Thứ sáu, 16/08/2019,16:21 (GMT+7)
Cần phải dạy từ nguyên cho học sinh hiện nay
Đó là ý kiến của GS.TSKH Vũ Minh Giang (ĐHQG Hà Nội) tại Hội thảo “Khoa cử Nho học Việt Nam (1075 -1919) - 100 năm nhìn lại”.

“Tôi không cổ súy cho việc dạy chữ Hán tượng hình nhưng cần phải dạy từ nguyên cho học sinh hiện nay”, GS.TSKH Vũ Minh Giang bày tỏ.

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Cần phải dạy từ nguyên cho học sinh hiện nay

“Tôi xin nhắc lại, 75 - 80% chữ người Việt Nam đang dùng như Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập, Tự do, Hạnh phúc… đều viết dưới mỗi từ câu một chữ Hán, nghĩa là có gốc từ nguyên. Nghĩa từ nguyên của nó là từ chữ Hán”, ông Giang nói.

Chủ tịch Hội đồng Khoa học ĐHQG Hà Nội phân tích, từ nguyên phải được dạy không phải theo nghĩa tầng nông mà phải hiểu sâu, nhất là những chữ thông dụng.

Theo GS Giang, từng từ ấy, có lẽ phải thống kê ra một số lượng nào đó để chúng ta dạy cho học sinh biết rằng từ này có nghĩa gốc sâu xa là thế này để học sinh dùng chuẩn hơn; hay là tìm ra những từ hay dùng nhầm mà người ta dùng lẫn âm mà không hiểu nghĩa.

Thứ hai, GS Giang cũng cho rằng, muốn cải cách giáo dục, có thể rất nhiều biện pháp, học nước ngoài, học trong nước, nhưng phải tìm hiểu cái nguồn lạch của giáo dục đi tới hôm nay là thế nào? Lúc đó mới có thể có được giải pháp cải cách giáo dục hiệu quả hơn.

TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, lập tức có đính chính rằng con số 75 - 80% mà GS Vũ Minh Giang nêu ra là con số thống kê lâu nay vẫn dựa trên văn bản chính luận nên tỉ lệ từ Hán Việt cao, còn nếu thống kê trên các phương diện thì trong ngôn ngữ tiếng Việt chưa đến 40%.

Hội thảo “Khoa cử Nho học Việt Nam (1075 - 1919) - 100 năm nhìn lại” 

Hội thảo “Khoa cử Nho học Việt Nam (1075 - 1919) - 100 năm nhìn lại” do Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức ngày 15/8 tại Hà Nội.

Hội thảo thu hút hơn 70 tham luận đăng ký tham gia, trong đó có 15 tác giả từ các quốc gia và vùng lãnh thổ: Mỹ (2), Đức (1), Pháp (1), Nhật Bản (3), Trung Quốc (3), và Đài Loan (5). Trong nước có 47 tác giả với 44 tham luận gửi tới hội thảo.

Nội dung các tham luận chủ yếu tập trung phân tích một số vấn đề chuyên sâu và cụ thể về khoa cử Việt Nam, đồng thời mở rộng so sánh với các nền khoa cử ở các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.

KHẢI MÔNG-(nongnghiep.vn)
T/h: Quốc Dương-(dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu