Tổ hợp tác sản xuất bưởi da xanh Phú Thành, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện sản xuất theo chuỗi của tỉnh Bến Tre. Đến nay, Tổ hợp tác đã có hơn 100 nhà vườn tham gia với hơn 50 ha bưởi da xanh. Trong 3 năm qua, tỉnh Bến Tre đã thành lập 41 tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất bưởi da xanh theo chuỗi giá trị, với quy mô 350 ha và 18 liên kết tiêu thụ với 2 doanh nghiệp.
Ông Trịnh Ngọc Trung, nông dân sản xuất 1 ha bưởi da xanh theo chuỗi, đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Quới Sơn cho biết, từ khi tham gia Tổ hợp tác sản xuất bưởi da xanh đầu ra rất thuận lợi, nhất là mặt hàng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Tỉnh Bến Tre bạt ngàn vườn dừa thương phẩm
“Các thành viên sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trái năng suất rất cao, ổn định, đủ sức đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Đầu vào chúng tôi liên kết, ký hợp đồng với các doanh nghiệp có uy tín trên thị trường để cung cấp, cung ứng phân bón đầu vào ổn định cho nông dân với giá gốc. Về đầu ra, chúng tôi ký hợp đồng với doanh nghiệp Hương Miền Tây.
Chúng tôi ký hợp đồng với doanh nghiệp này là 450 tấn/năm”, ông Trịnh Ngọc Trung nói.
Sầu riêng - 1 trong 5 loại trái cây đặc sản của tỉnh Bến Tre
Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy Bến Tre, địa phương này đã hình thành đủ 8 chuỗi sản phẩm chủ lực gồm: dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, heo, bò và tôm biển. Ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng tập trung nâng cao giá trị sản phẩm qua hỗ trợ sản xuất, cấp chứng nhận áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 9.000 ha cây ăn trái, cây dừa và ao nuôi tôm biển được công nhận tiêu chuẩn GAP và hữu cơ; trong đó, dừa gần 8.700 ha, chôm chôm trên 113 ha, bưởi da xanh 278 ha, nhãn 10 ha, tôm biển 15 ha.
Dừa khô xuất bán
Đến nay, Bến Tre đã hình thành các tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi với 52 tổ hợp tác, 18 hợp tác xã. Cá biệt vườn dừa có quy mô liên kết hơn 11.800 ha, chiếm hơn 16% tổng diện tích dừa. Các doanh nghiệp gắn kết tiêu thụ với nông dân thu mua trực tiếp dừa trái từ các Tổ hợp tác, Hợp tác xã và xây dựng điểm sơ chế tại cơ sở, hay các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đơn vị đại diện của nhà vườn với mức giá sản đảm bảo thu mua ổn định tối thiểu 50.000 đồng/chục quả. Theo các doanh nghiệp, đây là hướng tất yếu.
“Ngành trái cây này cũng nhờ nhà nông làm cực khổ, chăm bón thì người thu mua mới mua bán được, nhưng càng ngày chất lượng đòi hỏi càng cao. Thành ra, sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn cao thì mình mới xuất khẩu được. Hàng xuất khẩu thì có giá hơn hàng nội địa nhưng yêu cầu phải đạt tiêu chuẩn hàng sạch”, bà Nguyễn Huỳnh Mai, chủ cơ sở kinh doanh trái cây xuất khẩu Huỳnh Mai tại xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre chia sẻ.
Vườn chôm chôm huyện Chợ Lách
Tại huyện Chợ Lách có 4 hợp tác xã hoa kiểng với 54 ha liên kết với các đại lý, cửa hàng trưng bày giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên Hợp tác xã tại các tỉnh như: Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Gia Lai… nhờ vậy, mà đầu ra ổn định, tránh trường hợp dội hàng, sụt giá.
Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, sản xuất nông - thủy sản theo chuỗi giá trị vừa bảo đảm vùng nguyên liệu, vừa đảm bảo tính đồng nhất trong sản xuất: “Liên kết thành chuỗi tức là mình hình thành những liên kết tập thể nông dân, hình thành với các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, hoặc là các nhóm trong nông dân trong những khu vực đó để mình liên kết với doanh nghiệp. Để xuất qua các thị trường khó tính thì các yếu tố thực hành nông nghiệp tốt được chú trọng. Tùy theo thị trường yêu cầu hàng hữu cơ, hoặc là hàng GAP mà giữa doanh nghiệp và người nông dân sẽ gắn kết với nhau để sản xuất hàng hóa theo hướng đó”.
Bưởi da xanh VietGAP
Bến Tre là một trong số địa phương có ngành nông nghiệp - thủy sản phát triển mạnh, toàn diện của khu vực ĐBSCL, với khoảng 40.000 ha cây ăn trái đặc sản, trên 70.000 ha vườn dừa, gần 50.000 ha nuôi trồng thủy sản; trên 500.000 con lợn, 6 triệu con gia cầm, đàn bò hơn 250.000 con… Do đó, chủ trương sản xuất nông - thủy sản theo chuỗi giá trị thông qua Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy Bến Tre là hướng đi đúng đắn, phù hợp với tình hình hiện nay để sản xuất hàng hóa đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu./.