Thứ năm, 14/11/2019,08:39 (GMT+7)
Bộ Công Thương: Quyết tâm ổn định cung cầu nông sản thực phẩm Tết
Bộ Công Thương đang phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hàng loạt giải pháp nhằm góp phần đảm bảo ổn định cung cầu hàng hóa, đặc biệt là nông sản thực phẩm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
 
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, chiều ngày 11/11/2019, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải dẫn đầu đã có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác bảo đảm hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2019, cung cầu các hàng hóa thiết yếu nói chung và các mặt hàng lương thực thực phẩm nói riêng nhìn chung cơ bản bảo đảm, không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến, bất ổn thị trường. Giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm mặc dù có thời điểm xuống thấp nhưng đã dần ổn định và có lợi cho người sản xuất. Giá thóc, lúa giảm mạnh trong quý I nhưng đã dần ổn định trong quý II và Quý III, nguồn cung trong nước dồi dào.
bo cong thuong quyet tam on dinh cung cau nong san thuc pham tet
Sẽ xem xét khả năng nhập khẩu thịt lợn chính ngạch từ nguồn an toàn với giá cả hợp lý trong trường hợp cần thiết
Đối với mặt hàng thịt lợn, do bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện và bùng phát trên phạm vi toàn quốc, số lượng lợn mắc bệnh và phải tiêu hủy lớn đã gây ảnh hưởng đến nguồn cung của sản phẩm chăn nuôi trong nước. Giá mặt hàng thịt lợn có thời gian đã xuống sâu do lo ngại về chất lượng sản phẩm và dịch bệnh (tháng 3, 4, 5) nhưng sau đó, từ cuối tháng 6 đã tăng dần và hiện ở mức rất cao do nguồn cung giảm mạnh.
 
Để bảo đảm cân đối cung cầu, thị trường thực phẩm nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng trong những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán, ngay từ những tháng đầu năm, Bộ Công Thương đã triển khai một số nội dung.
Cụ thể, có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ tại các Báo cáo tháng 6, tháng 8, tháng 9 và tháng 10 của Tổ Điều hành Thị trường trong nước về một số biện pháp nhằm bình ổn thị trường hàng hóa.
 
Trong đó đề nghị: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở ngành trên địa bàn phối hợp triển khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là thịt lợn, các địa phương có biên giới kiểm soát chặt chẽ việc mua bán thịt lợn qua biên giới, không để ảnh hưởng đến nguồn cung và giá thịt lợn trong nước, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát hoạt động chăn nuôi, đánh giá chính xác năng lực tái đàn để cung ứng cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; phối hợp chặt chẽ và kịp thời với Bộ Công Thương trong việc bảo đảm nguồn cung thịt lợn nói riêng và thực phẩm nói chung cho thị trường, phục vụ công tác bình ổn thị trường.
bo cong thuong quyet tam on dinh cung cau nong san thuc pham tet

Ngay sau đó, tháng 10/2019, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá chính thức về tình hình sản xuất, dự kiến nguồn cung dịp cuối năm và Tết Nguyên đán đối với mặt hàng thịt lợn để Bộ Công Thương có căn cứ điều hành thị trường hợp lý, bảo đảm cân đối cung cầu, thị trường mặt hàng thịt lợn.

 

Bộ Công Thương cũng đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 21/10/2019 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Trong đó đó yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc Bộ chủ động tham mưu hoặc có phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; có phương án hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn khi có có nhu cầu...
 
Bộ Công Thương cũng đã có Công văn số 7881/BCT-TTTN gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tập trung triển khai một số nội dung gồm: đánh giá chính thức về tình hình sản xuất, dự kiến nguồn cung, chủ động xây dựng phương án bình ổn thị trường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tăng cường truyền thông nhằm khuyến khích người dân tiêu dùng sản phẩm thay thế thịt lợn và sử dụng thịt lợn đông lạnh thay thế thịt lợn nóng nhằm giảm sức ép cho nguồn cung trong nước...
 
Về phía các địa phương, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, trên cơ sở nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân và khả năng tự cung ứng địa phương, các tỉnh đã chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại trên địa bàn thành chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa để tổ chức bán ra thị trường, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của nhân dân. Sở Công Thương các địa phương đang chủ động phối hợp với các Sở ban ngành liên quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố có phương án chuẩn bị, khai thác nguồn hàng thực phẩm nói chung và thịt lợn nói riêng, tổ chức các hoạt động ký kết bảo đảm nguồn cung cho thị trường về số lượng và chất lượng; đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan trong công tác triển khai thực hiện kế hoạch Tết của địa phương.
 
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi sát diến biến tình hình thị trường thịt lợn, kịp thời có phương án điều hành thị trường hiệu quả. Đồng thời, Bộ cũng đã có kế hoạch làm việc với Uỷ ban nhân dân một số tỉnh, thành phố có hệ thống phân phối, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa cao và một số tỉnh, thành phố có nguồn cung, hệ thống phân phối mặt hàng thịt lợn lớn về kế hoạch bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tý, trong đó có nội dung về bảo đảm cân đối cung cầu, thị trường mặt hàng thịt lợn. Trên cơ sở đánh giá tình hình sản xuất, tiêu thụ, 2 Bộ đã thống nhất nếu cần thiết sẽ xem xét khả năng nhập khẩu thịt lợn chính ngạch từ nguồn an toàn với giá cả hợp lý để bù đắp thiếu hụt trong nước và hạn chế việc tăng giá mặt hàng này.
Phương Lan link (congthuong.vn)
T/h: M.Phúc (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu