Thứ hai, 31/08/2020,10:31 (GMT+7)
Buýt mini, tại sao không?
Vừa qua, Sở GTVT TPHCM đề xuất mở 6 tuyến buýt mini loại 17 ghế ngồi phục vụ người dân ở các tuyến đường nhỏ, hẻm trên địa bàn TPHCM nhưng bị Bộ GTVT bác vì chưa phù hợp với các quy định hiện hành. Trước vấn đề này, dư luận cho rằng, doanh nghiệp (DN) tự bỏ tiền đầu tư thì Nhà nước nên tạo điều kiện cho họ thực hiện thí điểm một vài tuyến. Nếu hiệu quả, người dân ủng hộ, thì nên cho triển khai mở rộng hoạt động.
Giúp người dân tiếp cận xe buýt tốt hơn
 
Theo Sở GTVT TPHCM, Công ty TNHH Busgo đã gửi văn bản kiến nghị sở cho phép triển khai hoạt động xe buýt mini có tích hợp ứng dụng công nghệ trên địa bàn TPHCM.
 
Theo phương án của đơn vị đề xuất, loại xe này có 17 chỗ ngồi. Dự kiến triển khai 6 tuyến nhằm kết nối các khu công nghiệp với các đầu mối giao thông ở các quận huyện như quận 1, 2, 7, 9, huyện Nhà Bè... Giá vé từ 30.000 - 40.000 đồng/hành khách/lượt vào khung giờ cao điểm và 10.000 - 30.000 đồng/lượt vào giờ thấp điểm cho cự ly từ 24km trở xuống. Xe buýt mini không hưởng trợ giá từ ngân sách thành phố.
Buýt mini, tại sao không? ảnh 1
Xe buýt điện tuyến trung tâm TPHCM (ảnh chụp ngày 29-8-2020). Ảnh: CAO THĂNG
 
Về hình thức bán vé, hành khách sẽ cài phần mềm Godee trên điện thoại di động để chọn giờ đi, đặt ghế ngồi và thanh toán bằng hình thức không dùng tiền mặt (thẻ tín dụng, thẻ ATM nội địa và ví điện tử). Xe chỉ dừng lại đón khách tại trạm khi khách đặt ứng dụng trước để tiết kiệm thời gian và đảm bảo lộ trình.
 
Đánh giá về đề xuất này, Sở GTVT TPHCM cho rằng, đặc thù của đô thị thành phố, có nhiều tuyến đường nhỏ, hẹp, kết nối nhiều khu dân cư, khu đô thị vệ tinh nên người dân khó tiếp cận các phương tiện giao thông công cộng lớn như hiện nay. Do đó, việc tổ chức các tuyến xe buýt nhỏ là phù hợp với thực tiễn. 
 
Sở GTVT kiến nghị Bộ GTVT cho TPHCM được sử dụng loại xe buýt dưới 17 chỗ ngồi, không có chỗ đứng để tổ chức vận tải hành khách công cộng.
 
Trả lời đề xuất này, Bộ GTVT cho rằng đề án của Công ty TNHH Busgo không phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008, Nghị định 10/2020 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô và Thông tư số 12/2020 của Bộ GTVT về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Vì vậy, Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT TPHCM hướng dẫn không thực hiện đối với đề xuất nêu trên. Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT TPHCM hướng dẫn các cơ quan liên quan, doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 10/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. 
 
Xã hội hóa, việc nên làm
 
Trước đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM thuộc Sở GTVT TPHCM cũng đề xuất đầu tư 210 xe buýt mini (12 - 16 chỗ ngồi) để rước, trung chuyển khách từ tuyến hẻm, đường nhỏ hẹp ra đường lớn có hệ thống giao thông công cộng của TP. Đây là đề xuất từ dự án “Phát triển dòng xe mini buýt để tăng cường năng lực vận tải hành khách công cộng TPHCM”. Dự kiến triển khai loại buýt mini này tại các quận 1, 10 và Tân Bình. Tổng mức đầu tư dự kiến là 77,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.
 
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM, một trong những nguyên nhân chính để cho ra đời đề án nêu trên là ở các quận như Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Bình Thạnh, Phú Nhuận, quận 10... có rất nhiều đường hẻm. Có tới 85% dân số tại các quận này sống trong hẻm và đa số hẻm ở đây chỉ có chiều rộng thực tế 3 - 6m, không phù hợp với xe buýt lớn và xe buýt tầm trung. Các tuyến xe buýt lớn không thể đi sâu vào các khu vực đông dân cư, nên người dân khó tiếp cận với xe buýt.
Buýt mini, tại sao không? ảnh 2
Xe buýt điện tuyến trung tâm TPHCM (ảnh chụp ngày 29-8-2020). Ảnh: CAO THĂNG
 
Hiện nay, khoảng cách để người dân tiếp cận xe buýt là từ 600m đến trên 1.000m. Trong khi theo khảo sát, khoảng cách hợp lý cho việc tiếp cận xe buýt là trong vòng bán kính 500m. Để giải quyết bất cập này, chỉ có thể là hệ thống mini buýt.  
 
Nhận định về dự án này, nhiều chủ xe buýt cho rằng cần cân nhắc kỹ vì trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay, rất khó để thành phố chi ra một khoản tiền đầu tư xe, rồi còn phải vận hành hiệu quả. Chưa kể, với hệ thống xe buýt to hiện hữu, việc trợ giá của thành phố thường chậm. Thế nhưng, nếu có DN tự bỏ tiền đầu tư phát triển hệ thống buýt mini thì Nhà nước nên tạo điều kiện cho họ thực hiện thí điểm trước một vài tuyến. Nếu hệ thống hoạt động hiệu quả, người dân ủng hộ thì hãy cho triển khai mở rộng.
 
Chưa kể, theo nhận định của Sở GTVT TPHCM, việc mở các tuyến buýt hoạt động không trợ giá từ ngân sách phù hợp với chủ trương huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển giao thông vận tải công cộng, kéo giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.
 
Sở GTVT TPHCM cho rằng, giá vé DN đề xuất cũng đảm bảo tính cạnh tranh, không ảnh hưởng đến các tuyến buýt hiện hữu mà còn giúp tăng kết nối và mở rộng độ bao phủ của mạng lưới xe buýt thành phố.
 
Việc thí điểm hệ thống xe buýt mini tại thành phố nằm trong đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân trên địa bàn. Mục tiêu đến năm 2025 vận tải công cộng đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn thành phố và 25% nhu cầu đi lại vào năm 2030.
 
Điều 5 Nghị định 10/2020 về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định
 
1. Doanh nghiệp, hợp tác xã có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, trong đó có loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định thì được tham gia đấu thầu hoặc đặt hàng khai thác tuyến xe buýt trong danh mục mạng lưới tuyến đã công bố.
 
2. Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt:
 
a) Phải có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật, người cao tuổi và phụ nữ mang thai;
 
b) Phải có phù hiệu “XE BUÝT” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe;
 
c) Phải có sức chứa từ 17 chỗ trở lên. Vị trí, số chỗ ngồi, chỗ đứng cho hành khách và các quy định kỹ thuật khác đối với xe buýt theo quy chuẩn kỹ thuật do Bộ GTVT ban hành. Đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt trên các tuyến có hành trình bắt buộc phải qua cầu có trọng tải cho phép tham gia giao thông từ 5 tấn trở xuống hoặc trên 50% lộ trình tuyến là đường từ cấp IV trở xuống (hoặc đường bộ đô thị có mặt cắt ngang từ 7m trở xuống) được sử dụng ô tô có sức chứa từ 12 đến dưới 17 chỗ.

 

* Thạc sĩ Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách và du lịch TPHCM, nguyên Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Sở GTVT TPHCM: 
 
Quy định nào không còn phù hợp thì nên điều chỉnh
 
Lâu nay xã hội hóa, kêu gọi nguồn lực đầu tư bên ngoài ngân sách đã đem lại cho TPHCM rất nhiều công trình, dự án tốt, có chất lượng, nhất là trong lĩnh vực giao thông vận tải. Việc Bộ GTVT bác đề xuất của Sở GTVT TP về đề án của Công ty TNHH Busgo kiến nghị cho triển khai xe buýt mini tích hợp ứng dụng công nghệ trên địa bàn thành phố là chưa thuyết phục. Luật Giao thông Đường bộ cùng các nghị định, thông tư hướng dẫn đã ra đời cách nay hàng chục năm, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc sống, của công nghệ thông tin, Bộ GTVT nên rà soát lại. Quy định nào không còn phù hợp nữa, nên kiến nghị Quốc hội, Chính phủ điều chỉnh. Việc nào mà mang lại hiệu quả chung cho toàn xã hội thì nên khuyến khích. 
 
* PGS-TS Chu Công Minh, Trường Đại học Bách khoa TPHCM:
 
Nên cho thí điểm
 
Việc đầu tư hệ thống xe buýt mini để trung chuyển hành khách là cần thiết, Bộ GTVT nên cân nhắc cho thí điểm. Trước mắt, cho TPHCM chọn một quận để thí điểm trước. Việc lựa chọn quận nào thực hiện cũng phải dựa vào một số tiêu chí để điều tra, khảo sát trước như nhu cầu sử dụng xe buýt; hệ thống đường sá phù hợp cho các hoạt động của xe buýt kết nối; đặc biệt, lộ trình và thời gian di chuyển của xe buýt mini phải phù hợp với lộ trình xe buýt lớn. Song song đó, cần có phương án giảm giá vé hoặc miễn phí cho người sử dụng xe buýt mini trung chuyển để khuyến khích nhu cầu sử dụng.
QUỐC HÙNG - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu