Thứ ba, 27/10/2020,08:21 (GMT+7)
Bảo tồn quýt hồng Lai Vung
Ba năm trở lại đây, dịch bệnh bùng phát mạnh khiến sản lượng quýt hồng của huyện Lai Vung bị sụt giảm nghiêm trọng nên cần phải bảo tồn và phát triển trở lại
Quýt hồng Lai Vung (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) không chỉ là đặc sản của đất sen hồng mà còn là của cả miền Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, theo UBND huyện Lai Vung, toàn huyện hiện chỉ còn 350 ha quýt hồng. Thời gian qua, hiện tượng vàng lá, thối rễ, chết xanh trên cây có múi đã làm ảnh hưởng nhiều đến loại cây thế mạnh của huyện. Cụ thể, năm 2018, sản lượng quýt hồng cung ứng cho vụ Tết nguyên đán khoảng 25.000 tấn thì đến năm 2020 chỉ còn 4.000 tấn.
 
Dấu hiệu của sự phục hồi
 
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, từ năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với địa phương triển khai các mô hình thí điểm biện pháp khắc phục hiện tượng vàng lá, thối rễ, chết xanh trên cây quýt hồng theo quy trình khuyến cáo của Trường Đại học Cần Thơ. Hiện các mô hình đều cho kết quả tốt, phục hồi 80% - 90%.
 
Nông dân triển khai các biện pháp cải thiện đất, áp dụng việc xẻ rãnh xương cá để tránh úng nước trong mùa mưa, xeo đất qua khỏi lớp sét. Là một trong những hộ triển khai thí điểm, ông Nguyễn Văn Đầy (xã Long Hậu, huyện Lai Vung) đã tận dụng rơm và phân bò để tạo thành loại phân hữu cơ cho cây có múi. Theo ông Đầy, qua việc triển khai, đến nay, diện tích vườn đã khôi phục đến 90%, cây bắt đầu cho trái trở lại. Cùng với đó, nhờ có sự hướng dẫn và khuyến cáo của các chuyên gia, ông đã sử dụng phân hữu cơ nhiều, tạo sự thông thoáng cho đất nên tiết kiệm hơn 40% chi phí sản xuất.
 
Vừa thực hiện xong quy trình xeo đất cho vườn quýt, ông Trần Hữu Hớn (ngụ xã Long Hậu) cho biết: "Vụ năm trước, tôi thực hiện 1.000 m2 theo mô hình ứng dụng quy trình khắc phục bệnh vàng lá, thối rễ, chết xanh trên cây có múi, vườn cây đã có sự hồi phục tốt khoảng 50%. Vì vậy, tôi áp dụng phương pháp này cho toàn bộ diện tích hơn 1,3 ha cây có múi của gia đình. Trong quá trình canh tác, tôi kiểm tra độ pH đất hằng tháng".
 
Theo ông Trần Thanh Tâm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, sau thời gian triển khai mô hình, đến nay, nông dân đã biết cách sử dụng phân cân đối giữa hữu cơ và hóa học để ổn định cấu trúc đất, tăng độ mùn, tơi xốp cho đất, tạo điều kiện cho vi sinh vật có lợi phát triển tốt. Việc này cũng góp phần giúp nông dân tiết kiệm chi phí sử dụng phân bón theo tập quán cũ.
Bảo tồn quýt hồng Lai Vung - Ảnh 1.
Nông dân Lai Vung đang nỗ lực vực dậy vườn quýt hồng
 
Hỗ trợ giống và vật tư nông nghiệp
 
Để sớm vực dậy loại cây thế mạnh của địa phương, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa phê duyệt Đề án bảo tồn vườn quýt hồng Lai Vung, giai đoạn 2020-2024. Mục tiêu cụ thể của đề án đến năm 2024, diện tích bảo tồn đạt 546,63 ha; trong đó khu vực khắc phục dịch bệnh là 198,71 ha, khu vực trồng lại hoàn toàn là 347,92 ha. Bên cạnh đó, đề án cũng nhằm bảo tồn vùng trồng quýt hồng tập trung theo bản đồ quy hoạch thuộc dự án "Tạo lập quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận quýt hồng Lai Vung". Đồng thời, bảo tồn nguồn gien cây quýt hồng bản địa, phục vụ công tác nhân giống và duy trì sản xuất bền vững.
 
Với đề án này, UBND huyện Lai Vung sẽ phối hợp Trường Đại học Cần Thơ lấy chỉ tiêu phân tích đất đai tại các vùng quy hoạch để có cơ sở cải tạo đất phát triển bền vững cây quýt hồng. Đối với giải pháp về giống, kỹ thuật canh tác, sẽ chọn vườn và cây quýt hồng tại địa phương tạm thời đủ chuẩn để kịp thời nhân giống cung cấp trong năm. Duy trì và bảo tồn cây quýt hồng đầu dòng làm vật liệu nhân giống; đồng thời hỗ trợ, khuyến khích nông dân trồng, thâm canh cây quýt hồng. Đối với diện tích phát triển cây quýt hồng trồng mới và thâm canh trong vùng tập trung, được hỗ trợ 50% về giống lần đầu, 50% vật tư trong thời gian 2 năm.
 
GS-TS Nguyễn Bảo Vệ, giảng viên Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng qua nghiên cứu tại các vườn bị ảnh hưởng hiện tượng vàng lá, thối rễ, chết xanh trên cây có múi, cho thấy ngành nông nghiệp địa phương cần phải biết nguồn gốc dịch để ngăn chặn bằng các tác nhân sinh học; phải biết dịch bệnh lây lan bằng cách nào, trong đó tác nhân là đất, nước tưới, con người; vai trò của tuyến trùng, nhện, rệp sáp, nấm... Cùng với đó, khuyến cáo nông dân quan tâm hơn việc cung cấp dinh dưỡng cho đất và bộ rễ của cây. Điều này góp phần tạo sức đề kháng cho cây...
 
Phục hồi cây thế mạnh để phát triển du lịch
 
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết thời gian tới, địa phương sẽ cố gắng triển khai nhiều giải pháp phục hồi diện tích loại cây thế mạnh của Lai Vung. Trong đó, lưu ý hỗ trợ cho nông dân về kỹ thuật và định hướng, khuyến nông, truy xuất nguồn gốc, tìm đầu ra cho cây quýt hồng. Đồng thời, chỉ đạo các ngành và địa phương thực hiện hiệu quả Đề án bảo tồn quýt hồng huyện Lai Vung giai đoạn 2020-2024; khảo sát lại các diện tích trồng cây quýt hồng tại huyện, xem xét lại thực tế của nông dân về nguồn vốn và khả năng sản xuất; chú trọng đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, ưu tiên hỗ trợ chính sách cho các HTX; khảo sát nghiên cứu tìm cây đầu dòng có giá trị và xem xét phát triển du lịch về cây có múi.
 
Bài và ảnh: Tâm Minh - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu