Cây thị này nằm ở thôn Kim Sơn, xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, có tuổi đời trên 700 năm, chiều cao 45-50m, cành lá sum sê, chu vi đoạn gốc tiếp giáp với mặt đất khoảng 12m, gốc cây rỗng, có thể chứa được 4-5 người, gắn với câu chuyện lịch sử về chống quân Minh xâm lược vào thế kỷ XV.
Ngay phía dưới gốc thị, người dân địa phương đã lập đền thờ, đặt tên là “gốc thị sử tích” hay còn gọi là “cây thị ăn thề”.
Bia đá chỉ rõ gốc thị là chứng tích của một lời tuyên thệ quyết tâm đánh đuổi giặc Minh của nghĩa quân Lam Sơn.
Theo quan sát, thân cây thị cao khoảng 25m, tán rộng 30m, chu vi gốc gần 13m, thân thon nhỏ dần lên ngọn.
Trải qua hơn 700 năm, lớp vỏ cây thị xuất hiện nhiều khối u, đường gân sần sùi ghi dấu ấn thời gian.
Sử sách ghi lại, tương truyền, có lần bại trận, trong lúc bị giặc Minh truy đuổi, Lê Lợi (vua Lê Thái Tổ) đã tìm thấy và ẩn nấp trong hốc của cây thị cổ này. Nghi ngờ vua Lê Lợi ẩn nấp phía trong, giặc liên tiếp dùng giáo xỉa vào cây khiến ông bị thương phải nén đau xé áo băng bó. Đàn chó săn của giặc mang theo cũng liên tục sủa, cắn vào da thịt Lê Lợi.
Lúc này, bất ngờ từ trong hốc cây thị có con cáo trắng chạy ra đánh lạc hướng giặc và đàn chó săn. Nhờ vậy mà Lê Lợi thoát nạn, từ đó thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn nhớ ơn đến đất và con người nơi đây. Phần thân ở dưới gốc cây rỗng này được cho rằng vua Lê Lợi đã đứng trong đây để trốn địch
Theo các cụ cao niên kể lại, vào năm 1425 tại huyện Hương Sơn có ông Nguyễn Tuấn Thiện đứng lên làm thủ lĩnh nghĩa quân Cốc Sơn khởi nghĩa. Biết tin, Lê Lợi đã tìm đến chiêu quân, kết nghĩa anh em. Sau đó cả hai cùng giết ngựa trắng, cắt tóc ăn thề dưới gốc thị cổ, thể hiện quyết tâm cùng nhau đánh giặc ngoại xâm.
Sau khi đánh đuổi quân Minh, Lê Lợi lên ngôi vua, Nguyễn Tuấn Thiện được phong là khai quốc công thần. Người dân địa phương từ đó về sau gọi tên cây là “Gốc thị sử tích” hay “Cây thị ăn thề” và lưu truyền câu thơ về giai thoại lịch sử này: “Cắt tóc, giết ngựa trắng/ Dưới gốc thị thề nguyền/ Nguyện đồng tâm đồng chí/ Phá giặc xây cơ đồ”.
Ông Uông Trung Hòa (ngụ tại thôn Kim Sơn, xã Kim Hoa) tự hào cho biết dù đã tồn tại hàng trăm năm nhưng cây thị luôn xanh tốt, trĩu quả.“Cây thị cổ này rất thiêng nên người dân trong vùng thường xuyên đến thắp hương, cầu mong cho bản thân và gia đình luôn được bình an, mạnh khoẻ”, ông Hòa nói.
Ngày 29-5-2023, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam ra Quyết định 114/QĐ-HMTg công nhận cây thị tại thôn Kim Sơn, xã Kim Hoa là Cây Di sản Việt Nam.
Lãnh đạo xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn, cho biết đối với người dân địa phương, cây thị được xem như là “báu vật” của làng. Chính vì điều đó, nên người dân trong xã luôn có ý thức bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của cây thị. Hàng năm chính quyền địa phương và bà con tổ chức các buổi lễ và thắp hương tại gốc thị.