Thứ tư, 14/08/2019,07:46 (GMT+7)
Bảo vệ nguồn lợi thủy sản vì sự phát triển bền vững
Phát triển kinh tế biển được chọn là một trong những trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế biển trong những năm qua chưa mang tính bền vững. Số phương tiện khai thác tuy nhiều nhưng phần lớn là tàu có công suất nhỏ. Kéo theo đó, tình trạng khai thác nguồn lợi thủy sản ven bờ vẫn diễn ra làm cạn kiệt nguồn lợi, phá vỡ hệ sinh thái và nơi trú ngụ, sinh sản của nhiều loài thủy hải sản. Thiết nghĩ, cần phải có giải pháp căn cơ để bảo vệ và tái tạo nguồn thủy sản ven bờ.

Bài 1: Ngư trường cạn kiệt

Biển giờ đây đã không còn “hào phóng” như trước và cũng không còn là “biển bạc” như mọi người vẫn hay nói đất nước “rừng vàng, biển bạc”. Hoạt động nghề biển ngày một khó khăn, nguồn lợi mà biển ban tặng cũng ngày càng cạn kiệt.

Nhiều phương tiện hành nghề lồng bẫy (lú bát quái) neo đậu tại cửa biển Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) chờ ra khơi hành nghề. Ảnh: C.L

KHÓ KHĂN NGHỀ BIỂN

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 1.147 phương tiện đăng ký, đăng kiểm (tổng công suất là 216.354 CV; trong đó, tàu có công suất 90 CV trở lên là 572 chiếc. Trong 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng khai thác, đánh bắt thủy hải sản thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 gần 2.000 tấn. Nguyên nhân là do một số mô hình khai thác không hiệu quả. Bên cạnh đó, từ tháng 4/2019 cho đến nay, giá nhiên liệu tăng, nhưng giá thu mua của một số mặt hàng thủy sản giảm đáng kể, từ đó gây nhiều khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản.

Ngư dân Nguyễn Văn Hưng (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) chia sẻ: “Nghề biển bây giờ không còn “thuận buồm, xuôi gió” như trước nữa. Mỗi chuyến ra khơi, ngư dân chúng tôi không khỏi lo lắng khi sản lượng thủy sản khai thác, đánh bắt cứ giảm dần. Còn lên bờ kiếm kế sinh nhai cũng không dễ, bởi chúng tôi bao đời đã quen với nghề biển”.

Không chỉ giảm về trữ lượng, các loại hải sản đánh bắt được trên biển còn thay đổi về chủng loại. Một số loài cá có giá trị kinh tế cao và được đánh bắt nhiều trước đây (như: cá sửu, cá ngộ, cá thiều) giờ không còn nhiều, thậm chí là cạn kiệt. Lượng hải sản chưa trưởng thành nhưng đã bị khai thác khá lớn (cá tạp, cá phân…) chiếm khoảng 30 - 40%. Bên cạnh đó, theo đánh giá của cơ quan chức năng, sản lượng hải sản khai thác mấy năm gần đây đã gần đạt đến ngưỡng cho phép. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ngư dân của tỉnh đánh bắt thủy sản xâm phạm vùng biển nước ngoài tăng lên trong những năm qua.

Ngư dân Lê Văn Hiệp (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) bày tỏ: “Ngư trường đánh bắt ngày càng bị thu hẹp vì lượng tàu đánh bắt trên biển ngày càng tăng. Cho tàu nằm bờ thì không nỡ, mà ra khơi thì tốn chi phí cả trăm triệu đồng, nhưng cũng có chuyến trắng tay, thua lỗ. Bởi vậy giờ nhiều chủ ghe ngao ngán nghề biển lắm!”.

KHAI THÁC “TẬN DIỆT”

Trong khi các chủ ghe tàu có công suất lớn đánh bắt thủy hải sản ngoài khơi xa gặp khó khăn, thì những ngư dân đánh bắt ven bờ theo kiểu… tận diệt vẫn “sống khỏe”. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, thông qua các đợt kiểm tra, kiểm soát tại các cửa biển và vùng ven biển, từ đầu năm đến nay đã phát hiện 652 phương tiện vi phạm về lĩnh vực khai thác thủy hải sản gần bờ.

Một trong những hình thức khai thác phổ biến là nghề lồng bẫy (còn được ngư dân gọi là “lú bát quái”). Lồng bẫy có chiều dài bình quân khoảng 6 - 10m, được thiết kế theo khung hình hộp liên kết với nhau, kích thước mắt lưới từ 6 - 10mm. Với thiết kế liên hoàn và có nhiều cửa hom nên các loại thủy hải sản chỉ có thể chui vào mà không thể thoát ra; cũng như do kích thước mắt lưới nhỏ nên lồng bẫy có thể bắt cá lớn lẫn cá bé.

Một cách khai thác theo kiểu “tận diệt” khác cũng khá phổ biến là đẩy te. Phương tiện hành nghề gồm một chiếc xuồng máy có công suất lớn, phía trước có gắn một cặp gọng (thường được làm bằng kim loại) dài hơn 10m, đầu gọng tiếp giáp với đáy biển được bọc nhựa để có thể lướt qua các vật cản và được kết nối với hệ thống lưới mành. Mỗi khi người điều khiển phương tiện cho xuồng chạy về phía trước thì mành lưới kết hợp với cặp gọng tạo thành chiếc túi lớn hút mọi sinh vật trên đường di chuyển của nó vào trong. Cách khai thác này làm tổn hại trực tiếp đến tầng đáy biển và môi trường sống của nhiều loài thủy hải sản.

Khu vực biển Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) và đầu kênh 30/4 (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) là nơi tập trung nhiều nhất các phương tiện khai thác thủy sản theo dạng này. Trong đó, trên 50% là ghe cào nhỏ từ các tỉnh khác vào khai thác. Một ngư dân tên Nhiều (quê Kiên Giang) sang hành nghề đẩy te ở cửa kênh 30/4 nói: “Tỉnh Kiên Giang đã cấm hành nghề đẩy te mấy năm rồi. Bây giờ mỗi khi vào vụ mùa tôi thường đưa phương tiện qua đây hành nghề, hết vụ lại về bên đó làm nghề khác. Mấy hôm nay biển động quá không ai dám ra khơi, nên tôi đành phải nằm đợi”.

Luật Thủy sản 2017 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019) đã quy định nhiều nhóm biện pháp nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững trên vùng biển nước ta. Cụ thể là nâng mức phạt trong việc vi phạm trong đánh bắt hải sản cao nhất có thể lên đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Đặc biệt, sự thay đổi lớn nhất là việc quản lý và bảo tồn nguồn lợi thủy sản được chia sẻ cho cả người dân bằng các mô hình cộng đồng khai thác thủy hải sản. Người dân tham gia sẽ được hỗ trợ từ nguồn Quỹ Bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

 Ông Trần Xí Khuôl, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết: “Ngoài các biện pháp tuyên truyền và hỗ trợ để ngư dân chuyển đổi hình thức đánh bắt, tỉnh đã tập trung vào công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ. Việc quy định đánh bắt theo mùa đối với từng loại hải sản cũng đã được triển khai thực hiện để tránh mùa di cư sinh sản của chúng”.

CHÍ LINH - (baobaclieu.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu