Thứ năm, 12/11/2020,07:36 (GMT+7)
Cả nước chỉ có chín tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế
Hiện nay, cả nước có 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao (42 % dân số); 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (39 %). Cả nước chỉ có chín tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế có quy mô dân số 19 %. Đây là bài toán thách thức đặt ra cho ngành dân số để điều chỉnh mức sinh trong thời gian tới.
Ông Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân DS-KHHGĐ chia sẻ thông tin tại hội thảo.
 
Sáng 11-11, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tổ chức hội thảo cung cấp thông tin định hướng mới của chương trình dân số Việt Nam.
 
Chênh lệch mức sinh giữa các vùng vẫn rất cao
 
Ông Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân DS-KHHGĐ cho biết, Việt Nam vẫn đang có chênh lệch mức sinh rất cao. Hiện có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp có quy mô dân số 39%, chủ yếu ở các tỉnh, thành phía nam.
 
Trong khi đó, tình trạng mức sinh cao đang duy trì tại 33 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở các tỉnh, thành miền núi phía bắc. Các tỉnh mức sinh cao có điều kiện kinh tế - xã hội còn rất khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế.
 
Từ năm 2014, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng có mức tăng cao trở lại nhanh như Nam Định, Bắc Ninh, Ninh Bình, Bắc Trung bộ như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… đang có mức sinh 2,83 con – là vùng có mức sinh cao nhất cả nước. 
 
Cả nước chỉ có chín tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế có quy mô dân số 19 % gồm: Ninh Thuận, Quảng Ninh, Bình Định, Lâm Đồng, Phú Yên, Trà Vinh, Hải Phòng, Hà Nội và Bình Phước.
 
Mức sinh cao đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục của địa phương và cả nước. Trong khi đó, mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
 
Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, mục tiêu đặt ra cho ngành dân số trong tình hình mới là chúng ta cần phải điều chỉnh mức sinh, duy trì mức sinh thay thế và giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương sẽ góp phần ổn định quy mô dân số, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho phát triển đất nước.
 
“Việc điều chỉnh này sẽ giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương góp phần giảm khoảng cách chênh lệch hoặc chí ít cũng làm chậm lại tốc độ gia tăng khoảng cách về thu nhập, mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư, giảm đói nghèo ở các khu vực khó khăn, nơi thường có mức sinh cao”, ông Tú nói.
 
Giải quyết bài toán giảm mức sinh chênh lệch
 
Theo ông Mai Trung Sơn, kinh nghiệm thế giới cho thấy, Việt Nam nên có chính sách kiểm soát mức sinh linh hoạt cho các tỉnh, thành phố trên cơ sở khung mức sinh của quốc gia.
 
“Trung Quốc hiện đang áp dụng các chính sách linh hoạt với các tỉnh, thành phố và Việt Nam cũng cần áp dụng trong bối cảnh mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng”, ông Sơn nói.
 
 
Do đó, chúng ta cần phải có chính sách kiểm soát mức sinh cần điều chỉnh kịp thời khi mức sinh có xu hướng giảm và giảm sâu.
 
Trên thế giới chưa có nước nào thành công trong việc đưa về mức sinh thay thế khi mức sinh giảm sâu. Vì vậy, Việt Nam cần chú trọng can thiệp ngay khi có dấu hiệu xu hướng mức sinh giảm ở phạm vi rộng để tránh việc mức sinh xuống thấp.
 
Một số nước sau thời kỳ đẩy mạnh thực hiện Chương trình KHHGĐ đã buông lỏng quản lý và làm cho mức sinh tăng cao trở lại, vượt mức sinh thay thế. Mức sinh cao đã ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.
 
“Việt Nam có một nửa số tỉnh có mức sinh cao, chúng ta không nên để mức sinh quá cao trong bối cảnh kinh tế - xã hội ở những tỉnh này còn nhiều khó khăn, hạn chế”, ông Sơn chia sẻ.
 
Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, để giải quyết bài toán giảm chênh lệch mức sinh cần phải điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ khuyến khích phù hợp với từng vùng mức sinh.
 
Ở địa phương có mức sinh cao, cần tiếp tục áp dụng và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hiện hành các cặp vợ chồng, gia đình, tập thể, cộng đồng không có người sinh con thứ ba trở lên. Đề xuất ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của địa phương để thực hiện cuộc vận động “Dừng lại ở hai con để nuôi, dạy cho tốt”.
 
Ở địa phương đã đạt mức sinh thay thế, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, rà soát, từng bước bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con. Đồng thời, từng bước đề xuất ban hành, thực hiện các chính sách khuyến khích sinh đủ hai con áp dụng cho các gia đình, cộng đồng tại địa phương.
 
Đối với những tỉnh có mức sinh thấp, Tổng cục DS-KHHGĐ xác định nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai các giải pháp tổng hợp, đồng bộ và hiệu quả để khuyến khích người dân sinh đủ hai con.
 
Bên cạnh đó, đề xuất bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng tại địa phương liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ 3.
 
Đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con như: hỗ trợ, tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn; tư vấn, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em bao gồm sàng lọc vô sinh, sàng lọc trước sinh và sau sinh, phòng chống suy dinh dưỡng,…
 
Để giải quyết toàn diện các vấn đề phát sinh trong công tác dân số trong thời kỳ mới, theo ông Nguyễn Doãn Tú, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trong Hội nghị lần thứ 6 đã đề ra nghị quyết về công tác dân số trong thời kỳ mới với mục tiêu chung là giải quyết toàn diện các vấn đề dân số về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội.
 
Đồng thời duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững.
 
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, hàng loạt văn bản luật, chiến lược, chương trình, đề án đã được ban hành như: Luật Lao động sửa đổi; Chiến lược Dân số đến năm 2030; Chiến lược Truyền thông dân số đến năm 2030; Chương trình điều chỉnh mức sinh giữa các vùng, các đối tượng đến năm 2030; Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tới năm 2030; chương trình nâng cao chất lượng dân số, tầm soát sàng lọc bệnh tật trước sinh và sơ sinh,…
 
“Trong thời gian tới, mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số, cơ chế phối hợp liên ngành, mô hình cộng tác viên làm công tác dân số, gia đình trẻ em cũng sẽ được hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành”, ông Nguyễn Doãn Tú nêu.
 
THIÊN LAM - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu