Cả nước hiện có 149 trung tâm sát hạch lái xe, 343 trung tâm đào tạo lái ôtô và 463 cơ sở đào tạo lái môtô. Thứ trưởng Bộ Giao thông Vân tải (GTVT) Lê Đình Thọ cho biết bộ vừa ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX).
Siết chặt đào tạo, phòng ngừa tiêu cực
Việc thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện bất cập trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX (nếu có) để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền biện pháp khắc phục; đồng thời hoàn thiện thể chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng và phòng ngừa tiêu cực trong hoạt động này.
"Thanh tra, kiểm tra cũng nhằm đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật của các chủ thể trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; đồng thời phòng ngừa, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý tồn tại, vi phạm (nếu có); hướng dẫn các đơn vị được thanh tra, kiểm tra thực hiện đúng quy định của pháp luật" - đại diện Bộ GTVT cho biết.
Theo kế hoạch, Cục Đường bộ Việt Nam và các sở GTVT sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe thuộc quyền quản lý; hoàn thành trước ngày 15-4.
Học viên học giấy phép lái xe hạng B1 tại Trung tâm Đào tạo, sát hạch lái xe Hóc Môn Ảnh: THU HỒNG
Ngoài ra, Bộ GTVT còn thành lập 3 đoàn kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX của các sở GTVT. Việc kiểm tra này, Bộ GTVT yêu cầu xong hoàn tất trong tháng 4-2023.
Cụ thể, đoàn số 1 do Thanh tra Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Vụ Vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam, Trung tâm Công nghệ Thông tin sẽ kiểm tra tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Hải Dương, Quảng Ninh, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên.
Đoàn số 2 do Vụ Vận tải chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam, Trung tâm Công nghệ Thông tin kiểm tra tại các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Bến Tre, Trà Vinh.
Đoàn số 3 do Cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, kiểm tra tại 31 tỉnh, thành phố còn lại.
Có hiện tượng buông lỏng
Trước đó, Bộ GTVT cũng đã có văn bản gửi UBND, Sở GTVT các tỉnh, thành và Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu phòng chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý chặt công tác đào tạo, sát hạch, cấp - đổi GPLX.
Theo Bộ GTVT, các hoạt động trên ảnh hưởng lớn đến xã hội và trực tiếp đến người dân, đơn vị vận tải, an toàn giao thông. Chưa kể, đây là lĩnh vực luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tiêu cực. Do đó, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng, UBND cấp huyện trên địa bàn triển khai các biện pháp cụ thể nhằm phòng chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý chặt việc đào tạo, sát hạch, cấp - đổi GPLX.
Đối với Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT yêu cầu tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời phát hiện những bất cập về cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, sát hạch, cấp - đổi GPLX. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ dữ liệu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng của ngành công an, y tế và các bộ, ngành khác trong quản lý, giám sát đào tạo, sát hạch, cấp - đổi GPLX.
Đề cập việc chấn chỉnh công tác đào tạo, sát hạch lái xe, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết hiện nay, Cục Đường bộ Việt Nam chỉ còn trực tiếp quản lý 4 trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe; những trung tâm còn lại đều đã được phân cấp, phân quyền cho các Sở GTVT. Vì vậy, sở GTVT các địa phương phải chủ động siết chặt quản lý công tác đào tạo, sát hạch lái xe của các trung tâm trên địa bàn. Bởi lẽ, qua đánh giá từ các thông tin phản ánh, một số cơ sở ở các tỉnh miền núi phía Bắc có hiện tượng buông lỏng đào tạo, sát hạch lái xe.
"Yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT các địa phương để siết chặt công tác quản lý. Bộ GTVT sẽ tập trung thanh tra về công tác đào tạo, sát hạch lái xe của các Sở GTVT khu vực miền núi phía Bắc. Trên cơ sở kết quả thanh tra, Bộ GTVT sẽ cân nhắc việc có tiếp tục mở rộng phạm vi thanh tra hay không" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ.
Cần giải pháp từ gốc
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho rằng các quy định về đào tạo, cấp GPLX hiện rất cụ thể. Tuy nhiên, lâu nay, đôi lúc đôi chỗ cả hai phía là người học lái xe và cơ quan quản lý nhà nước đều chưa tuân thủ nghiêm túc.
