Thứ hai, 31/08/2020,10:52 (GMT+7)
Cạnh tranh không lành mạnh trong tuyển sinh
Luật Giáo dục Đại học cho phép các trường đại học được tự chủ trong tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển, kết hợp thi tuyển và xét tuyển). Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều trường lại bất chấp quy chế bằng việc gửi giấy báo trúng tuyển cho thí sinh trước thời gian quy định của Bộ GD-ĐT. Thậm chí, có trường còn chơi chiêu bằng cách sử dụng thư nặc danh gửi cho giáo viên chủ nhiệm, thí sinh để nói xấu trường khác nhằm có lợi cho trường mình.
Nói xấu trường khác 
 
Trong những ngày gần đây, các trường đại học tại miền Trung rất bức xúc trước thông tin có trường ĐH cho bộ phận tuyển sinh sử dụng thư nặc danh gửi giáo viên chủ nhiệm, thí sinh ở các trường THPT với nội dung phản cảm.
 
Theo đại diện một trường ĐH tại Đà Nẵng: Trường nhận được thông tin từ các trường THPT ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Nam cho biết, họ nhận được thư (không ghi thông tin người gửi) gửi trực tiếp đến trường, đến giáo viên chủ nhiệm các lớp và cả thí sinh.
 
Nội dung thư đánh máy tới 5 trang giấy A4 với các thông tin: “Thống kê điểm cộng, điểm trừ các trường đại học ở Đà Nẵng gồm Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, Trường ĐH Đông Á, Trường ĐH FPT. Sau chấm điểm là nêu nên chọn trường nào ở Đà Nẵng để học”...
Cạnh tranh không lành mạnh trong tuyển sinh ảnh 1
Nhiều trường đại học tại miền Trung bức xúc vì bị thư nặc danh chấm điểm và nói xấu
 
Đáng nói là phần đánh giá trong nội dung thư rất ẩu tả: “Điểm trừ cho Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng là sinh viên thụ động, học nhiều lý thuyết dẫn đến sinh viên khó tiếp cận công việc ngay khi ra trường, học phí mới khoảng 70% chỉ tiêu các ngành lên đến 30 triệu đồng/năm, vào loại cao nhất miền Trung, cao hơn các trường trên cùng địa bàn như ĐH Duy Tân, ĐH Đông Á, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng; Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng điểm trừ là học phí khá cao, học phí và chất lượng chưa tương xứng, có nhiều phụ phí; Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng điểm trừ là chuyên môn giảng dạy khá thấp, cơ hội việc làm của sinh viên thấp”.
 
Trong khi đó, phần điểm cộng nội dung thư khen Trường ĐH Duy Tân hết lời như: “Trường ngoài công lập duy nhất ở miền Trung được xếp vào tốp 500 đại học tốt nhất châu Á. Các ngành CNTT, Điện - Điện tử được kiểm định chất lượng bởi tổ chức uy tín quốc tế. Có nhiều giảng viên và sinh viên nước ngoài. Các ngành Y - Dược - Điều dưỡng có lực lượng giảng viên và cơ sở vật chất vào loại hoàn chỉnh nhất Đà Nẵng. Tỷ lệ có việc rất cao ngay khi ra trường; Trường ĐH FPT 95% sinh viên ra trường có việc làm nhưng tỷ lệ sinh viên đi bắt internet dạo hay tiếp thị điện thoại thì chưa được thống kê”…  
 
Chưa dừng lại đó, nội dung thư còn chê bai các trường khác như “trường có nhiều điều tiếng, chất lượng đào tạo khá thấp”, thậm chí còn liệt kê những đường link thông tin về các trường bị sai phạm, xử lý trước đây. Trước đó, trên mạng xã hội cũng xuất hiện một fanpage dựng chuyện, nói xấu trường khác. Sau khi bị cộng đồng mạng phản ứng thì trang này đóng. 

Ngoài thư nặc danh, trong một số chương trình tư vấn tuyển sinh, có đại diện một trường A ở TPHCM thẳng thừng chê bai sinh viên, chất lượng trường B không bằng trường mình. Và hệ quả là bị sinh viên trường B phản ứng gay gắt trên fanpage nên đại diện trường A phải xin lỗi. Cũng trong tháng 5, khi thí sinh còn chưa thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường ĐH tại TPHCM đã in, gửi giấy báo trúng tuyển và yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học, có trường còn yêu cầu thí sinh đóng học phí giữ chỗ đến hạn chót là ngày 15-8. 
 
Làm xấu hình ảnh giáo dục
 
Ngay khi xuất hiện thư nặc danh nói xấu nêu trên, cộng đồng sinh viên ĐH Đà Nẵng đã phát đi thông điệp trên fanpage: “Hãy nói không với cạnh tranh không lành mạnh trong giáo dục. Vừa qua, nhiều phụ huynh, học sinh THPT ở Đà Nẵng và một số địa phương nhận được các tài liệu với thông tin không đầy đủ, thiếu chính xác, có tính chất nâng mình, hạ người; tự cho các trường ĐH “điểm cộng, điểm trừ”, có thể gây tâm lý hoang mang cho thí sinh trong việc chọn trường, chọn ngành để đăng ký xét tuyển vào ĐH giữa lúc dịch Covid-19. Lãnh đạo các trường, thầy cô, cựu sinh viên, học sinh, sinh viên và một số báo, trang mạng xã hội đã lên tiếng phê phán, không đồng tình với kiểu cạnh tranh không lành mạnh trong tuyển sinh. Vì vậy, phụ huynh, học sinh hết sức cảnh giác khi tiếp nhận tài liệu, thông tin thiếu khách quan và không chính thống như thế này”. 
 
TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục đào tạo giai đoạn 2016-2021 cho rằng: Đây là hiện tượng rất xấu trong môi trường giáo dục khi người ta dùng chiêu trò để hạ uy tín nhau qua mạng xã hội, bằng thư nặc danh hoặc nhiều cách khác. Việc này làm vấy bẩn môi trường giáo dục, thông tin méo mó đến học sinh và phụ huynh khiến người ta có thể hiểu sai về trường và ngành học. 
 
TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh, thế giới có cả hợp tác và cạnh tranh, nhưng cạnh tranh vì chất lượng và hiệu quả giáo dục chứ không hạ uy tín của nhau. Luật cạnh tranh đã có, vì thế các trường ĐH nói chung và tại Đà Nẵng nói riêng có thể tố giác để cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý và công bố cho dư luận biết.
 
Liên quan đến thư nặc danh nói trên, đại diện Trường ĐH Duy Tân cho hay: Sau khi có nhiều thông tin phản ánh, trường đã rà soát lại tất cả bộ phận, việc gửi thư nặc danh đánh giá, cho điểm và một số nội dung không hay về trường bạn không phải là chủ ý của trường. Nhà trường cho biết đây là việc làm tự phát của các cộng tác viên tham gia công tác tuyển sinh. Khi thực hiện việc này, các cộng tác viên không báo cáo và chưa được sự cho phép của trường. Nhà trường đã yêu cầu báo cáo và dừng ngay những việc làm không hay này, nhà trường nghiêm túc rút kinh nghiệm và sẽ xử lý trách nhiệm những người có liên quan.
THANH HÙNG - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu