chứng.

Cũng theo ông Bình, các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành nhiều nhất thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ này cũng có thời gian thông quan chậm nhất là 108 giờ (tại TP HCM) và 96 giờ (tại Hà Nội) đối với lô hàng phải kiểm dịch động vật. Trong khi đó, yêu cầu của Nghị quyết 19 là thời gian thông quan lô hàng không quá 90 giờ (hàng nhập khẩu). Riêng các mặt hàng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, theo ông Nguyễn Hoàng Linh, thời gian đã rút ngắn từ 23 ngày ở giai đoạn 2012-2015 còn 1 ngày (24 giờ) như hiện nay. 

Nguồn: NGỌC ÁNH - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu