Thứ sáu, 09/08/2019,12:45 (GMT+7)
Cát biển "hóa giải" khan hiếm cát xây dựng?
Khi nguồn cát sông phục vụ cho nhu cầu xây dựng rơi vào tình trạng khan hiếm, thì cát biển qua chế biến đạt tiêu chuẩn xây dựng được xem là bài toán thay thế hiệu quả nhất hiện nay…

Song song với việc phát triển các khu dân cư, khu đô thị cũng như các dự án đầu tư về hạ tầng… nhu cầu sử dụng cát cũng tăng theo, mà cụ thể dự báo của Bộ Xây dựng cho thấy, từ năm 2016 đến 2020 nhu cầu sử dụng cát cho xây dựng lên đến khoảng 2,1-2,3 tỉ m3.

Quy trình chế biến cát biển thành cát sạch đầu tiên của Việt Nam đã được đưa vào vận hành.

Riêng tại ĐBSCL, chỉ trong những tháng đầu năm 2019, hàng loạt công trình xây dựng khu đô thị, khu dân cư mới đã được các doanh nghiệp, nhà đầu tư cho khởi công xây dựng như: Dự án khu đô thị cao cấp FLC La Vista Sadec của Tập đoàn FLC được khởi công xây dựng hồi tháng 7-2019 ở tỉnh Đồng Tháp có quy mô lên đến 15ha. Trước đó, vào tháng 6-2019, Công ty Cổ phần Kita Invest cũng đã khởi công khu đô thị Stella Mega City. Mới đây, vào cuối tháng 7-2019, Công ty Cổ phần Phú Cường Kiên Giang thuộc Tập đoàn Phú Cường đã khởi công dự án khu đô thị lấn biển Phú Cường Hoàng Gia tại TP Rạch Giá với quy mô lên đến 68,68ha, tổng vốn đầu tư 8.000 tỉ đồng…

Ông Huỳnh Hà Phương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Phú Cường Kiên Giang, cho biết: Dự kiến vào tháng 9-2019, công ty tiếp tục khởi công dự án Khu đô thị lấn biển Phú Cường Phú Quý có quy mô 99,9ha, tổng giá trị đầu tư gần 9.000 tỉ đồng.

Việc hàng loạt khu đô thị, khu dân cư mới được khởi công xây dựng chắc chắn sẽ là điều kiện làm "nóng" thị trường vật liệu xây dựng nói chung của vùng này và cát xây dựng nói riêng. Điều này cũng đã được minh chứng trong quá khứ khi việc khai thác cát sông bị các địa phương trong vùng ĐBSCL siết chặt, trong khi đó, nhu cầu cát phục vụ các công trình xây dựng gia tăng đã làm thị trường cát xây dựng nóng lên.

Theo đó, vào thời điểm giữa năm 2017, giá cát mịn, cát vàng và cát hạt lớn từ sà lan cặp mạn bán tại các vựa ở TP Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long có giá lần lượt là 80.000, 100.000, 150.000 đồng/m3, tăng gần gấp đôi so với trước đó.

Còn vào thời điểm hiện tại, báo giá của một công ty chuyên cung cấp vật liệu xây dựng ở TP Cần Thơ cho biết, cát san lấp có giá đã lên đến 150.000 đồng/m3; cát xây tô có giá 230.000 đồng/m3 và cát bê tông là 330.000 đồng/m3, cao hơn từ 50.000-100.000 đồng/m3 so với mức giá hồi cuối năm ngoái.

Không chỉ "kích thích" giá cát xây dựng tăng, khai thác cát sông quá mức ngoài việc khiến nguồn tài nguyên này dần cạn kiệt, còn làm khu vực ĐBSCL "dậy sóng" khi đối diện với tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra ngày càng phức tạp hơn.

Cụ thể, mới đây vào rạng sáng 1-8-2019, một đoạn 85 mét quốc lộ 91 của tỉnh An Giang đã đổ sụp xuống sông Hậu. Trước đó, vào ngày 15-7-2019, một vụ sạt lở khác cũng đã xảy ra tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp khiến ít nhất 5 ngôi nhà của người dân cùng đoạn bờ kè dài khoảng 100m sạt lở xuống sông.Tình trạng sạt lở xảy ra ngày càng nghiêm trọng ở nhiều địa phương ĐBSCL được PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu thuộc Trường Đại học Cần Thơ chỉ ra, một phần nguyên nhân do việc khai thác cát sông quá mức gây nên, nhất là trong bối cảnh các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong được xây dựng ngày càng nhiều hơn, khiến phù sa, bùn, cát từ thượng nguồn bị chặn lại.

Trong bối cảnh nguồn cát sông phục vụ cho sự phát triển của ngành xây dựng ngày càng gia tăng có xu hướng cạn kiệt, thì việc sử dụng cát biển qua xử lý đạt tiêu chuẩn cát xây dựng để thay thế được xem là giải pháp hiệu quả. Điều này, cũng sẽ góp phần nhằm tránh sử dụng tài nguyên cát sông quá mức, gây sạt lở nghiêm trọng…

Mới đây, vào ngày 31-7-2019, nhà máy chế biến cát biển đạt tiêu chuẩn cát xây dựng đầu tiên của Việt Nam đã chính thức khánh thành, đưa vào hoạt động tại ấp Bãi Vòng, xã Hàm Ninh, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Theo đó, nhà máy chế biến cát biển đầu tiên của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở ứng dụng công nghệ chế biến cát sạch Phan Thành do ông Võ Tấn Dũng sáng chế và ủy quyền Công ty Cổ phần Cát Đá Việt Sàng Rửa Sạch lắp đặt, liên kết với Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Kim Thúy Lâm.

Ông Võ Tấn Dũng, người sáng chế công nghệ chế biến cát biển thành cát sạch cho biết, việc khánh thành đưa vào hoạt động nhà máy chế biến cát biển đạt tiêu chuẩn cát xây dựng có ý nghĩa hết sức quan trọng khi nguồn cát sông tự nhiên phục vụ xây dựng của ĐBSCL ngày càng khan hiếm.

Đặc biệt, theo ông, trong bối cảnh các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong đã, đang và sẽ tiếp tục được xây dựng, tức nguồn cát tự nhiên về khu vực ĐBSCL sẽ ngày càng ít hơn. Như vậy, việc sử dụng cát biển qua xử lý để phục vụ xây dựng sẽ hạn chế tối đa việc khai thác cát sông ở vùng này, tức sẽ hạn chế được tình trạng sụt lún, sạt lở đất, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Theo ông Dũng, nhà máy đầu tiên được thiết kế có công suất tối đa là 200 m3/giờ; ưu điểm cơ bản đáng chú ý của dây chuyền công nghệ này, đó là vận dụng áp lực va đập tách kết cấu tạm thời để rửa sạch muối, loại bỏ tạp chất hữu cơ, sàng lọc phân loại hạt,… để cho ra loại sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng phục vụ nhu cầu bê tông, xây tô và sản xuất công nghiệp.

"Kết quả thử nghiệm dây chuyền sản xuất của chúng tôi cũng đã được kết luận đáp ứng đạt tiêu chuẩn cát xây dựng"-ông Dũng cho biết và dẫn chứng vào đầu năm 2019 ông đã tiến hành lắp đặt máy và cho hoạt động thử nghiệm dưới sự thẩm định của các chuyên gia thuộc Viện Khoa học công nghệ và Viện Bê tông (Bộ Xây dựng). Kết quả cho thấy, nguồn cát nguyên khai thác ở vùng biển Phú Quốc khi đưa vào chế biến đã cho ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn cát xây dựng (theo TCVN 7570:2006).

Cụ thể, phân tích từ các phòng thí nghiệm cho thấy, cát nhiễm mặn nguyên khai thác tại vùng biển Phú Quốc có hàm lượng bụi, bùn, sét, tạp chất hữu cơ lên đến 1,5%, trong đó, nhiều nhất là vỏ sò; hàm lượng ion clo (Cl-) là 0,38%.

Tuy nhiên, kết quả qua xử lý bằng công nghệ Phan Thành cho ra cát thành phẩm có hàm lượng tạp chất hữu cơ chỉ còn 0,2%; hàm lượng Cl- chỉ 0,009% và modul độ lớn của hạt đạt là 1.6.

Từ kết quả trên, theo ông Dũng, Phân viện Chuyên ngành Bê tông thuộc Viện Khoa học công nghệ xây dựng đã có văn bản báo cáo chính thức và nhận xét, sau khi được lọc rửa bằng công nghệ Phan Thành, thì lượng bụi, bùn, sét, tạp chất hữu cơ và hàm lượng Cl- đạt yêu cầu kỹ thuật sử dụng cho các loại bê tông và vữa theo yêu cầu kỹ thuật trong TCVN 7570:2006.

Rõ ràng, việc ứng dụng thành công công nghệ "biến" cát biển đạt tiêu chuẩn thành cát xây dựng được xem là bài toán "hóa giải" sự khan hiếm nguồn cung đáp ứng nhu cầu về cát phục vụ cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khu dân cư và các khu đô thị trong vùng ĐBSCL hiện nay trong bối cảnh nguồn cát sông ngày càng cạn kiệt.

Bài, ảnh: T.C - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu