Thứ sáu, 01/11/2019,11:34 (GMT+7)
Bình ổn thị trường gắn với cuộc vận động ưu tiên dùng hàng Việt
Đầu năm đến nay, lượng hàng hóa lưu thông và buôn bán tại thị trường TP Cần Thơ tiếp tục dồi dào, phong phú về chủng loại, đảm bảo nhu cầu mua sắm và tiêu dùng của người dân. Công tác bình ổn, kiểm tra và kiểm soát thị trường được các ngành chức năng thành phố và địa phương quan tâm tăng cường gắn với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả người tiêu dùng và nền sản xuất trong nước.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ tích cực tham gia bán hàng bình ổn.

Ý nghĩa thiết thực

Thời gian qua, công tác bình ổn thị trường không chỉ được ngành chức năng thành phố tăng cường mà còn  phối hợp thực hiện chặt chẽ tại các địa phương và sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp chủ động chuẩn bị nguồn hàng và tích cực tham gia bán hàng bình ổn giá nên không xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá gây bất ổn thị trường. Đặc biệt, các lực lượng chức năng đã theo dõi sát thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp gian lận thương mại, buôn bán hàng lậu, hàng giả và kém chất lượng, tạo an tâm cho người tiêu dùng, cũng như hỗ trợ những người làm ăn chân chính phát triển sản xuất kinh doanh. Các ngành chức năng thành phố và địa phương đã quan tâm làm tốt công tác quản lý thị trường gắn với đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thông qua việc tăng cường thông tin tuyên truyền, kết nối cung cầu, quảng bá các sản phẩm hàng Việt Nam. Tổ chức nhiều đợt đưa hàng Việt về nông thôn và các khu công nghiệp, dân cư và các chương trình khuyến mãi… nhằm tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng, với giá cả phù hợp, xuất xứ rõ ràng.

Bà Nguyễn Thị Huệ, ngụ xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai,  cho biết: "Bây giờ hàng hóa bày bán trên thị trường rất dồi dào, phong phú về chủng loại, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua được loại hàng hóa mình cần tại các chợ, cửa hàng trên địa bàn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất cần có các phiên chợ hàng Việt về nông thôn và các chương trình doanh nghiệp đưa hàng Việt về bán khuyến mãi để bà con ở nông thôn có dịp trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với các nhà xuất để có thể cập nhật thông tin đầy đủ về các sản phẩm hàng Việt. Từ đó, an tâm tin tưởng về chất lượng và giá bán phù hợp mà tin tưởng sử dụng lâu dài". Bà Nguyễn Thị Lan, ngụ phường An Hòa, quận Ninh Kiều, cho biết: "Thời gian qua, thành phố thường xuyên có các chương trình khuyến mãi, Tự hào hàng Việt, bán các sản phẩm hàng Việt với giá ưu đãi giảm giá… tôi rất vui, vừa thiết thực, vừa giảm được tiền mua hàng, mua được sản phẩm đảm bảo chất lượng...".

Hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị phát động và thực hiện chỉ đạo của UBND TP Cần Thơ, từ năm 2016, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hội chợ triển lãm Cần Thơ tổ chức Chương trình "Tuần khuyến mại" Cần Thơ. Vào năm đầu tiên, có 50 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình, với tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ thực hiện khuyến mại hơn 23 tỉ đồng. Doanh nghiệp tham gia bán các loại hàng như: hàng tiêu dùng, may mặc, thực phẩm chế biến, ô tô, điện máy, điện lạnh, nhà hàng khách sạn, dịch vụ du lịch... và thực hiện các hình thức khuyến mãi tặng quà, rút thăm trúng thưởng, giảm giá từ 10-50%. Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, vừa rồi Chương trình "Tuần khuyến mại" Cần Thơ tiếp tục được thực hiện vào đầu tháng 9-2019 và nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng. Chương trình năm 2019 có 321 doanh nghiệp đăng ký tham gia, tăng 71 doanh nghiệp, tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ khuyến mãi hơn 724,5 tỉ đồng, tăng 64,048 tỉ đồng, so với năm 2018.

Tiếp tục phát huy

 Đầu năm đến nay, Sở Công thương cũng tiếp tục phối hợp Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hội chợ triển lãm Cần Thơ và các đơn vị liên quan tổ chức 4 phiên chợ hàng Việt về nông thôn và khu công nghiệp tại các quận, huyện như: Bình Thủy, Ô Môn, Cái Răng và Thới Lai. Ngoài ra, các quận, huyện còn phối hợp các doanh nghiệp tổ chức nhiều hội chợ thương mại và phiên chợ hàng Việt. Sở Công Thương cũng phối hợp các bên liên quan tổ chức hội thảo "Tăng cường tính kết nối nhằm cải thiện chuỗi giá trị hàng hóa nông sản và thủy sản của ĐBSCL" tại Cần Thơ và nhiều hội nghị, hội thảo khác nhằm xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm trái cây, rau màu, nông sản, thủy sản của thành phố. Theo ông Huỳnh Trung Trứ, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, năm nay nguồn cung thịt heo có thể bị ảnh hưởng do bệnh dịch tả heo châu Phi nên các địa phương có phần băn khoăn. Để bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2020, Sở Công Thương thành phố đã  kịp thời tham mưu UBND TP Cần Thơ ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường và đang phối hợp chặt với các địa phương để thực hiện tốt Chương trình.

Theo Kế hoạch Thực hiện Chương trình bình ổn thị trường năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán 2020 (Kế hoạch Số 150/KH-UBND được UBND TP Cần Thơ ban hành ngày 11-10-2019), thành phố xác định đây là chương trình nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, góp phần thực hiện an sinh xã hội, đồng thời gắn với thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Thành phố đặt ra yêu hàng hóa phục vụ trong Chương trình là sản phẩm sản xuất trong nước đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, giá cả phù hợp, có nguồn cung dồi dào tham gia cân đối cung - cầu và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân thành phố, kể cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường. Giá bán các mặt hàng trong Chương trình bình ổn phải đảm bảo luôn thấp hơn giá bán các mặt hàng cùng chủng loại, chất lượng và cùng thời điểm trên thị trường ít nhất là 5%. Thời gian thực hiện Chương trình được chia làm 2 giai đoạn, gồm giai đoạn 1, từ ngày 1-11-2019 đến ngày 31-12-2019 chuẩn bị hàng hóa cho Tết Dương lịch; giai đoạn 2, từ 1-1-2020 đến 31-3-2020 chuẩn bị hàng hóa cho Tết Nguyên đán. Khối lượng hàng hóa tham gia bình ổn dự kiến tăng khoảng 20% so với những tháng còn lại trong năm và tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng tham gia bình ổn là nhóm mặt hàng thiết yếu gồm lương thực (gạo thường, gạo thơm sản xuất trong nước), thực phẩm (thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thủy sản, dầu ăn, đường, thực phẩm chế biến, rau củ quả). Trong đó, lượng thịt heo được chuẩn bị trong giai đoạn 1 dự kiến ở mức 128 tấn/tháng, giai đoạn 2 ở mức 153 tấn/tháng.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu