Thứ bảy, 19/12/2020,07:42 (GMT+7)
Cần giải pháp, chính sách để phát triển nghề nuôi biển bền vững
Sáng 18-12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên tổ chức hội nghị phát triển nuôi biển bền vững.
 
Việt Nam có tiềm năng nuôi biển lớn với diện tích nuôi biển ước đạt 500 nghìn ha; trong đó, vùng bãi triều 153.300 ha, vùng vũng vịnh và ven đảo 79.790 ha, biển xa bờ 166.910 ha. Nuôi biển đã và đang phát triển tại nhiều địa phương trên cả nước như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Phú Yên, Kiên Giang, Cà Mau. Đối tượng nuôi biển chính của Việt Nam bao gồm các nhóm nhuyễn thể, cá biển, giáp xác, rong tảo biển, hải sâm, sinh vật cảnh… 
 
Tổng diện tích nuôi biển năm 2010 của Việt Nam đạt 38.800 ha, đến năm 2019 đạt 256.479 ha với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 23,3%/năm. Đến năm 2020, ước nuôi biển của Việt Nam đạt sản lượng gần 604 nghìn tấn. Việt Nam hiện có 51 cơ sở sản xuất giống cá biển, sản lượng sản xuất thực tế đạt 509 triệu con, 764 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp. Thị trường tiêu thụ sản phẩm qua chế biến của Việt Nam chủ yếu là các nước EU, Mỹ và Nhật Bản. 
 
Nuôi biển đã góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế ở các vùng nông thôn ven biển; giải quyết việc làm, cải thiện đời sống của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh vùng ven biển, đóng góp lớn vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Tuy nhiên, nuôi biển ở Việt Nam còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết; điều kiện cơ sở hạ tầng hạn chế, trình độ kỹ thuật sản xuất giống của người dân chưa đáp ứng yêu cầu. Một số vùng nuôi nằm chồng lấn, xung đột với các ngành kinh tế khác, gây ô nhiễm môi trường...
 
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận những thuận lợi, khó khăn, đồng thời kiến nghị giải pháp, chính sách để phát triển nuôi biển bền vững. 
 
Ông  Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam (VSA) cho rằng, Chính phủ cần sớm phê duyệt chiến lược, đề án nuôi biển, triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường tạo nguồn nhân lực cho các địa phương. Những địa phương có thế mạnh về nuôi biển cần có kế hoạch chiến lược phát triển nuôi biển gắn với khai thác xa bờ, phát triển du lịch, điện gió.
 
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định, nuôi biển ở Việt Nam phần lớn đang ở mức thủ công, chỉ có một số doanh nghiệp bước đầu đã đầu tư công nghệ trong nuôi biển. Để nuôi biển phát triển nhanh và bền vững, giai đoạn 2021-2025 cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, chọn lọc giống, đầu tư công nghiệp hỗ trợ, nuôi biển theo quy trình khép kín từ đầu vào đến xuất khẩu, không gây ô nhiễm môi trường.
 
Trước mắt là giải quyết vướng mắc về bàn giao mặt nước, bảo đảm mặt nước ổn định lâu dài cho doanh nghiệp. Cùng đó, gắn cơ chế chính sách, nguồn lực với tổ chức thực hiện, bảo tồn, giảm khai thác, tăng cường nuôi biển. Đây là giải pháp phát triển thủy sản bền vững, có sức cạnh tranh của ngành ở giai đoạn mới, bảo đảm đủ điều kiện cho hội nhập, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
 
TRÌNH KẾ - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu