Phóng viên: ĐBSCL đang và sẽ đối diện những thách thức, rủi ro nào do thiên tai, biến đổi khí hậu, thưa ông?
- Thạc sĩ NGUYỄN HỮU THIỆN, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL: Ba vấn đề mà ĐBSCL đang đối mặt và sẽ ngày càng trầm trọng hơn trong nhiều chục năm tới là sạt lở, hạn - mặn và sụt lún.
Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL có nguyên nhân chính là do thiếu hụt phù sa vì bị thủy điện trên sông Mê Kông chặn lại và khai thác cát quá mức. Trong khi đó, nước biển dâng dù chậm nhưng tích lũy qua thời gian sẽ dần đẩy ranh giới mặn - ngọt của ĐBSCL vào sâu hơn trong đất liền. Ngoài ra, sự biến động nguồn nước ở phía thượng nguồn và sự vận hành của các đập thủy điện trong lưu vực sông Mê Kông cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Hiện tượng El Nino xảy ra thường xuyên hơn kéo theo lượng mưa giảm, khiến dòng chảy sông Mê Kông yếu nên nước biển sẽ lấn sâu trong những năm hạn cực đoan. Trong lúc này, việc các đập thủy điện tích nước càng làm cho tình hình hạn - mặn tồi tệ thêm. Hậu quả là các vùng ngọt hóa ven biển trở nên "mong manh", dễ bị tổn thương, khó đứng vững dù có gia cố công trình, vì bên trong vẫn không đủ nước ngọt. Cách tốt nhất về lâu dài là lùi vùng ngọt của đồng bằng vào bên trong, chuyển đổi nông nghiệp ở những vùng ngọt hoá này trở lại theo chế độ ngọt - lợ luân phiên theo mùa theo đúng sự phân vùng trong Quy hoạch tích hợp ĐBSCL đã được Thủ tướng công bố vào tháng 6-2022.
Sụt lún cũng sẽ ngày càng trầm trọng hơn do nước sông ngòi bị ô nhiễm, buộc phải khai thác nước ngầm quá mức. Nguyên nhân là bởi nền nông nghiệp chạy theo năng suất, sử dụng quá nhiều hóa chất và nhiều công trình cản trở dòng chảy, gây tù đọng trên diện rộng.
Nhiều đô thị ở ĐBSCL được cảnh báo sẽ ngập cao trong thời gian tới. Trong năm 2022, một số đô thị như TP Cần Thơ, TP Ngã Bảy... đã ghi nhận mực nước cao lịch sử. Ông có thể phân tích nguyên nhân?
- Nhiều đô thị ở vùng giữa ĐBSCL từ Quốc lộ 1 ra biển Đông như Ngã Bảy, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh... chịu ảnh hưởng của thủy triều biển Đông và nước lũ từ sông Mê Kông đổ về nên đã nhiều lần ngập và tình hình sẽ ngày càng nghiêm trọng. Ngập thường xảy ra vào những đợt nước rong kéo dài khoảng 3-4 ngày xung quanh ngày rằm và 30 của tháng 8 và 9 âm lịch, tức khoảng 4 lần/năm.
Mực nước lịch sử ghi nhận tại TP Cần Thơ vào tháng 10-2022 là 2,27 m, làm ngập sâu hàng loạt tuyến đường..Ảnh: CA LINH
Trong những đợt thủy triều dâng cao từ phía biển, nếu trùng với đỉnh lũ sông Mê Kông từ phía thượng nguồn đổ về thì 2 lượng nước này sẽ gặp nhau ở vùng giữa ĐBSCL và làm ngập các đô thị tại đây. Đỉnh lũ sông Mê Kông rơi vào khoảng giữa đến cuối tháng 10 dương lịch, tức khoảng 30-8 đến 30-9 âm lịch. Các đợt ngập diễn ra theo chu kỳ, khoảng 3-4 đợt/năm, mỗi đợt 3-4 ngày, mỗi ngày 2 lần, khoảng 3-4 giờ/ngày theo con nước.
Một yếu tố khác cũng khiến tình hình ngập trầm trọng hơn là toàn ĐBSCL đang sụt lún nhanh hơn nhiều lần so với nước biển dâng. Bên cạnh đó, nước lũ và thủy triều không có không gian lan tỏa vì bị chặn bởi các đê ở cửa sông và trong ruộng vườn đều có đê bao khép kín khắp nơi. Thủy triều chỉ đi được trong lòng sông nên lên nhanh hơn, thọc sâu hơn và dâng cao ở vùng giữa đồng bằng...
Theo ông, giải pháp làm đê bao, hồ chứa nước, nâng cốt nền đường... có hiệu quả và khả thi trong việc ứng phó với ngập lụt tại các đô thị không?
- Giải pháp làm đê bao quanh thành phố có tác dụng ngăn nước triều và lũ nhưng lại không có khả năng chống ngập do mưa. Trong khi đó, giải pháp làm hồ điều hòa có thể giúp rút nhanh nước mưa nhưng lại không có tác dụng đối với nước từ dưới sông dâng lên. Chưa kể, không phải hồ điều hòa nào cũng phát huy tác dụng tháo nước vì có trường hợp nước trên đường không xuống được hồ. Còn nâng cốt nền là giải pháp cục bộ, nước sẽ dồn về nơi chưa nâng.
Để chống ngập cho ĐBSCL, cần cải thiện khả năng thoát nước của đô thị khi gặp mưa. Đối với thủy triều và lũ, giải pháp ngắn hạn là làm đê bao vòng quanh thành phố, còn giải pháp dài hạn là giải quyết những vấn đề trên bình diện khu vực đồng bằng.
Toàn bộ 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đều có nguy cơ ngập..Đồ họa: ANH THANH
Cụ thể, cần giảm sử dụng nước ngầm để giảm sụt lún. Muốn giảm sử dụng nước ngầm, phải phục hồi sông ngòi thông qua tăng cường quản lý chất thải, cải cách nền nông nghiệp theo hướng giảm sử dụng hóa chất và giảm công trình ngăn trở dòng chảy. Có thể giảm bớt đê bao khép kín để phục hồi không gian lan tỏa cho nước như cách đây vài chục năm. Có thể nói chìa khóa cho vấn đề ngập đô thị ĐBSCL nằm ở việc đưa nền nông nghiệp về hướng "thuận thiên".
Ông có khuyến cáo gì đối với việc quy hoạch các đô thị của ĐBSCL trong bối cảnh hiện nay?
- Trong tương lai, ĐBSCL không còn cát nữa, kể cả cát san lấp và xây dựng. Do đó, quy hoạch đô thị ĐBSCL buộc phải thay đổi theo hướng ít phụ thuộc vào cát và bê-tông.
Trước đây, khi phát triển một khu đô thị mới, chúng ta bơm cát san lấp, tạo thành bãi lớn. Cách làm này trong tương lai không thể tiếp tục nữa. Cùng với đó, việc xây dựng nhà cửa bằng bê-tông như trước nay cũng sẽ khó khả thi vì thiếu nguyên liệu cát.
Do đó, quy hoạch đô thị nên theo hướng "cân bằng đào đắp", tạo những ao hồ, kênh mương trong lòng đô thị để có vật liệu san lấp. Hệ thống kênh mương, ao hồ trong nội đô sẽ giải quyết được chuyện ngập do mưa, điều hòa vi khí hậu cho đô thị để ứng phó nắng nóng, tạo cảnh quan đẹp thu hút du lịch, tạo không gian thư giãn và tăng giá trị bất động sản.
Về nhà cửa, công trình, nên quy hoạch theo hướng sử dụng vật liệu nhẹ, vật liệu địa phương, khung gỗ, áp dụng các tiêu chuẩn xây dựng xanh để tiết kiệm cát, tiết kiệm năng lượng, giảm trọng lượng công trình nhằm tránh sụt lún.
Ông REMY GASSET, chuyên gia của Tổ chức Nghiên cứu và Tư vấn quy hoạch Pháp:
Kinh nghiệm từ Pháp
Vùng Gironde - Pháp đối mặt nguy cơ lũ lụt lớn do triều cường và lũ sông gây tràn bờ. Kinh nghiệm ứng phó của vùng này là tạo ra nơi trú ẩn cho người dân để đề phòng tình huống thời tiết cực đoan. Chúng tôi luôn có những công trình trữ nước để có thể phân lũ khi mực nước tăng lên.
Với những khu vực chịu tác động của hiểm họa nói chung, cách ứng phó của người Pháp là phân thành nhiều vùng. Trong đó, có vùng không được phép xây dựng, có vùng có thể xây dựng nhưng hạn chế. Ngoài ra, công trình đường giao thông chiến lược phải đặt ở vị trí xa dòng chảy; bề mặt đường giao thông nội đô có độ thẩm thấu cao nhằm thoát nước nhanh nhất...
Ông DƯƠNG TẤN HIỂN, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ:
Thực hiện nhiều hạng mục chống ngập
TP Cần Thơ đang thực hiện dự án "Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng đô thị". Dự án có các hạng mục xây dựng đê bao khép kín, van ngăn triều, âu thuyền điều tiết nước, hồ điều hòa, cải tạo hệ thống thoát nước trên 32 tuyến đường trung tâm quận Ninh Kiều...
Đây được xem là giải pháp chống ngập cho vùng lõi nội ô TP Cần Thơ.
Ông ĐỒNG VĂN THANH, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang:
Phát triển đô thị xanh thích ứng biến đổi khí hậu
Tỉnh Hậu Giang có hiện trạng cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế. Trên cơ sở xác định chiến lược phát triển cùng lộ trình và bước đi phù hợp với tình hình thực tiễn, Hậu Giang xác định chủ trương phát triển đô thị nhanh và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.
Với nguy cơ ngập lụt ở TP Ngã Bảy, tỉnh đã đề xuất dự án "Phát triển đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu TP Ngã Bảy" từ nguồn vốn ODA. Dự án có nhiều hợp phần, bao gồm: xây dựng kè sông, cải thiện kết cấu thoát nước đô thị, xây dựng hồ điều hòa cùng hệ thống thu gom và xử lý nước thải.