Theo ông Liên, thực tế, trong quá trình đào tạo, sát hạch, cấp GPLX vẫn có một số khâu bị buông lỏng. Chẳng hạn, dư luận từng nhiều lần bức xúc bởi khâu tiếp nhận hồ sơ đào tạo. Ở một số nơi, người học chỉ cần nộp CMND/CCCD và ảnh thì sẽ có người "bao" các khâu còn lại như khám sức khỏe, nộp hồ sơ. "Bộ GTVT siết chặt công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX là động thái tích cực, song cần những giải pháp từ gốc" - ông Liên nêu ý kiến.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho biết thời gian qua, việc đào tạo, sát hạch lái xe đã được đổi mới theo hướng xã hội hóa. Tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, giáo viên, chương trình đào tạo đã được hoàn thiện theo hướng hội nhập quốc tế. Chương trình đào tạo lái xe được tham khảo từ các nước có trình độ phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ trong quản lý quá trình đào tạo, giám sát thời gian học lý thuyết và thực hành trên đường của học viên đã được thực hiện bằng thiết bị DAT. Ngoài ra, trong sát hạch cũng được ứng dụng hệ thống camera giám sát, bảo đảm quá trình thi được khách quan, công khai, minh bạch.
"Chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe đã được nâng cao, bảo đảm được kỹ năng điều khiển phương tiện của học viên, góp phần giảm sâu tai nạn giao thông" - ông Quyền đánh giá.
Công khai chất lượng đào tạo
Ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng cần xác định việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hoạt động theo cơ chế thị trường nên có yếu tố cạnh tranh. Vì vậy, cần dùng cơ chế thị trường để rà soát, điều chỉnh nhằm hạn chế, loại bỏ tiêu cực.
"Các cơ quan quản lý cần nghiên cứu theo hướng công khai, minh bạch tỉ lệ đủ điều kiện sát hạch và tỉ lệ thi đạt của từng trung tâm đào tạo. Việc này giúp người học nhận diện được chất lượng đào tạo của từng cơ sở để lựa chọn" - ông Quyền đề xuất.
Học phí đào tạo GPLX hạng B1: Mỗi nơi một kiểu
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động tại Trung tâm Đào tạo, Sát hạch lái xe Hóc Môn (TP HCM), học phí được niêm yết công khai tại quầy tiếp nhận hồ sơ. Theo đó, học phí đào tạo GPLX hạng B1 (số tự động) là 19,5 triệu đồng, cộng thêm lệ phí thi 585.000 đồng.
Nhân viên Trung tâm Đào tạo, Sát hạch lái xe Hóc Môn cho biết ngoài 2 khoản tiền trên, trung tâm không thu thêm khoản nào khác trong quá trình học. Học viên sẽ được học 30 giờ, thực hành đường trường 710 km. Theo nhân viên này, với mức học phí trên, trung tâm hỗ trợ học viên học trên cabin điện tử, chưa tăng phí.
Ông Nguyễn Hữu Trung, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Sát hạch lái xe Hóc Môn, cho biết hiện trung tâm chỉ mới đầu tư 1 cabin điện tử, tùy tình hình học viên tăng nhiều hay ít sẽ đầu tư thêm. Lúc đó, trung tâm sẽ cân đối các khoản đầu tư để điều chỉnh học phí.
Tại Trung tâm Đào tạo lái xe của Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải TP HCM (quận 12), mức học phí GPLX hạng B1 được niêm yết công khai là 17,2 triệu đồng, chưa bao gồm lệ phí thi và một số khoản khác khoảng 2-3 triệu đồng.
Anh Trương Ngọc Thảo (ngụ quận 12), đến đăng ký học GPLX hạng B1 tại đây cho biết đã đi hỏi ở một số trung tâm khác, mức học phí dao động từ 20 - 23 triệu đồng.
Trong khi đó, tại Trường Đào tạo, sát hạch lái xe Hoàng Gia (quận 3, TP HCM), học phí đào tạo GPLX hạng B1 là 25,8 triệu đồng trọn gói. So với năm 2022, mức học phí này tăng 6,8 triệu đồng (năm 2022 là 19 triệu đồng). Theo nhân viên Trường Đào tạo, sát hạch lái xe Hoàng Gia, do trường dạy theo chương trình mới có mô hình mô phỏng và cabin điện tử, ngoài ra thời gian học tăng lên 37 giờ nên học phí tăng.
Thu Hồng