Thứ sáu, 19/08/2022,08:16 (GMT+7)
Bịt kẽ hở để chống tham nhũng
Nhấn mạnh tại phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (gọi tắt: Ban Chỉ đạo), tổ chức sáng 17-8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế để "không thể tham nhũng".
 
Còn nhớ khi chỉ đạo họp phiên thứ 21 của Ban Chỉ đạo vào ngày 20-1 để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động năm 2021 và cho ý kiến về chương trình công tác năm 2022, Tổng Bí thư cũng yêu cầu một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo trong năm 2022 là phải yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan chức năng không được chủ quan, thỏa mãn, bằng lòng với những kết quả đạt được; phải kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
 
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, tổ chức ngày 30-6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược", được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận nhưng không vì thế mà chủ quan, nóng vội, thỏa mãn, không được né tránh, cầm chừng...
 
Và lần này, mục tiêu "kiên quyết, kiên trì" đã được nâng lên một bước mới với việc tập trung hoàn thiện thể chế để "không thể tham nhũng".
 
Tổng Bí thư nói hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập, bảo đảm thực chất, hiệu quả; rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, tài sản công...
 
Cùng với đó là phải sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, Luật Đất đai, Luật Thực hành dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các dự án luật liên quan trực tiếp đến phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
 
Như vậy là sau 10 năm quyết liệt tuyên chiến với tham nhũng và tiêu cực, dù đã thu được rất nhiều thắng lợi nhưng nay vẫn phải xác định là tiếp tục với một quyết tâm cao hơn, trong đó có việc phải đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế.
 
Lâu nay, nhiều người vẫn nói chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt thế mà sao vẫn còn nhiều. Đúng là có việc này bởi phát hiện tới đâu thì chúng ta đã xử lý nghiêm minh đến đó nhưng để ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực ngay từ mầm mống thì đúng là rất cần soát xét lại về thể chế.
 
Thể chế là do chúng ta tạo ra và theo từng thời điểm lịch sử sẽ có những điều luật, những quy định đã lỗi thời hoặc không còn phù hợp với thực tiễn. Chính đây là một trong những kẽ hở để những kẻ tha hóa, biến chất lợi dụng vào đó mà trục lợi, tham nhũng, tiêu cực.
 
Điều luật nào, quy định nào lỗi thời hoặc không còn phù hợp với thực tiễn thì chúng ta sửa đổi. Quan trọng là ở chỗ chúng ta nhìn ra được những kẽ hở đó và quyết tâm để sửa đổi, để chính thể chế sẽ tạo ra rào cản, góp phần ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực từ trứng nước.
 
Nói thế để thấy "ý Đảng, lòng dân" đang cùng hướng về một mục tiêu trong "cuộc chiến" cam go này. 
 
LƯƠNG DUY CƯỜNG (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu