Thứ bảy, 22/08/2020,07:17 (GMT+7)
Cận cảnh tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại Cà Mau
Mới vào mùa mưa bão chưa lâu nhưng tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã rất nghiêm trọng. Nhiều đoạn đê biển đứng trước nguy cơ vỡ buộc lực lượng chức năng phải có biện pháp khẩn cấp gia cố đê. Ngoài ra, tình hình sạt lở bờ sông cũng rất nan giải. Hàng ngàn hộ dân đang thấp thỏm sống cạnh những điểm sạt lở nguy hiểm để chờ giải pháp.
 
 
Tình hình sạt lở đang gây ảnh hưởng nặng nề cho tỉnh Cà Mau. Do ảnh hưởng của cơn bão số 2 vừa qua, nhiều đoạn đê biển của tỉnh Cà Mau lại bị đánh sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ vỡ đê có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
 
 
 
Có ít nhất 3 điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng đang được cơ quan chức năng địa phương thực hiện hộ đê khẩn cấp, gồm: đoạn Đá Bạc - Kênh Mới (chiều dài 850m); đoạn bờ Bắc - bờ Nam cống Kênh Mới (chiều dài 765m) và đoạn từ Hương Mai đến Tiểu Dừa (chiều dài khoảng 957m).
 
 
Toàn  tỉnh Cà Mau có hơn 250 km đường bờ biển. Trước đây, biển cứ lở lại bồi nhưng nhiều năm qua khoảng 80% đường bờ biển của tỉnh này chỉ lở không bồi. Trung bình biển lấn vào đất liền khoảng 20m/năm, có những vị trí sóng biển đánh sạt lở 50m/năm.
 
 
Trong khoảng 10 năm qua, tỉnh tận cùng Tổ quốc đã mất khoảng 9.000 ha rừng phòng hộ do sạt lở. Ven tuyến đê biển Tây của Cà Mau, trước đây diện tích rừng phòng hộ kéo dài ra biển hàng trăm mét nhưng sạt lở đã “gặm nhấm” dần và hiện có nhiều điểm đã không còn rừng phòng hộ.
 
 
Toàn tỉnh Cà Mau còn khoảng 76km đường bở biển bị sạt lở từ mức nghiêm trọng trở nên cần được bảo vệ. Vừa qua, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đã đi kiểm tra và chỉ đạo các cơ quan chức năng phải tập trung mọi giải pháp khắc phục, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho tuyến đê biển.
 
 
 
Bên cạnh tình trạng sạt lở bờ biển rất nan giải, cứ đến mùa mưa tình trạng sạt lở bờ sông của tỉnh này cũng lại tiếp diễn phức tạp. Từ đầu mùa mưa đến nay, tỉnh Cà Mau  đã xảy ra hàng chục vụ sạt lở ven sông làm hư hại 3,6km đường giao thông và hơn 40 nhà dân bị thiệt hại.
 
 
Đặc biệt, sạt lở thường xuyên xảy ra tại khu vực trung tâm các xã, thị trấn – nơi có đông dân cư sống ven sông, rạch và gây thiệt hại lớn. Như vào đầu tháng 7 vừa qua, vụ sạt lở tại chợ Kênh 17 (xã Tam Giang, huyện Năm Căn) đã làm hư hỏng nhà của 10 hộ dân, ước thiệt hại hơn 800 triệu đồng.
 
 
 
Vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển đặt ra cho tỉnh Cà Mau vấn đề cấp thiết phải di dời người dân vào nơi an toàn. Chi cục Phát triển Nông thôn Cà Mau cho biết toàn tỉnh Cà Mau đang cần di dời khẩn cấp hơn 2.800 hộ dân khỏi vùng rủi ro thiên tai.
 
Hàng ngàn hộ dân sống ven sông, ven biển vẫn đang chờ giải pháp để ổn định cuộc sống.
 
HIẾU NGHĨA - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu