Thứ năm, 05/11/2020,07:16 (GMT+7)
Bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp trước ảnh hưởng mưa, bão
Tình hình bão, lũ đang diễn biến phức tạp. Để đảm bảo an toàn diện tích sản xuất nông nghiệp, các huyện Lai Vung, Châu Thành, TP.Sa Đéc đã chủ động triển khai các phương án ứng phó.
Nhà vườn Lai Vung chủ động chuẩn bị hệ thống bơm tưới cho vườn cây ăn trái
 
Trong đợt triều cường vừa qua, vườn cam, quýt trên 4.000m2 của ông Nguyễn Văn Năm thuộc xã Long Hậu, huyện Lai Vung cùng một số vườn lân cận đã bị nước đe dọa. Ông đã kịp thời đặt máy bơm rút nước nên vườn cây đảm bảo an toàn. Song, lường trước được những ảnh hưởng của con nước 14-15 tháng 9 âm lịch kết hợp với mưa do ảnh hưởng của bão, ông Năm cùng các chủ vườn lân cận đã sẵn sàng tư thế chống lũ bảo vệ vườn. “Trong đợt nước vừa rồi, thấy tình hình triều cường tăng nhanh, tôi cũng có chuẩn bị đặt máy bơm, nếu không bơm vườn này cũng ảnh hưởng. Nghe trên đài thông báo bão, tôi cùng nhiều nhà vườn lân cận đã chuẩn bị những miếng cao su để nếu thấy nước lên là chụp hệ thống đập, đê bao lại”- ông Năm nói.
 
Đối với vườn cam trên 2.000m2 của ông Dương Tấn Thành ngụ ấp Tân Phú, xã Tân Phước thì con nước vừa qua đã được bảo vệ an toàn trong tiểu vùng do được chính quyền địa phương cho xuống đập dã chiến. Tuy vậy, ông Thành vẫn không chủ quan mà vẫn trong tâm thế sẵn sàng đối phó triều cường dâng cao.
 
Ông Thành chia sẻ: “Vùng này chuyên canh trồng cam, quýt lâu năm. Tuy nhiên, nhược điểm của các loại cây trồng này là không thể chống chọi lâu được với nước, chỉ cần ngập 1 ngày đêm là cây sẽ bị chết. Từ kinh nghiệm đó, hàng năm, mỗi khi nước lên là nhà vườn lại tập trung gia cố đê bao, chuẩn bị sẵn sàng máy móc bơm rút nước, không để nước tràn vào vườn”.
 
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, những ngày từ 19/10 - 22/10, do ảnh hưởng mưa, bão kết hợp triều cường nên mực nước trên địa bàn huyện dâng cao, xảy ra ngập cục bộ ở một số ô bao sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, vẫn không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân.
 
Ông Huỳnh Văn Tồn – Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung cho biết: “Để đảm bảo an toàn các diện tích sản xuất nông nghiệp, huyện chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai, kiểm tra theo dõi tình hình thời tiết. Đồng thời phân công thành viên Ban Chỉ huy ứng phó biến đổi khí hậu – Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện tiếp tục bám sát địa bàn được phân công để chủ động chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Cùng với đó, chủ động việc kiểm tra, rà soát các đê bao xung yếu, gia cố các đập dã chiến để ngăn triều cường”.
 
Trong đợt triều cường dâng cao vừa qua cũng gây ảnh hưởng ngập một số diện tích hoa, kiểng chuẩn bị Tết của nông dân tại TP.Sa Đéc. Ông Trần Thanh Khang - Giám đốc Hợp tác xã hoa, kiểng Tân Quy Đông, TP.Sa Đéc cho biết: “Đợt triều cường vừa qua cộng với các trận mưa do ảnh hưởng bão, nước dâng cao bất thường khiến các sản phẩm hoa, kiểng của nông dân phần nào bị ảnh hưởng ngập úng và thiệt hại. Do đó, chúng tôi phải chủ động việc cơi nới các kệ trồng sao cho đảm bảo chắc chắn để hoa, kiểng phát triển tốt, cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán 2021”.
 
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc - Trưởng Phòng Kinh tế TP.Sa Đéc, thời gian qua, triều cường dâng cao đã gây ảnh hưởng đến phần nhỏ diện tích sản xuất hoa, kiểng của nông dân. Vì vậy, để hạn chế đến mức thấp nhất trong sản xuất cho nông dân, địa phương đã chỉ đạo các ngành, xã, phường tuyên truyền cho dân chủ động gia cố lại các giàn trồng hoa, kiểng. Đồng thời cử cán bộ chuyên môn đến từng khu vực canh tác hoa, kiểng để hỗ trợ về kỹ thuật và đưa ra khuyến cáo cho nông dân. Ngoài ra, tại các xã, phường cũng phân công lực lượng trực 24/24 để ứng phó kịp thời các tình huống bất lợi do thời tiết gây ra.
 
Tại khu vực vùng cồn An Hòa, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, nông dân đã chủ động xây dựng những chiếc đập giả được thiết kế từ cây, gỗ, lưới B40 được che chắn bằng những tấm bạt được dựng lên tại đầu những con rạch nhằm hạn chế lượng nước tràn vào các khu tiểu vùng của ô bao bảo vệ cho gần 600ha vườn chuyên canh nhãn trong mùa mưa lũ này. Theo bà Trương Thị Kim Ngân - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, toàn huyện có hệ thống đê bao kết hợp đầu tư làm đường giao thông trên địa bàn huyện đạt 90% chiều dài. Song, trước những thay đổi bất thường của thời tiết, huyện sẽ thực hiện các biện pháp kiểm tra, gia cố các đoạn đê bao xung yếu, vận động người dân tích cực tham gia. Đồng thời vận động các xã, thị trấn phân công cán bộ túc trực 24/24 giờ trên tinh thần sẵn sàng ứng phó những diễn biến phức tạp của thời tiết”.
 
Ông Khương Lê Bình - Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp dự báo, trong tuần đầu tháng 11, không khí lạnh ở phía Bắc hoạt động mạnh dần, nén dải hội tụ nhiệt đới về phía Nam. Khả năng có cơn bão số 10 đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Trung bộ trở vào. Do đó, khu vực tỉnh Đồng Tháp chịu ảnh hưởng chủ yếu của dải hội tụ nhiệt đới có trục ngang qua khu vực, hoạt động không mạnh, kết hợp của rìa phía Tây Nam hoàn lưu bão số 10. Trong tuần, thời tiết tỉnh Đồng Tháp có xu hướng giảm mưa. Ngoài ra, về tình hình thủy văn, mực nước tại khu vực đầu nguồn và Tháp Mười biến đổi chậm trong khoảng nửa đầu tuần, sau đó xuống dần, mực nước khu vực phía Nam đạt đỉnh triều trong vài ngày đầu tuần, sau đó xuống dần đến cuối tuần. Nhìn chung mực nước tại các nơi trong tỉnh ở mức cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng từ 0,5 - 1,0m.
 
Khánh Phan - (baodongthap.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu