Chủ nhật, 03/11/2019,19:31 (GMT+7)
Biết cách làm, nghệ thuật hát bội sẽ được khán giả trẻ say mê
Chương trình "Hát bội - Xưa và nay" diễn ra sáng nay 3-11 tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM đã thu hút nhiều khán giả trẻ
Nằm trong kế hoạch đưa sân khấu đến học đường do Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM cùng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM tổ chức, chuyên đề "Hát bội - Xưa và nay" đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt.

Biết cách làm, nghệ thuật hát bội sẽ được khán giả trẻ say mê  - Ảnh 1.

Chương trình "Hát bội - Xưa và nay" tạo ấn tượng mạnh với khán giả trẻ

Khán giả là sinh viên, học sinh đã có cơ hội hiểu sâu hơn về loại hình sân khấu truyền thống độc đáo của Việt Nam - phía Bắc gọi là tuồng, phía Nam gọi là hát bội. NSƯT Hữu Danh - người học trò đáng tin cậy, tiếp nối con đường của "Vua hát bội" NSND Đinh Bằng Phi - đã chinh phục khán giả trẻ.

Biết cách làm, nghệ thuật hát bội sẽ được khán giả trẻ say mê  - Ảnh 2.

Đông đảo sinh viên bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với nghệ sĩ hát bội

Qua từng cách dẫn giải, NSƯT Hữu Danh đã thị phạm những động tác cơ bản về võ thuật, vũ đạo, nghệ thuật hóa trang và dàn nhạc cổ ứng dụng trong hát bội, đưa khán giả trẻ đi từ bất ngờ này đến thú vị khác.

Biết cách làm, nghệ thuật hát bội sẽ được khán giả trẻ say mê  - Ảnh 3.

Cảnh trong vở "Lê Công kỳ án" của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM

Các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM đã biểu diễn các trích đoạn: "Tạ Ôn Đình chém Khương Linh Tá", "Lê Công kỳ án"… trong sự thán phục của khán giả sinh viên. 

Biết cách làm, nghệ thuật hát bội sẽ được khán giả trẻ say mê  - Ảnh 4.

NSƯT Hữu Danh giới thiệu về nghệ thuật hóa trang, phục trang và tính cách các nhân vật trên sân khấu thông qua vở "San Hậu"

Đạo diễn Lê Diễn, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM, cho biết: "Đây là một chương trình ý nghĩa mà qua đó, nghệ sĩ của bộ môn này đã tìm được cách đưa hát bội đến với công chúng trẻ. Vì có hiểu biết, có suy nghĩ và tìm hiểu, các em sẽ có tình yêu dành cho hát bội".

Theo kế hoạch, nhà hát sẽ diễn 140 suất/ năm, giới thiệu đến khán giả những vở ca ngợi các tấm gương giữ nước và dựng nước trong lịch sử dân tộc; những trích đoạn hay của nghệ thuật hát bội...

Khó khăn hiện nay của nhà hát vẫn là khâu đào tạo nguồn nhân lực vì rất hiếm người theo nghề diễn viên hát bội. "Tuy nhiên, qua những chương trình giao lưu sân khấu học đường và qua 140 suất diễn theo chỉ tiêu của nhà hát ở nhiều địa phương, chúng tôi kỳ vọng sẽ phát hiện nhiều bạn trẻ đam mê mà theo nghề diễn viên, góp phần bảo lưu giá trị nghệ thuật ông cha đã để lại" – NSƯT Hữu Danh tâm sự.

Biết cách làm, nghệ thuật hát bội sẽ được khán giả trẻ say mê  - Ảnh 5.

Tiến sĩ Lê Hồng Phước và NSƯT Hữu Danh trong chương trình "Hát bội - Xưa và nay"

Theo tiến sĩ Lê Hồng Phước, chuyên gia nghiên cứu và bình luận cải lương, nếu biết cách làm, chọn lọc cách thể hiện, tinh giản những câu hát quá rối rắm, những điển tích, điển cố dùng quá nhiều Hán văn, các bạn trẻ sẽ hiểu để tìm đến với hát bội. 

Biết cách làm, nghệ thuật hát bội sẽ được khán giả trẻ say mê  - Ảnh 6.

Cảnh trong trích đoạn "Tạ Ôn Đình chém Khương Linh Tá"

Thanh Hiệp - (nld.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

 

Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu