“Chỉ hai ngày sau ghép phổi, bệnh nhân đã rời khỏi giường và tập phục hồi chức năng. Ngày thứ 3, bệnh nhân đã tập đi lại. Đó là một kỷ lục hồi phục sau ghép phổi”, PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương khẳng định.
TS, BS Đinh Văn Lượng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương chúc mừng bệnh nhân xuất viện sáng 10-11.
Sự hồi phục kỳ tích
Lần đầu tiên, Bệnh viện (BV) Phổi Trung ương đã phối hợp với BV Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho chết não cho một người đàn ông bị xơ phổi giai đoạn cuối vào tháng 9 vừa qua.
Từ một ca chết não tại BV Phổi Trung ương, sau khi thuyết phục được gia đình đồng ý hiến tạng, bệnh nhân được hồi sức vận chuyển sang BV Trung ương Quân đội 108 để tiến hành hiến ghép đa tạng, trong đó có một ca ghép phổi cho một bệnh nhân nằm trong danh sách chờ ghép của BV Phổi Trung ương
Lúc này, ông Nguyễn Xuân T (Thanh Hóa) là người phù hợp nhất để nhận hai lá phổi từ người hiến. Trước đó, bệnh nhân T. có bệnh lý xơ phổi rất nặng. Tình trạng xơ phổi khiến bệnh nhân không thể đi lại bình thường, không thể leo cầu thang. Nếu không được ghép phổi, bệnh nhân chỉ có thể sống 2-3 tháng.
Nằm trong danh sách hơn 20 người đang chờ ghép phổi, bệnh nhân T. đã được chăm sóc rất tốt trước phẫu thuật để phục hồi thể trạng các tạng khác, chuẩn bị cho một chiến trường kỳ dài hơn 10 giờ trên bàn mổ.
Bệnh viện Phổi TƯ chuẩn bị một kíp phẫu thuật viên, gây mê cùng phối hợp với các bác sĩ BV Trung ương Quân đội 108 thực hiện ca ghép phổi. Kíp phẫu thuật này đã được học tập tại trung tâm ghép tim phổi lớn nhất thế giới là Trung tâm ghép tim phổi Trường Đại học California, San Francisco. Suốt quá trình mổ, một kỹ thuật viên tại Trung tâm này cũng đã hỗ trợ từ xa cho ê-kíp.
TS, BS Đinh Văn Lượng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đánh giá, ca ghép thành công đúng theo tiêu chuẩn quốc tế. Toàn bộ quy trình chuẩn bị từ người chết não cho tạng và người chờ ghép phổi đều được đánh giá, chẩn đoán, điều trị chặt chẽ theo tiêu chuẩn của Trung tâm ghép tim phổi Trường Đại học California, San Francisco.
Ca mổ kéo dài hơn 10 giờ đồng hồ thành công. Hai lá phổi hoạt động tốt trong cơ thể ông T. Bệnh nhân được chuyển về BV Phổi Trung ương để hồi sức sau mổ.
TS, BS Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, các y, bác sĩ tại đây chăm sóc hết sức tỉ mỉ để bệnh nhân hạn chế biến chứng sau ghép như chảy máu, nhiễm trùng, suy thận, suy các tạng. Đồng thời, làm sao đạt được nồng độ thuốc chống thải ghép trong máu cao nhất để không khởi phát quá trình thải ghép, hạn chế biến chứng do sử dụng nhiều loại thuốc. Sau khi ghép thành công, bệnh nhân phải nỗ lực phục hồi chức năng để bảo đảm phổi nở nhiều nhất, đem lại chức năng phổi tốt nhất cho người bệnh.
Tuy nhiên, chỉ hai tuần sau ghép, bệnh nhân rơi vào tình trạng khá suy sụp vì gặp biến chứng do tác dụng phụ của thuốc nên bị rung nhĩ, suy tim, run người, mệt mỏi. “Sau mổ hai này, bệnh nhân được rút ống thở máy, nỗ lực vận động và cảm giác đích bình phục đến rất gần. Nhưng khi bị suy tim, mệt mỏi, bệnh nhân có cảm giác như bị rơi hẫng từ trên cao xuống, có chút cảm giác thất vọng. Tuy nhiên, bệnh nhân đã rất cố gắng, chủ động trao đổi với chúng tôi để tìm cách cải thiện các triệu chứng”, BS Ngọc cho biết.
Chính nhờ quá trình chuẩn bị sức khỏe rất tốt trước mổ và nỗ lực vượt lên những biến chứng sau ghép, bệnh nhân T. đã hồi phục rất tốt.
Sáng nay, bệnh nhân T. đã được xuất viện trong niềm vui trọn vẹn của gia đình. Ông đã bình phục gần như hoàn toàn. Sức khỏe tốt hơn trước, hơi thở tốt hơn. “Đây là một tấm gương cho các bệnh nhân đang chờ ghép phổi khác. Bệnh nhân tuy hỏng phổi nhưng các chức năng khác rất tốt. Do đó, những ai đang chờ ghép phổi cần phải chuẩn bị thể trạng tốt để phục hồi nhanh khi được ghép”, BS Ngọc nói thêm.
Mở ra cơ hội mới cho người bệnh phổi
PGS, TS Nguyễn Viết Nhung cho biết, kết quả thành công này là sự hợp tác chặt chẽ giữa BV Trung ương Quân đội 108 với BV Phổi Trung ương cả về kỹ thuật và điều hành.
Tại buổi lễ ra viện sáng nay, bệnh nhân T. xúc động chia sẻ: “Lúc đăng ký xin ghép phổi, tôi cứ nghĩ đăng ký vậy thôi, không thể ngờ có ngày hôm nay được ghép hai lá phổi khỏe mạnh. Tôi xin cảm ơn Ban Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã mang lại cuộc sống mới cho tôi”.
Để chuẩn bị đưa ghép phổi vào thường quy tại bệnh viện, những năm qua, BV Phổi Trung ương đã cử một kíp đi học tập tại Trung tâm ghép tim phổi
Trường Đại học California, San Francisco.
Đây là Trung tâm hàng đầu tại Mỹ về ghép phổi với tỷ lệ sống một năm sau mổ lên tới 96% (trung bình là 84%), Bệnh viện Phổi Trung ương cũng đã triển khai quy trình ghép phổi theo đúng mô hình của Trung tâm này từ chuẩn bị người được ghép, trang thiết bị, kỹ thuật, nhân lực ghép phổi.
GS Nhung nhấn mạnh: “Chúng tôi đã thành công 60% trong quy trình ghép phổi. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, tiềm năng lớn trong lĩnh vực này cả trong nước và trên thế giới. Đó chính là cơ sở, nền tảng để giúp chúng tôi xây dựng chương trình ghép phổi không đơn thuần là thực hiện kỹ thuật một ca ghép mà cả một quy trình từ trường hợp nào cần chỉ định, chăm sóc trong lúc chờ ghép, thực hiện phục hồi chức năng và tinh thần để kéo dài sự sống có ích cho người bệnh”.
Hằng năm, tại BV Phổi Trung ương có 20-30 bệnh nhân có chỉ định ghép phổi, nếu không sẽ tử vong chỉ sau 2-3 tháng. Từ ca ghép phổi thành công này, bệnh viện sẽ chuẩn hóa các quy trình điều trị bệnh về phổi đạt tiêu chuẩn quốc tế cao nhất. Từ đó, các bệnh nhân có bệnh lý về phổi được thừa hưởng thành tựu về quy trình kỹ thuật.