Bộ Y tế triển khai khai báo y tế bằng mã QR
Cần Thơ tiếp tục dừng hoạt động karaoke, mát-xa, quán bar, vũ trường
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lưu ý: Các địa phương không được chủ quan, lơ là, mà phải chuẩn bị kịch bản cho cách ly, từ lúc có ít F1 đến khi nhiều F1. Cần phối hợp chặt chẽ với quân đội để quân đội điều hành cơ sở cách ly, tiếp tục tăng cường công suất xét nghiệm, tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở lấy mẫu xét nghiệm.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thực Hiện (bên phải) cùng các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 thành phố tham dự phiên họp.
Theo Cục Y tế dự phòng, đến nay, ổ dịch tại Hải Dương có 575 trường hợp dương tính, chủ yếu là biến thể từ Anh nên tốc độ lây lan nhanh hơn đợt dịch bùng phát trước đây ở Ðà Nẵng. Số ca mắc trung bình ở Hải Dương là 20 ca/ngày, cao hơn ở Ðà Nẵng đợt dịch trước (15 ca/ngày).
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: Ðến nay, 12/13 địa phương cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19. Hải Dương mặc dù đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhưng địa phương này cần phải tăng cường phòng, chống dịch bệnh hơn nữa. Trong đợt dịch này, phải truy vết, khoanh vùng nhanh, lấy mẫu, xét nghiệm diện rộng và phong tỏa diện hẹp. Trong đó, xét nghiệm nhanh là mấu chốt. Nếu xét nghiệm chậm là đuổi theo dịch chứ không phải chặn dịch. Các tỉnh, thành cần chủ động, tăng cường tầm soát các ca bệnh ở nơi nguy cơ như bệnh viện, khu công nghiệp... Các trường hợp ho, sốt phải lấy mẫu xét nghiệm.
Về vaccine, Bộ Chính trị chỉ đạo phải đảm bảo vaccine để sử dụng cho người dân. Ðể đảm bảo tiêm ngừa cho người dân, trong năm 2021, cần 150 triệu liều. Ðến nay, các chương trình, công ty cam kết cung cấp cho Việt Nam 60 triệu liều trong năm 2021. Bộ Y tế đang tích cực đàm phán để có thêm vaccine. Vaccine được ưu tiên cho khu vực có dịch và nguy cơ cao.
Dịp này, Bộ Y tế triển khai khai báo y tế bằng mã QR. Theo đó, người dân có thể khai báo y tế trong quá trình đi và đến (hay còn gọi là check-in/check-out y tế) bằng mã QR tại các địa điểm yêu cầu khai báo. Tất cả các địa điểm: công sở, bệnh viện, trường học, siêu thị, chợ truyền thống, các cơ sở lưu trú, nhà hàng… đều phải thực hiện kiểm soát y tế đối với khách đến và đi bằng mã QR.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, ứng dụng này phục vụ cho công tác truy vết. Khi xảy ra lây nhiễm tại một địa điểm nào đó, qua ứng dụng này, cơ quan y tế sẽ biết ai đã đi và đến địa điểm đó để truy vết. Thực tế công tác truy vết thời gian qua, người dân rất khó nhớ lịch sử di chuyển. Trước mắt, tất cả các cơ sở y tế bắt buộc phải sử dụng ứng dụng này.
► Ngày 19-2, UBND TP Cần Thơ có văn bản tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu thực hiện nghiêm “5K”, đặc biệt là bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng; không tụ tập đông người; thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch tại công sở, cơ quan, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Ðồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về phòng chống dịch.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu không dừng hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng chủ cơ sở chịu trách nhiệm và kiểm soát chặt chẽ việc đảm bảo an toàn tại các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc quyền quản lý. Không tổ chức lễ hội, hoạt động sự kiện có tập trung đông người không cần thiết và tiếp tục dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu (karaoke, mát-xa, quán bar, vũ trường) đến khi có thông báo mới.
Thúc đẩy làm việc trên môi trường mạng và các hoạt động trực tuyến. Giám đốc Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp Sở Y tế tiếp tục duy trì việc giám sát khai báo y tế đối với tất cả hành khách đến TP Cần Thơ (sân bay, bến xe) đến khi có thông báo mới.
Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo chủ trì phối hợp Giám đốc Sở Y tế căn cứ chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Ðào tạo và tình hình thực tế của thành phố tham mưu UBND thành phố xem xét, quyết định việc trở lại trường của học sinh các cấp.
Tin, ảnh: H.HOA - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)