Thứ bảy, 08/08/2020,16:46 (GMT+7)
Bộ đội chủ động giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai
Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” nên khi hay tin hỏa hoạn, thiên tai, dù ngày hay đêm, mưa hay nắng, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh luôn sẵn sàng đến hiện trường giúp dân khắc phục, sớm ổn định cuộc sống.
Dân quân tự vệ xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai.
 
Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, do ảnh hưởng của mưa bão vừa qua, toàn tỉnh có 182 căn nhà sập, tốc mái, thiệt hại tài sản ước tính trên 2,3 tỉ đồng. Khi hay tin, ban chỉ huy quân sự các huyện, thị xã, thành phố cử khoảng 200 cán bộ là thường trực, dân quân tự vệ các địa phương nhanh chóng xuống hiện trường tham gia khắc phục.
 
Hộ ông Dương Văn Thép, ở ấp 2A, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, có 6 người con nhưng đều đi làm ăn xa. Khoảng 16 giờ ngày 2-8, cơn mưa kèm theo giông lốc làm nhà tốc mái hoàn toàn.
 
Khi hay tin, lãnh đạo xã Vị Tân chỉ đạo 5 cán bộ, chiến sĩ của lực lượng thường trực và dân quân cơ động ngày đêm giúp ông dọn dẹp, lợp lại nhà, ổn định cuộc sống. Đến chiều ngày 3-8, sinh hoạt của gia đình ông bình thường trở lại. “Tội nghiệp mấy chú bộ đội, đêm ngày 2 và sáng ngày 3-8, mặc dù mưa to, gió lớn nhưng vẫn đến giúp gia đình tôi. Nếu không có mấy chú chẳng biết khi nào vợ chồng tôi mới ổn định cuộc sống”, ông Thép cho biết.
 
Còn nhà của anh Nguyễn Việt Nhung, ở ấp 7, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, sập hoàn toàn do ảnh hưởng của mưa bão vừa qua.
 
Anh Nhung kể, khoảng 16 giờ ngày 2-8, ấp này có mưa, gió lớn nên anh dùng cây để chống cho nhà vững hơn nhưng không được, đến khoảng 18 giờ cùng ngày, gió giật mạnh làm nhà anh sập hoàn toàn. Ngay đêm đó, lực lượng dân quân thường trực xã, dân quân tự vệ ấp và người thân đến hỗ trợ, giúp đỡ anh đến nơi an toàn. “Tuy vất vả nhưng mấy anh bộ đội vẫn hì hụt hỗ trợ, giúp gia đình tôi; gia đình tôi cảm thấy không bị cô đơn trong hoạn nạn”, anh Nhung nói.
 
Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, ngoài việc hỗ trợ, giúp đỡ hộ dân khắc phục hậu quả do thiên tai thì ban chỉ huy quân sự các huyện, thị xã, thành phố cùng với đoàn lãnh cùng cấp cũng đến thăm, động viên, tặng quà, nhất là về tinh thần để hộ bị ảnh hưởng sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
 
Theo thượng tá Nguyễn Văn Tính, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, là cơ quan thường trực trong công tác phòng, chống lụt bão, ngay từ đầu năm, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các ban chỉ huy quân sự huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; đồng thời chuẩn bị lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác này. Riêng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh các phương án phòng, chống thiên tai; xây dựng kế hoạch ứng phó và công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “Bốn tại chỗ”.
 
Nhằm thống nhất phương án, xử lý tình huống khi mưa bão xảy ra, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành chức năng, địa phương; tổ chức tập luyện cho lực lượng sử dụng thành thạo các phương tiện, trang thiết bị phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
 
“Chúng tôi còn chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, cơ sở rà soát, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch sát với thực tế; đặc biệt chỉ đạo các vùng, khu vực trọng yếu, xung yếu thường xảy ra sạt lở, giông lốc. Tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng dân quân, dự bị động viên quán triệt một cách nghiêm túc chủ trương, kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng, chống lụt bão”, thượng tá Nguyễn Văn Tính cho biết thêm.
 
Cùng với đó là yêu cầu các ban chỉ huy quân sự cấp huyện tổ chức huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên các phương án phòng, chống thiên tai; tổ chức tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên sông, bảo vệ tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
 
Theo dự báo, tình hình mưa bão, giông lốc thời gian tới diễn ra phức tạp, khó lường nên người dân cần chủ động hơn trong phòng, chống. Đối với người dân ở nhà gỗ thì thường xuyên kiểm tra, thay đổi cột, kèo xuống cấp; dùng cây, dây thép gia cố thêm. Đối với hộ ở nhà tường, khi mưa to, gió lớn nên đóng kín các cửa, khe hở để hạn chế tối đa gió lồng vào dẫn đến tốc mái.
 
Còn khi mưa to, gió lớn, giông lốc, người dân cần hạn chế ra đường nhằm tránh cây đổ ngã; khi đang trên đường, gặp sự cố trên cần tìm nơi trú ẩn an toàn, nhưng tránh xa dưới thân cây, công trình xây dựng thiếu an toàn...
 
Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các cấp, các ngành thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức trách nhiệm về nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Duy trì nghiêm chế độ trực cứu hộ, cứu nạn, thường xuyên nắm tình hình, tham mưu, đề xuất sẵn sàng lực lượng, phương tiện cơ động xử lý các tình huống, không để bị động, bất ngờ.
 
 “Chúng tôi còn rất quan tâm làm tốt công tác theo dõi nắm chắc tình hình, tham mưu, đề xuất cho cấp ủy, UBND tỉnh và chỉ đạo ban chỉ huy quân sự các huyện, thị xã, thành phố xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống do thiên tai xảy ra”, thượng tá Nguyễn Văn Tính cho biết thêm.
 
Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, 6 tháng đầu năm, đơn vị cử gần 170 cán bộ, chiến sĩ giúp dân khắc phục 4 vụ sạt lở, 5 vụ cháy, tổng thiệt hại tài sản ước tính gần 600 triệu đồng. 
Bài, ảnh: NHẬT TÂN - (baohaugiang.com.vn) 
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu