Thứ sáu, 05/03/2021,07:32 (GMT+7)
Bộ GD-ĐT phản hồi về dạy tiếng Đức, tiếng Hàn bắt buộc ở phổ thông
Trước những băn khoăn về việc tiếng Đức, tiếng Hàn trở thành Ngoại ngữ 1, dạy và học bắt buộc trong trường phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra giải thích.
Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã đưa tiếng Đức, tiếng Hàn vào giảng dạy trong nhiều năm qua.
 
Chiều 4-3, Bộ GD-ĐT cho biết, vào ngày 9-2-2021, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-BGDĐT về việc Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) môn tiếng Hàn và tiếng Đức - Ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm. Theo đó, môn tiếng Hàn, tiếng Đức sẽ được thí điểm là Ngoại ngữ 1 trong chương trình GDPT.
Theo Bộ GD-ĐT, việc dạy học các môn ngoại ngữ trong trường phổ thông đã được triển khai từ nhiều năm qua. Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc, gồm các môn tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, sau đó bổ sung môn tiếng Nhật; ngoại ngữ 2 là môn học tự chọn, trong đó có tiếng Đức, tiếng Hàn.
 
"Sau thời gian thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 2 ở một số địa phương cho thấy đạt hiệu quả và nhu cầu học tập của học sinh ngày càng nhiều hơn. Các cơ sở giáo dục phổ thông và học sinh có nguyện vọng lựa chọn môn học này là ngoại ngữ 1, để phù hợp với nhu cầu học tập của học sinh" - Bộ GD-ĐT cho biết.
 
Từ các nhu cầu thực tế nói trên, Bộ GD-ĐT quyết định thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 1 để học sinh lựa chọn theo nhu cầu. Điều này đồng nghĩa với việc giúp giảm áp lực cho học sinh.
 
Khi tiếng Đức, tiếng Hàn được giảng dạy như Ngoại ngữ 1, học sinh yêu thích hai thứ tiếng này có thể lựa chọn để học tập trong trường phổ thông, giảm bớt áp lực khi lựa chọn tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 2 vẫn phải học song song ngoại ngữ 1 khác
 
Bộ GD-ĐT cho biết, việc đưa tiếng Đức, tiếng Hàn vào giảng dạy cũng là nội dung thỏa thuận khung giữa Việt Nam với Hàn Quốc, CHLB Đức về việc dạy tiếng Hàn, tiếng Đức ở trường phổ thông Việt Nam.
 
“Việc thí điểm sẽ triển khai ở những nơi có nhu cầu và bảo đảm điều kiện thực hiện cả về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, tính liên thông giữa các cấp học, có đăng ký với Bộ GD-ĐT”, Bộ GD-ĐT nói về hướng triển khai và khẳng định và cho biết Bộ sẽ giám sát quá trình thực hiện này, để bảo đảm tính hiệu quả và quyền lợi cho người học.
 
Sau thời gian dạy thí điểm là ngoại ngữ 1, Bộ GD-ĐT sẽ đánh giá tính hiệu quả và khả thi, qua đó xem xét việc đưa hai môn học tiếng Hàn, tiếng Đức chính thức trở thành Ngoại ngữ 1 trong chương trình GDPT và thực hiện bình đẳng như các môn ngoại ngữ 1 khác.
Bộ GD-ĐT phản hồi về dạy tiếng Đức, tiếng Hàn bắt buộc ở phổ thông -0
Giờ học Ngoại ngữ của học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Trường THPT Phan Đình Phùng. 
 
Trước đó, Theo Quyết định số 712/QĐ-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ngày 9-2-2021, hai môn tiếng Hàn và tiếng Đức được thí điểm là ngoại ngữ 1 trong chương trình giáo dục phổ thông, giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12.
 
Mục tiêu cơ bản của Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Đức là giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và các kiến thức ngôn ngữ.
 
Học sinh kết thúc tiểu học (lớp 3, 4, 5) đạt bậc 1 (tương đương A1 theo Khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ/ CEFR), học sinh kết thúc Trung học cơ sở (lớp 6, 7, 8, 9) đạt bậc 2 (tương đương A2 theo CEFR), học sinh kết thúc Trung học phổ thông (lớp 10, 11, 12) đạt bậc 3 (tương đương B1 theo CEFR).
 
Nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Đức thể hiện những định hướng cơ bản được nêu trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD-ĐT. Cụ thể:
 
Ở cấp tiểu học, việc dạy học tiếng Đức giúp học sinh bước đầu hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, chú trọng nhiều hơn đến hai kỹ năng nghe và nói.
 
Ở cấp trung học cơ sở, việc dạy học tiếng Đức tiếp tục giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp, đồng thời phát triển năng lực tư duy và nâng cao sự hiểu biết của học sinh về văn hóa, xã hội của các quốc gia trên thế giới cũng như hiểu biết sâu hơn về văn hóa, xã hội của dân tộc mình.
 
Ở cấp trung học phổ thông, việc dạy học tiếng Đức giúp học sinh phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Đức dựa trên nền tảng tiếng Đức ở tiểu học và trung học cơ sở, trang bị cho học sinh kỹ năng học tập suốt đời để học tập và phát triển năng lực làm việc trong tương lai.
 
Nội dung cơ bản của Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn bao gồm các chủ điểm, chủ đề và kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp), được lựa chọn phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh và được tích hợp vào quá trình rèn luyện, phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cơ bản.
 
Các kỹ năng giao tiếp và kiến thức ngôn ngữ được xây dựng trên cơ sở các đơn vị năng lực giao tiếp cụ thể, trong các chủ điểm và chủ đề phù hợp với nhu cầu, khả năng của học sinh phổ thông, nhằm giúp các em đạt được các yêu cầu quy định trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
 
Mục tiêu là học sinh kết thúc lớp 6 đạt bậc 1; kết thúc THCS (lớp 9) đạt bậc 2; kết thúc THPT (lớp 12) đạt bậc 3.
 
Tổng thời lượng chương trình môn tiếng Hàn là 1.155 tiết (mỗi tiết 35 phút), bao gồm cả các tiết ôn tập và kiểm tra, đánh giá. Thời lượng tương đương với bậc 1, bậc 2 và bậc 3 lần lượt là 420, 420 tiết và 315 tiết.
 
Nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn thể hiện những định hướng cơ bản được nêu trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD-ĐT.
 
HOA LÊ - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu