Theo bà Lê Thị Nga, Bộ Luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính đều quy định: "Nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của HĐXX phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ".
Tuy nhiên, Bộ Luật Tố tụng hình sự chỉ quy định chung: "Mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng HĐXX, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa". Do đó, để bảo đảm quy định thống nhất giữa Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng với các luật tố tụng, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã điều chỉnh các quy định xử phạt hành vi ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa.
Đề xuất phạt lên đến 30 triệu đồng nếu ghi âm, ghi hình và livestream tại phiên tòa khi chưa được HĐXX cho phép đã được bỏ khỏi Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Ảnh: MINH PHONG
Cụ thể, đề xuất phạt lên đến 30 triệu đồng nếu ghi âm, ghi hình và phát trực tiếp (livestream) tại phiên tòa khi chưa được HĐXX cho phép đã bị bỏ ra khỏi Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Thay vào đó, pháp lệnh quy định phạt tiền từ 7-15 triệu đồng với hành vi "ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của HĐXX mà không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự".
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, Bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung nổi bật của dự thảo như: quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động một doanh nghiệp được cấp phép sử dụng; phương thức cấp phép băng tần; cấp lại giấy phép sử dụng băng tần...